Không nên dùng loại củ sạc gắn kèm dây sạc, cố gắng chọn loại có từ hai cổng USB trở lên và hạn chế tối đa sạc khi đang tắt máy.

Sạc trên xe hơi rất quan trọng trong thời đại của smartphone.

Sạc trên xe hơi rất quan trọng trong thời đại của smartphone.

Với việc smartphone ngày nay có thời lượng sử dụng pin thường chỉ chưa đầy một ngày, sạc trên xe hơi trở nên rất quan trọng với những người sở hữu "xế hộp". Đặc biệt là trong các các chuyến đi đường dài, du lịch bằng xe hoặc một số trường hợp khẩn cấp. Việc phát triển của smartphone ngày này cũng kéo theo những thay đổi về thị trường sạc cho xe hơi với nhiều mẫu mã để lựa chọn, chất lượng tốt và giá rẻ hơn.

Sạc xe hơi thường được cắm vào đầu lấy điện hoặc tẩu thuốc trên xe với điện áp 12V. Sạc sẽ hoạt động khi nổ máy hoặc khi tắt máy nhưng vẫn đang mở khóa điện. Việc sạc khi nổ máy sẽ lấy điện từ máy phát của xe, về lý thuyết sẽ làm tốn thêm nhiên liệu nhưng rất ít và không đáng kể. Trong trường hợp mở khóa điện nhưng không nổ máy, sạc sẽ lấy điện từ ắc-quy nên cần hạn chế và chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

chon-va-su-dung-sac-di-dong-tren-xe-hoi-the-nao-la-dung-1

Loại sạc nhiều cổng thường có kích thước lớn hơn hẳn nên cần cân nhắc trước khi chọn phù hợp với xe.

Loại sạc có gắn sẵn dây hiện nay vẫn còn bán trên thị trường nhưng khá ít. Người dùng tốt nhất không nên chọn do thường chỉ đi kèm một đầu dây sạc duy nhất cho một loại điện thoại. Khi có hỏng hóc do đứt dây hoặc tiếp xúc kém, thường phải thay cả đầu sạc chưa kể người dùng sẽ gặp khó khi đổi điện thoại hoặc người đi cùng muốn sử dụng nhưng không cùng chủng loại.

Nên chọn loại sạc có từ hai đầu ra USB trở lên do giá thành không đắt hơn đáng kể so với loại một cổng sạc trong khi tiện dụng hơn nhiều. Các loại sạc có từ 3 đến 5 cổng kích thước lớn nên cân nhắc lựa chọn nếu có nhu cầu. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến kích thước thực tế của củ sạc vì ổ cắm tẩu, lấy điện của các xe khác nhau và có thể khá nhỏ ở một số dòng xe.

chon-va-su-dung-sac-di-dong-tren-xe-hoi-the-nao-la-dung-2

Một số loại ghi rõ dòng sạc từng cổng trên thiết bị.

Điểm đáng quan tâm nhất cần chú ý là chọn dòng điện của củ sạc. Có nhiều loại từ 1A, 1,5A đến 2,1A. Các dòng lớn giúp sạc nhanh hơn (nhưng dễ gây nóng máy hơn) và thường dành cho phablet hoặc máy tính bảng. Hầu hết các dòng sạc giá rẻ thường có hai đầu ra USB và chú thích dòng sạc cho từng đầu. Giá bán dao động từ 150.000 đến 300.000 đồng cho loại dùng tốt và ổn định.

Đắt tiền hơn một chút là các loại sạc có chip điều khiển thông minh như của Belkin, Anker, Tronsmart, Moshi... Người dùng có thể cắm vào bất kỳ đầu sạc nào và thiết bị sẽ tự nhận và đưa ra dòng sạc phù hợp và nhanh nhất cho máy. Dòng sạc của các thiết bị dạng này có thể tối đa lên tới 2,4A giúp sạc rất nhanh và an toàn cho smartphone hoặc tablet. Giá bán dao động khoảng 350.000 đến 450.000 đồng.

chon-va-su-dung-sac-di-dong-tren-xe-hoi-the-nao-la-dung-3

Các loại sạc có chip điều khiển thông minh, hỗ trợ chuẩn sạc nhanh Quick Charge ngày càng được ưa chuộng.

Nếu đang sở hữu các thiết bị di động hỗ trợ chuẩn sạc nhanh như Qualcomm Quick Charge 2.0 hoặc mới hơn như Galaxy S6, Note 5, LG G4, HTC One M8, M9, A9... thì người dùng nên cố gắng sở hữu một bộ sạc xe hơi hỗ trợ chuẩn này. Chỉ trong vòng khoảng 20 phút, thiết bị có thể sạc thêm từ 40 đến 50% pin mà vẫn đảm bảo an toàn cho máy. Các hãng được Qualcomm cấp chứng chỉ hiện nay bao gồm Anker, Tronsmart, Maxell, Oriental... Giá bán các dòng sản phẩm này khoảng 450.000 đến hơn 600.000 đồng.

Các loại sạc không nguồn gốc giá bán rất rẻ thường tiềm ẩn nhiều rủi ro như dòng sạc không như ghi trên thiết bị gây ra tình trạng sạc chậm. Dòng không ổn định ảnh hưởng đến thiết bị di động hoặc có thể gây cháy, đứt cầu chì của xe. Ngoài củ sạc, cũng cần chọn các dây cáp tốt để không tiêu hao điện năng giúp sạc nhanh hơn và giữ dòng điện luôn ổn định.