Với những tính năng ưu việt thể hiện trong cuộc diễn tập vừa qua, chiếc trực thăng không người lái K-MAX của Mỹ cho thấy nó có thể trở thành một trong những vũ khí chống hỏa hoạn hiệu quả nhất thế giới.

Từ chiến trường về làm “lính cứu hỏa”

Trước nay, không ít các công nghệ quân sự được áp dụng cho dân sự đã tạo nên những cuộc cách mạng lớn. Có thể kể đến hệ thống định vị toàn cầu GPS, lò vi sóng hay mạng Internet… Mới đây nhất là chiếc trực thăng không người lái K-MAX.

Đây là sản phẩm của hãng sản xuất thiết bị quốc phòng Mỹ Lockheed Martin hợp tác với công ty chế tạo máy bay trực thăng Kaman.

Chiếc trực thăng này từng tham gia vận chuyển hàng hóa cho khu vực chiến sự tại Trung Đông. Giờ đây, K-MAX đang được thử nghiệm để chứng minh hiệu quả ngay tại nước Mỹ. Nhiệm vụ của nó không phải là tham gia các cuộc chiến mà là chống hỏa hoạn.

Giữa tháng 10 vừa qua, K-MAX đã thực hiện thành công cuộc diễn tập chữa cháy được tổ chức tại Boise, Idaho (Mỹ). Chiếc trực thăng không người lái đã hoàn thành xuất sắc 7 nhiệm vụ chỉ trong vòng 1,5 giờ đồng hồ trước sự chứng kiến của 200 quan sát viên.

“Trực thăng K-MAX đã chứng minh khả năng của mình trong việc thực hiện các kịch bản chữa cháy ở vùng rừng, hoang mạc - bao gồm các nhiệm vụ như tự lấy nước và thả vào đám cháy, thả thùng nước vào mục tiêu cố định hay trở thành mắt xích quan trọng để lập một dây chuyền vận chuyển nước tới nơi quy định” - Bộ Nội vụ Mỹ cho biết trong thông cáo báo chí sau cuộc diễn tập.

Trong khi đó, ông Mark Bathrick - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ phụ trách các dịch vụ hàng không - cho biết: “Chúng tôi muốn hỗ trợ tối đa cho các nhân viên cứu hỏa trên mặt đất. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các công nghệ để cải thiện an toàn và hỗ trợ tốt nhất cho họ trong nỗ lực bảo vệ cộng đồng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa của nước Mỹ ở các vụ hỏa hoạn. K-MAX là một trong số đó”.
Chiếc trực thăng không người lái K-MAX của Mỹ. Ảnh INT

Ưu thế tuyệt đối của trực thăng không người lái

Thông thường, việc chữa cháy gặp khó khăn lớn khi khói làm giảm tầm nhìn hoặc phải tiến hành việc dập lửa trong đêm. Ngoài ra, các đám cháy rừng thường có nhiệt độ rất cao khiến con người gặp nhiều khó khăn để tiếp cận. K-MAX được tính tới là để giải quyết những vấn đề này.

Một chiếc trực thăng không người lái có thể dễ dàng tiếp cận trung tâm đám cháy và dập lửa nhanh hơn các phương tiện chữa cháy khác. Được trang bị, tích hợp hàng loạt các công nghệ cao, K-MAX có thể thực hiện các nhiệm vụ chữa cháy chính xác ở nhiều mục tiêu con người không thể tiếp cận trong thời gian ngắn, qua đó giảm thiểu thiệt hại về người và của.

Việc có thể bay đêm, bay trong điều kiện nguy hiểm mà các máy bay có người lái khác không thể làm được khiến K-MAX có thể nâng cao hiệu suất tấn công ngọn lửa lên gấp nhiều lần.
“Công nghệ điều khiển tự động của máy bay không người lái này là một hệ thống các cảm biến được tích hợp vào K-MAX để nó có thể biết được nơi nó phải đến” – ông Mark Bathrick cho biết.

Được biết, K-MAX sử dụng 3 phương thức liên lạc gồm liên lạc với bộ phận điều khiển mặt đất và liên lạc với 2 vệ tinh khác nhau. Ngay cả trong trường hợp mất liên lạc với bộ phận điều khiển mặt đất, K-MAX vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nó cũng có thể được lập trình để bay đến một nơi được chỉ định trước khi mất liên lạc trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong cuộc diễn tập vừa qua, vì lý do an toàn cho chiếc máy bay cũng như những người tham gia vào cuộc diễn tập, một phi công giàu kinh nghiệm đã được bố trí ngồi ở buồng lái của K-MAX.

Tuy nhiên, trong thời gian chiếc trực thăng thực hiện nhiệm vụ, người này liên tục giơ tay lên để chứng tỏ mình hoàn toàn không hề tác động đến K-MAX. Người vận hành chiếc máy bay này là một nhân viên khác được bố trí cách nơi diễn tập hơn 32km.

Dù vậy, K-MAX vẫn dễ dàng hoàn thành các nhiệm vụ một cách ấn tượng. Điều đó khiến cho mục tiêu đưa nó chính thức được tham gia vào các nhiệm vụ cứu hỏa tiến thêm một bước dài.
“Chúng tôi rất tự tin chiếc trực thăng này có thể tham gia cứu hỏa với hiệu suất cao. Nếu K-MAX được đưa vào hoạt động, nó có thể thực hiện các chuyến bay 24/7 và sẽ góp phần quan trọng trong việc chống hỏa hoạn” – ông Dan Spoor – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Lockheed Martin nói.

Theo các chuyên gia của Mỹ, K-MAX khá rẻ với mức chi phí chỉ 1.400USD/giờ và đòi hỏi thời gian bảo trì thấp. Ông Mark Bathrick cho biết, hiện các quan chức Mỹ vẫn còn đang xem xét, phân tích thông tin về K-MAX – trong đó bao gồm cả kết quả cuộc diễn tập vừa rồi.

Tuy nhiên, ông Bathrick cho biết, rất có thể K-MAX sẽ chính thức được tham gia vào các nhiệm vụ cứu hỏa từ mùa hè năm sau.

Hơn 80 năm qua, con người đã chiến đấu với “thần lửa” bằng các loại máy bay có người lái. Với thành công trong cuộc diễn tập vừa qua, có thể nói hãng Lockheed Martin và Kaman đã gây ấn tượng về công nghệ.

K-MAX có thể giúp giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và cứu sống vô số những vùng đất, rừng và động vật hoang dã trong tương lai.