Thực tế là mỗi năm có 270.000 người đi bộ mất mạng do các vụ tai nạn xe trên đường gây ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cần có công nghệ an toàn cho người đi bộ chứ không chỉ cho người trong xe.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống
kê, mỗi năm có hơn 270.000 người đi bộ mất mạng trên thế giới, chiếm 22% trong
tổng số 1,24 triệu người tử vong khi tham gia giao thông trên thế
giới.
Điều đáng buồn, dù con số thương
vong khổng lồ như thế, nhưng trong thời gian dài hầu hết các nỗ lực giảm thiểu
tai nạn cho người đi bộ vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào các phương pháp giáo dục
hay ban hành các quy tắc tham gia giao thông cho cả người đi bộ và lái xe.
Hơn nữa từ lâu người ta cũng mới
chỉ nghĩ tới làm thế nào để bảo vệ người ngồi trong xe còn những người ở bên
ngoài thì dường như còn bỏ ngỏ. Khi xe “nổi điên” lao vào người đi bộ, đâm vào
các phương tiện khác, các lái xe may mắn có túi khí bảo vệ sẽ giảm chấn thương,
còn người bị đâm vào sẽ khó mà tránh được thương vong đáng kể, nhất là trong
môi trường đô thị.
“Thuyết phục người mua xe hơi
trang bị các thiết bị bảo vệ bản thân và hành khách trên xe đã khó. Thuyết phục
họ chi tiền để bảo vệ những người khác dĩ nhiên còn khó hơn nhiều” -Robert
LaGuerra - chuyên gia tư vấn công nghệ của Tổ chức nghiên cứu ABI Research ở New York, Mỹ cho biết.
Trước sự lo ngại của công chúng
về an toàn cho người đi bộ khỏi các hiểm họa “xe điên”, Phòng thí Nghiệm nghiên
cứu giao thông Anh đã tiến hành nghiên cứu ra một hệ thống bảo vệ trước xe
(FPS), giảm chấn thương cho người đi bộ và đi xe đạp bằng cách thay các
thanh thép bảo vệ cản trước bằng loại thanh làm từ vật liệu hấp thụ năng lượng.
Nhưng tiếc thay FPS chỉ được sản xuất với một lượng nhỏ vô cùng đã phải ngừng
lại vì giá thành đánh giá thử nghiệm thiết kế quá đắt.
Cùng với đó, bắt đầu từ tháng
2/2009, Tổ chức đánh giá an toàn xe hơi Euro NCAP của châu Âu đã ban hành quy
định đánh giá an toàn tổng thể của xe ở cả bốn lĩnh vực, gồm: đánh giá bảo vệ
người lớn, bảo vệ trẻ em, người đi bộ và hỗ trợ an toàn. Trong đó bảo vệ an
toàn cho người đi bộ được xem là một trong những yếu tố quyết định đến tổng
điểm đánh giá an toàn của xe. Điều đó tiếp tục đánh động tới các nhà sản xuất
xe hơi.
Các nhà thiết kế xe bắt đầu tập
trung chú ý vào việc mô phỏng, tìm hiểu quá trình tương tác giữa người đi bộ và
xe hơi khi xảy ra tai nạn. Họ đã nhận thấy những tương tác toàn diện hơn. Cụ
thể, khi va chạm cản trước của xe sẽ tác động đến chi dưới của người đi bộ,
cạnh đầu mui xe sẽ chạm vào đùi hoặc xương chậu, trong khi ca-pô hoặc kính chắn
gió sẽ làm tổn thương thân và đầu người đi bộ.
Trong đó hầu hết các trường hợp
tử vong xuất phát từ chấn thương sọ não do người gặp nạn bị đập đầu vào mui
hoặc kính chắn gió của xe. Ngoài ra các tổn thương ở chi dưới - dù không gây tử
vong cao - nhưng lại là nguyên nhân khiến người gặp nạn trở thành tàn tật.
Các kỹ sư bắt đầu tập trung vào
bộ phận mui xe nhằm bảo vệ phần đầu - vùng quan trọng đối với sinh mạng của mỗi
người. Những nỗ lực tạo ra một khoảng trống bên trong mui xe để tăng khoảng
cách giữa nắp ca-pô và động cơ nhằm giảm chấn thương không phải dễ dàng chút
nào. Họ bắt đầu sử dụng các thiết kế mới cho nắp ca-pô.
Chẳng hạn như các mẫu
xe Citroen C6 và Jaguar XK được trang bị nắp ca-pô với lớp đệm bảo vệ người đi
bộ. Trong khi đó Volvo V40 vào năm 2012 và Land Rover Discovery Sport vào năm
2015 đã lần lượt trang bị loại túi khí có thể kích hoạt khi các cảm biến mui xe
phát hiện có va đập. Các túi khí này có thể trùm lên các cột kính chắn gió bảo
vệ tốt hơn vùng đầu cho người gặp nạn.
Phần cản trước của xe cũng bắt
đầu được chú ý hạ thấp hơn, lùi sâu hơn vào trong cấu trúc mui xe để giảm thiếu
gây chấn thương tới các phần quan trọng của chân người đi bộ như hông, đầu gối.
Các thanh cản trước cũng được bọc bởi lớp nhựa - một phương pháp được sử dụng
hầu hết ở các xe Toyota.
Mặc dù vậy việc áp dụng các tiêu
chuẩn an toàn - nhất là các công nghệ cao như túi khí bảo vệ người đi bộ cho xe
hơi dường như vẫn còn đang tiến triển chậm. Điều đó có thể do kinh phí đắt đỏ,
giá thành xe sẽ bị đội lên cao hoặc cũng có thể do hạn chế về nghiên cứu công
nghệ. Bởi quá trình tương tác giữa xe và người đi bộ vô cùng phức tạp.
“Hiểu được sự va chạm giữa xe và
người đi bộ rất phức tạp. Trong suốt thời gian nghiên cứu, chúng tôi đã biết
thêm được 10 điều mà chúng tôi chưa từng nghĩ tới. Những thứ này còn đặt ra
nhiều vấn đề hơn, đòi hỏi cần được nghiên cứu nhiều hơn” - Douglas Longhitano -
kỹ sư thiết kế hình nộm Polar-II cho các thử nghiệm va đập xe và người đi bộ
của Honda chia sẻ.