>>
Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánhDoanh nhân Mỹ gốc Nam Phi Elon Musk là một trong số người có khả năng thay đổi bộ mặt của Silicon Valley - nơi tập trung tinh hoa của giới công nghệ thế giới. Ông đứng sau các công ty startup trong các lĩnh vực thuộc về tương lai của loài người như Internet, năng lượng sạch và khám phá vũ trụ.
Elon Musk và tham vọng chinh phục không gian. Ảnh: Reuters
Sau khi bán PayPal cho eBay năm 2002, tên tuổi của Musk gắn liền với Tesla Motors kể từ năm 2004 đến nay. Tuy nhiên, những siêu phẩm xe chạy điện đang làm thay đổi cả ngành sản xuất ôtô thế giới này không phải là đam mê duy nhất của ông.
Đưa người lên sao Hỏa trước NASA
Gần 2 thập kỷ trước, Musk đã có tham vọng đưa một nhà kính lên sao Hỏa để làm thí nghiệm xem cây cối trên Trái đất có thể sống bằng lớp đất đá của hành tinh đỏ hay không; nhưng ông nhận ra rằng trên thế giới chưa có loại tên lửa đẩy nào đủ sức thực hiện dự án này. Do đó, ngay sau khi bán PayPal, Musk đã lập ra Công ty không gian SpaceX năm 2002 tại Hawthorne, California - chuyên thiết kế, sản xuất và phóng các tàu vũ trụ tiên tiến.
Mô hình kinh doanh của SpaceX là vận chuyển thuê lên Trạm không gian quốc tế (ISS) và phóng vệ tinh. Sản phẩm đầu tiên của SpaceX - tên lửa đẩy Falcon 9 - giúp công ty có được hợp đồng phóng vệ tinh và chở hàng hóa lên ISS cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và sẽ sớm cung ứng cả dịch vụ vận chuyển các nhà du hành.
Mô hình module vận chuyển người lên sao Hỏa của SpaceX. Ảnh: Business Insider
Tham vọng của Musk không chỉ dừng ở mức “loanh quanh” từ Trái đất lên ISS mà đi xa hơn là đưa người lên sao Hỏa, nhằm biến loài người thành “giống loài đa hành tinh”, có thể sống sót trong vũ trụ nếu Trái đất gặp thảm họa.
Tháng 9/2016 vừa qua, Musk lần đầu tiên công bố chi tiết về tham vọng chinh phục sao Hỏa tại Đại hội Du hành vũ trụ quốc tế lần thứ 67 ở Guadalajara, Mexico. Tất cả kế hoạch gói gọn trong một đoạn video mô phỏng hành trình lên sao Hỏa với một con tàu khổng lồ. Trong khi khán giả còn chưa hết choáng ngợp vì đoạn hình ảnh bước ra từ thế giới tương lai này thì Musk xuất hiện trên sân khấu, tuyên bố: “Những gì các bạn nhìn thấy ở đây rất gần với những thứ chúng tôi sẽ chế tạo”.
Theo tính toán của Musk, nếu mọi thứ suôn sẻ, chuyến bay chở người lên sao Hỏa do SpaceX cung cấp sẽ cất cánh sớm nhất là vào năm 2024, vượt xa kế hoạch dự kiến của NASA là năm 2040. Tên lửa đẩy siêu mạnh cho dự án này mà SpaceX đang phát triển còn có tham vọng thực hiện được những chuyến đi xa hơn để tới sao Mộc và vệ tinh của nó là Europa. “Hệ thống tên lửa đẩy này thực sự cho phép bạn tự do đi bất cứ đâu trong hệ Mặt trời” - Musk tự tin tuyên bố.
Con người sẽ đặt chân lên sao Hỏa trong tương lai. Ảnh: Esnoticia
Musk vạch ra hệ thống phóng tàu vũ trụ gồm nhiều giai đoạn bằng tên lửa đẩy Raptor, có thể tái sử dụng giống như Falcon 9 nhưng lớn hơn nhiều. Tên lửa có nhiệm vụ đưa một “module liên hành tinh” có kích thước bằng hai chiếc máy bay Boeing 747, chở được khoảng 100 hành khách lên sao Hỏa. Musk còn có ý tưởng phóng một tên lửa khác chỉ bay trong quỹ đạo của Trái đất - có nhiệm vụ tiếp liệu cho các tàu đi sao Hỏa. Còn trên hành tinh đỏ, Musk hình dung sẽ có một hệ thống chế tạo nhiên liệu từ nước và carbon dioxide để cung cấp cho tàu quay trở về Trái đất.
