Trong bài viết đăng trên tạp chí Conversation, các giáo sư Thomas Kochan và Lee Dyer cho rằng, lo ngại robot lấy mất việc hay thống trị loài người không phải là cách đúng đắn để suy nghĩ về vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI). Chúng tôi xin trích đăng bài viết của hai nhà khoa học này.
Tập trung vào nhiệm vụ thay vì công việc
Không phải bàn cãi về việc một số công nghệ như AI sẽ khiến nhiều công việc bị mất đi, nhưng chính nó cũng sẽ tạo ra các công việc mới. Điều này từng diễn ra trong quá khứ với các ví dụ điển hình là sự cơ giới hóa trong nông nghiệp, công nghiệp hay sự xuất hiện của chiếc máy rút tiền tự động ATM. Vì vậy, không nên phí sức để đưa ra các dự đoán kiểu như công nghệ mới sẽ tạo ra nhiều công việc hơn là nó lấy mất. Thay vào đó, hãy tập trung vào vấn đề các công nghệ tương lai sẽ khiến con người thay đổi cách làm việc ra sao.
Vấn đề không phải ở các công việc mà là ở các nhiệm vụ. Để hiểu tại sao, bạn nên tiếp cận theo hướng: Một công việc là tập hợp của các nhiệm vụ có thể được thực hiện theo các cách khác nhau với sự hỗ trợ của công nghệ mới và lần lượt các nhiệm vụ đó được thực hiện bởi những người lao động ở các vai trò khác nhau. Các nhiệm vụ đó có thể được sắp xếp lại theo cách tận dụng công nghệ tốt nhất để hoàn thành công việc. Giới chuyên gia thiết kế công việc gọi đây là “các hệ thống làm việc”.
Một trong những phát hiện chính trong nghiên cứu về công việc mới đây của hãng McKinsey cho thấy, khoảng 1/3 số nhiệm vụ tương đương với 60% lượng công việc hằng ngày hiện nay có thể bị loại bỏ hoặc thay đổi đáng kể bởi các công nghệ của tương lai. Nói cách khác, phần lớn công việc của chúng ta vẫn còn, nhưng những gì chúng ta làm thường lệ sẽ thay đổi mạnh mẽ.
Tận dụng trí tuệ của công nhân
Sau nhiều năm tranh luận về việc xây dựng lại đội ngũ lao động của thế kỷ 21, nhiều nhà khoa học đã rút ra kết luận, xã hội cần có một chiến lược tích hợp để giành quyền kiểm soát ảnh hưởng của các công nghệ tương lai đến công việc con người. Chiến lược đó bắt đầu bằng việc xác định những vấn đề con người muốn công nghệ mới giải quyết. Một số kỹ sư và chuyên gia về AI đã nhận ra rằng người dùng cuối cùng của một công nghệ mới phải có vai trò trung tâm trong việc định hướng thiết kế các công nghệ đó. Họ có thể chỉ rõ những vấn đề đang gặp phải và cố gắng giải quyết.
Bước thứ hai là đảm bảo rằng các công nghệ này được thiết kế đồng bộ với hệ thống công việc. Một quá trình thiết kế đồng bộ mang lại kết quả tốt hơn cho cả công ty và công nhân so với chiến lược tuần tự thường thấy hiện nay. Chiến lược tuần tự thường chỉ xem xét việc thiết kế một công nghệ và chỉ xem xét tác động tới lực lượng lao động sau đó.
Ví dụ điển hình là chuyện Toyota đưa robot vào dây chuyền lắp ráp những năm 1980. Không giống các đối thủ như General Motors vốn theo một chiến lược tuần tự, Toyota đã thiết kế lại hệ thống làm việc để tận dụng tối đa công nghệ mới và người lao động. Điều quan trọng là Toyota lấy ý tưởng cải thiện dây chuyền làm việc từ chính công nhân. Kết quả, hãng đạt năng suất và chất lượng cao so với các đối thủ. Điều đó chứng minh rằng khi một công nghệ mới được giới thiệu, không đơn giản là chuyện công việc bị mất đi. Nếu được quản lý tốt, công nghệ đó có thể thay đổi cách thức công việc được hoàn thành để làm tăng năng suất, chất lượng dịch vụ bằng cách hỗ trợ con người thực hiện các nhiệm vụ.
Nhưng quá trình ứng dụng công nghệ mới không kết thúc ở đó. Các công ty cần đầu tư liên tục vào việc đào tạo để nhân viên sẵn sàng sử dụng và thích ứng với những thay đổi về công nghệ. Đó là bước thứ ba trong việc tận dụng tối đa công nghệ mới. Và nó cần phải bắt đầu trước khi các công nghệ mới được giới thiệu.
Một phần quan trọng của khâu này là người lao động phải học những kỹ năng tích hợp - một sự kết hợp của kiến thức kỹ thuật về công nghệ mới với kỹ năng kết nối và giải quyết vấn đề. Công ty sở hữu công nhân có những kỹ năng này sẽ có thể được hưởng lợi lớn nhất từ đầu tư công nghệ.
Một điều không thể phủ nhận là khi một số công việc bị mất đi, sẽ có những công nhân mất việc. Vì vậy, yếu tố cuối cùng của một chiến lược tổng thể là phải giúp những người đó tìm kiếm công việc mới và trợ cấp cho những người không thể kiếm được việc mới. Ví dụ, Ford và Liên đoàn Công nhân ôtô Mỹ từng cung cấp khoản phúc lợi hưu trí sớm cũng như một số khoản trợ cấp khác khi công ty cắt giảm nhân công trong giai đoạn 2007-2010. Những trường hợp như vậy cần trở thành tiêu chuẩn trong thời gian tới.
Tóm lại, các công ty thu hút được lực lượng lao động khi thiết kế và triển khai công nghệ mới sẽ ở vị trí tốt nhất để kiểm soát cuộc cách mạng về AI. Các công ty cần hiểu và tôn trọng sự thật là người lao động hiểu công việc của họ tốt hơn bất cứ ai. Chính họ là những người tốt nhất để “truyền sự khôn ngoan cho máy móc”- như cách người Nhật vẫn thường nói.