Áp lực lên cột sống cao nhất khi ngồi sai
Bác sỹ (BS) Phạm Thị Kim Loan - Giám đốc doanh nghiệp Khoa học và công nghệ Ngân Hà - cho biết: “Theo một nghiên cứu của Mỹ, áp lực lên các đốt sống thấp nhất khi nằm ngửa và lớn nhất khi ngồi sai tư thế chứ không phải lúc đứng, cúi, bê vác đồ nặng”.
Việc ngồi sai tư thế kéo dài có thể gây tổn thương rất nặng, dẫn đến đau lưng, đau đầu gối, thần kinh tọa, mệt mỏi, mất ngủ... Từ thực trạng này, BS Loan đi sâu nghiên cứu về tư thế ngồi và hình thành ý tưởng tạo một sản phẩm giúp ngồi đúng cách.
“Khi ngồi đúng, cột sống sẽ được giữ trên một trục thẳng, xương chậu ở vị trí cân xứng (cổ, lưng cong ra trước, ngực cong phía sau) nhằm đảm bảo đường cong sinh lý. Những chiếc ghế phẳng dễ khiến ta ngồi trượt ra trước hoặc sau, ít người có thể ngồi đúng trong thời gian dài. Vì thế, tôi đã tạo ra mẫu ghế giúp mọi người ngồi đúng ngay cả khi không có hướng dẫn” - bà Loan nói.
Cô Nguyễn Liên Hoa - nhân viên phòng khám Đức Phúc - hướng dẫn cách ngồi ghế đúng tư thế. Ảnh: NV
Theo tác giả, với bề mặt lõm, người sử dụng muốn ngồi sai cũng khó bởi không thể trượt ra trước, sau hay vắt chéo chân (tư thế gây vặn xoắn, lệch xương chậu). “Chiếc ghế tạo thành khuôn ép dựa trên giải phẫu, đảm bảo cấu trúc xương chậu, xương cùng và xương sống ở vị trí đúng nhờ chất liệu đặc biệt cùng những đường design (thiết kế)” - BS Loan cho biết.
Bảo hộ độc quyền trên 50 quốc gia
Theo BS Loan, sản phẩm này đã nhận được 18 bằng sáng chế, đã công bố tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO), được bảo hộ tuyệt đối trong 20 năm ở hơn 50 quốc gia như Mỹ, Nhật, Singapore... Bà cũng đang nắm gần 30 bằng sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp độc quyền.
Từ lúc có ý tưởng đến khi ra sản phẩm đầu tiên, bà Loan mất hơn 3 năm. “Sản phẩm giúp tôi khẳng định rằng, với góc 135 độ, cơ thể ở tư thế tốt nhất cho sức khỏe. Ngồi càng lâu, cơ thể càng giãn ra do được chỉnh xương đúng khuôn. Vì thế, sản phẩm được sử dụng như ghế, nhưng không phải ghế mà là dụng cụ điều trị và phòng bệnh cột sống” - bà Loan nhấn mạnh.
BS Nguyễn Ngọc Thành - chuyên gia vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của Bệnh viện Quân y 7A, TPHCM - đánh giá: “Hiện nay, việc điều trị bệnh cột sống bằng nội khoa, ngoại khoa, y học cổ truyền, vật lý trị liệu đã mang lại hiệu quả tích cực; nhưng về phòng ngừa thì chưa có biện pháp nào hữu hiệu, mang tính chất cơ bản và lâu dài. Vì vậy, sáng chế của BS Loan rất cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn cao”.
Theo ông Thành, điểm ưu việt của chiếc ghế là phù hợp với đường cong sinh lý của cột sống, xương chậu, dễ sử dụng, điều chỉnh được khoảng cách theo ý muốn của người dùng mà vẫn ngồi đúng tư thế. Sản phẩm này có thể giúp những người bị trượt, gù, vẹo cột sống trở về trạng thái gần như hoặc như ban đầu, giúp giảm đau và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điều đó cũng đã được khẳng định qua thực tế sử dụng của nhiều bệnh nhân, trong đó có bà Phạm Lê Lan Phương - 35 tuổi, nhân viên văn phòng sống ở TPHCM. Bà bị mỏi đầu gối, chân run rẩy mỗi khi bước, lên và xuống cầu thang do thoát vị đĩa đệm, cơ đùi yếu do dây thần kinh bị xương chèn vào.
“Sau 8 ngày điều trị bằng phương pháp đi và ngồi đúng tư thế, tôi đã đỡ được 80%. Trước kia, với các động tác thể dục liên quan đến đầu gối, tôi chỉ làm 15-20 nhịp là mỏi, thì giờ có thể tập thoải mái” - bà Phương kể.
Còn ông Nguyễn Minh Tùng - giáo viên Trường Tiểu học Bồng Sơn Tây (Hòa Nhơn, Bình Định) - bị thoát vị đĩa đệm nặng đến mức không thể đi hay ngồi. “Bệnh viện chỉ định phẫu thuật. Nằm trên bàn mổ rồi, nhưng cuối cùng tôi quyết định hủy. Sau 10 ngày điều trị theo phương pháp đi bộ đúng tư thế, kết hợp với các bài tập thể dục, massage và sử dụng ghế ngồi, ghế nằm, tôi đã có thể đi lại bình thường” - ông Tùng cho biết.
Từ chỗ phải nằm yên trên giường vì đau, giờ đây ông Tùng đã đi dạy trở lại. Sau mỗi giờ lên lớp, trở về nhà, khoảng thời gian yêu thích của ông là ngồi trên chiếc ghế của BS Loan.
Tư vấn về cách giữ gìn sức khỏe, bà Loan nhấn mạnh: “Khẩu hiệu đang được thế giới chia sẻ là “Chiếc ghế giết chết con người” bởi ngồi làm tổn thương lớn đến xương. Nếu buộc phải ngồi, hãy ngồi đúng cách, nghĩa là mông đưa vào sát bên trong ghế, ngồi thẳng, bàn chân vuông góc với mặt đất, cẳng chân vuông góc với đùi”.