Theo Musk, những chuyến bay đầu tiên có giá vé rất đắt, nhưng sau sẽ giảm về mức giữa 100.000 và 200.000USD một người. Musk ước tính sẽ cần khoảng 1 triệu người để có thể thiết lập được một cộng đồng tự cung tự cấp trên sao Hỏa. Như vậy, sẽ cần 10.000 chuyến bay chở người của SpaceX cùng nhiều chuyến khác chở hàng hóa và thiết bị và mất từ 40 đến 100 năm mới có thể hình thành một thành phố như thế trên sao Hỏa.
Hiện SpaceX đang đầu tư vài chục triệu USD để phát triển dự án sao Hỏa, nhưng số tiền đó chỉ như muối bỏ bể vì Musk cho rằng cần ít nhất 10 tỷ USD riêng cho tên lửa đẩy. Ông thừa nhận không thể đơn phương thực hiện được tham vọng mà cần một cơ chế kiểu đối tác công - tư (PPP) mới có đủ nguồn lực.
Việc làm sao gọi được số vốn để triển khai là điều còn mờ mịt nhất trong kế hoạch sao Hỏa của Musk. Scott Pace - cựu quan chức NASA và hiện là Giám đốc Viện Chính sách không gian Đại học George Washington - đánh giá tầm nhìn của Musk là đáng tin cậy về kỹ thuật, nhưng chưa thuyết phục được tại sao các chính phủ hay tập đoàn phải bỏ tiền cho dự án “lên trời” đó.
Phát wifi từ vũ trụ
Ngay sau khi công bố kế hoạch sao Hỏa, Musk tiếp tục công bố dự án khác liên quan đến không gian là phát sóng wifi cho toàn bộ trái đất bằng các vệ tinh. Tháng 11/2016, SpaceX đã nộp đơn xin Chính phủ Mỹ cấp phép để có thể triển khai một mạng lưới gồm 4.425 vệ tinh trên quỹ đạo nhằm cung cấp Internet tốc độ cao cho toàn cầu. Trước mắt, họ muốn phóng 800 vệ tinh để phủ sóng wifi cho toàn bộ nước Mỹ - bao gồm cả quần đảo Puerto Rico và Virgin.
Mô hình hoàn chỉnh tên lửa đẩy và module liên hành tinh mà SpaceX phát triển để đưa người lên sao Hỏa. Ảnh: SpaceX
Trong đơn xin cấp phép, công ty không gian của Musk nhấn mạnh: “Hệ thống được thiết kế để cung cấp đường truyền băng thông rộng và các dịch vụ viễn thông cho người dùng là người dân, các tổ chức thương mại, trung tâm nghiên cứu đào tạo và các chính phủ trên toàn thế giới”. Theo đó, đây là giải pháp Internet không gian thay thế cho việc dùng cáp quang và những cách truyền dẫn cổ điển khác hiện nay. Mỗi vệ tinh của SpaceX làm nhiệm vụ này được thiết kế có kích thước bằng một chiếc xe hơi, trọng lượng gần 400kg và chạy bằng năng lượng mặt trời.
Silicon Valley rục rịch chạy đua lên vũ trụ
Elon Musk không phải là tỷ phú duy nhất có tham vọng làm “startup chinh phục không gian”. Một tên tuổi lớn khác ở Silicon Valley là Jeff Bezos - nhà sáng lập tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon.com - cũng đang sở hữu công ty riêng về tên lửa vũ trụ mang tên Blue Origin. Tháng 9/2016 vừa qua, công ty này công bố một loại tên lửa đẩy mới mang tên New Glenn, nhưng có tầm bay thiết kế thua xa so với tên lửa mới Raptor của SpaceX.
Công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Beroz đang thử nghiệm tên lửa vũ trụ. Ảnh: Blue Origin
Người điều hành Blue Origin là Robert Meyerson cho biết, mục tiêu của New Glenn là đưa người lên không gian và phóng vệ tinh. Ngoài ra, Blue Origin tuyên bố còn có loại tên lửa mạnh hơn có tên New Armstrong đang trong giai đoạn thiết kế trên bản vẽ. Tỷ phú Jeff Bezos cho biết, mục tiêu của ông là đưa hàng triệu người lên sống trên vũ trụ, nhưng không nói cụ thể sao Hỏa có phải là điểm đến như Elon Musk hay không.
Ngoài ra, SpaceX cũng không phải là công ty đầu tiên muốn phát Internet từ vũ trụ. Việc truyền dẫn Internet qua vệ tinh cũng đang được một loạt công ty khác phát triển như Google, OneWeb, Boeing và Facebook. Trong đó, Facebook đang thử nghiệm loại máy bay không người lái bay liên tục ở độ cao lớn để phát sóng wifi cho những khu vực hẻo lánh trên Trái đất, còn Google triển khai dự án Project Loon nhằm phủ sóng Internet 99% Trái đất bằng các khinh khí cầu bay gần ở độ cao quỹ đạo.
>>
Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánh