Từ vỏ trấu, PGS-TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Tập đoàn sơn Kova - đã chiết xuất thành công nguyên liệu nano, ứng dụng vào sản xuất nhiều dòng sơn độc đáo như: Sơn tự làm sạch, sơn đá nghệ thuật, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy và thậm chí là sơn... chống đạn.

Nhiều tính năng quý từ trấu

Không phải ngẫu nhiên mà các bệnh viện Ng Teng Fong (vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, có tiêu chuẩn cao nhất Singapore), Shingmark (Đồng Nai, vốn đầu tư 200 triệu USD) chọn sơn kháng khuẩn Kova cho những khu vực yêu cầu cao về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Được tạo bằng công nghệ nano, dòng sơn này có hàm lượng chất hữu cơ bay hơi rất thấp, khả năng chịu nhiệt gấp 6 lần bình thường, có khả năng tự làm sạch, chống ăn mòn, độ dẻo và kết dính cao, rất hợp với khí hậu nhiệt đới.

PGS Hòe cho biết, ý tưởng sản xuất sơn nano từ vỏ trấu của bà xuất phát từ nguyện vọng tận dụng trấu - thứ phụ phẩm thường bị nông dân vứt bỏ sau thu hoạch, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. “Thử lấy vỏ trấu về phân tích rồi xay ra, trộn với compozit thành từng tấm lợp, tôi thấy sản phẩm có tính năng chống nóng tốt nên bắt đầu nghiên cứu tách silicat nano từ trấu để sản xuất sơn cao cấp. Tôi đã đầu tư 10 năm và khoảng 2 triệu USD cho việc nghiên cứu sản xuất dòng sơn này”.

Sản phẩm silicat nano từ vỏ trấu có giá trị lớn gấp trăm lần so với trấu, được dùng cho nhiều lĩnh vực như sơn, chống thấm, mỹ phẩm, dược phẩm, vi tính... Vỏ trấu chiếm từ 20-50% lượng nguyên liệu trong các sản phẩm sơn của Kova. Bằng việc biến tính colloidal - được tổng hợp từ silicat nano - để ứng dụng vào lĩnh vực chất phủ, sơn nano từ vỏ trấu có chất lượng thậm chí cao hơn các vật liệu khác về độ bóng, độ cứng của màng sơn, khả năng chịu nhiệt, chống thấm, chống bám bụi, rêu mốc. Những ưu điểm đó được PGS Hòe tận dụng để tạo ra nhiều dòng sơn.

PGS-TS Nguyễn Thị Hòe giới thiệu sản phẩm sơn nano từ vỏ trấu với đoàn khách EU.
Ảnh: Ngọc Hà

“Trong đó, dòng sơn chống cháy là sự kết hợp giữa cơ chế chống cháy của nano từ vỏ trấu và cơ chế chống cháy phồng, ngăn cản khói gây ngạt cho người, giúp vật liệu chịu được sức nóng 1.0000C trong vòng 6 giờ - cao gấp 3 lần tiêu chuẩn hiện tại” - bà Hòe nói và cho biết, công nghệ tách sản phẩm nano từ vỏ trấu để chế tạo sơn tự làm sạch, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy và đặc biệt là mô hình sơn chống đạn đã được đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ.

Xuất khẩu ra nhiều nước

Vào tháng 1/2016, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Kova đã tiến hành thực nghiệm đốt các mẫu vật liệu phủ sơn chống cháy nano Kova ở nhiệt độ từ 800-1.2000C, với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đại tá Trần Trung Thành - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - cho biết: “Qua thử nghiệm các bề mặt được quét sơn chống cháy Kova, có thể thấy đây là một ứng dụng đáp ứng nhiều tiêu chuẩn. Đặc biệt về thời gian chống cháy, loại sơn này đã đáp ứng rất tốt, thậm chí cao hơn quy chuẩn hiện nay”.

Chung cư cao cấp tại Singapore sử dụng sơn nano tự làm sạch của Kova. Ảnh: Ngọc Hà

Theo PGS Hòe, hiện dòng sơn chống cháy đã được cải tiến để có thể áp dụng cho những bề mặt khó sơn như thạch cao, gỗ. Sơn kháng khuẩn được tích hợp nano bạc và các hợp chất hữu cơ đặc biệt, diệt được 99% vi khuẩn.

“Khả năng diệt khuẩn của sản phẩm đã được chứng nhận tại Singapore và sản phẩm đã được bán ở nước này” - bà Hòe nói và cho biết, hiện sơn nano của Kova đã được xuất sang Mỹ, châu Âu. Sản phẩm - nhất là dòng sơn tự làm sạch, chống thấm - cũng đã được đưa vào quốc đảo Malta với công thức và hàm lượng nano được điều chỉnh phù hợp với các công trình xây dựng ở xứ này.