Sau hai năm ra đời, Browzzin đã nằm trong Top 50 công ty công nghệ hàng đầu tại Intercon 2019 và được đề cử cho giải “Đổi mới kỹ thuật số tốt nhất” tại Lễ trao giải thưởng chuyển đổi số Drapers của Anh, bên cạnh các ông lớn như Farfetch, BESTSELLER, Zalando SE và NET-A-PORTER.

Võ Thị Hải Trang (bên trái) và các cộng sự.
Võ Thị Hải Trang (bên trái) và các cộng sự.

Học nghệ thuật và khởi nghiệp công nghệ

“Tôi đã từng nói với bố mẹ không muốn học kinh tế, kỹ thuật mà muốn theo đuổi nghệ thuật. Nhưng số phận lại đưa đẩy tôi trở thành người điều hành startup công nghệ trong lĩnh vực thời trang”. – Võ Thị Hải Trang – Founder của startup Browzzin đã mở đầu cuộc trò chuyện với tôi về Browzzin.

Ở thời điểm bắt đầu, Browzzin có ba founder, trong đó, Hải Trang chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm, hai cộng sự còn lại lo về công nghệ và vận hành công ty. Sau khi tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Lasalle (Singapore), Hải Trang đã trải qua nhiều vị trí như nhiếp ảnh gia thời trang, quản lý nghệ sĩ, tổ chức triển lãm nghệ thuật đương đại và trải qua nhiều vị trí trong hệ thống bán lẻ thời trang và mỹ phẩm trực tuyến Zalora Group. Điều đó giúp Hải Trang hiểu hơn về lĩnh vực thương mại điện tử lĩnh vực thời trang và xu hướng social commerce (sự kết hợp của mạng xã hội và thương mại điện tử).

“Tôi nhận thấy người ta mất rất nhiều thời gian để tìm cô ca sĩ này mua chiếc áo ở đâu, anh diễn viên kia mua đôi giày của nhãn hàng nào, chiếc bông tai này đến từ thương hiệu nào? Hay chiếc áo này có thể kết hợp với chân váy, túi hay phụ kiện nào? Tôi nghĩ tất cả mọi người cần một công cụ giải quyết vấn đề của họ” – Hải Trang nói.

Từ suy nghĩ đó, chúng tôi đã phát triển Browzzin trở thành nền tảng kết hợp giữa việc chia sẻ hình ảnh thời trang và công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo). Khi một người chia sẻ hình ảnh về outfit (trang phục bao gồm quần áo, giày dép, phụ kiện…) lên Browzzin, hệ thống sẽ phân tích hình ảnh này, từ đó đưa ra những gợi ý sản phẩm thời trang chính xác hoặc tương tự, giúp người xem có thể lựa chọn mua sản phẩm này từ các đối tác, thương hiệu.

Sau hơn hai năm ra mắt, Browzzin đã nhận diện được hơn 60 loại sản phẩm khác nhau (áo sơ mi, áo thun, đầm, chân váy ngắn, chân váy dài, quần jean…), phân tích hơn 500 loại thuộc tính của sản phẩm (màu sắc, họa tiết (kẻ sọc, da báo), chất liệu, túi đính trước ngực trái hay phải…), đi kèm với nhận diện giới tính, màu sắc, ngữ cảnh và gợi ý phong cách thời trang phù hợp.

Để làm được điều này, đội ngũ phát triển của Browzzin đã nghiên cứu và phân loại dữ liệu hình ảnh của các loại sản phẩm thời trang khác nhau, đưa ra định nghĩa cho từng sản phẩm (như thế nào là màu xanh, như thế nào là áo ngắn tay, như thế nào là họa tiết da báo, họa tiết hoa cúc, hoa trà…) rồi đưa vào máy học. Sau đó, các kỹ sư phát triển tiếp tục kiểm tra các giá trị mà hệ thống trả ra rồi cho máy học lại từ thẩm định đúng – sai này.

“Càng nhiều vòng “học”, “thẩm định” và càng nhiều dữ liệu thì hệ thống càng cho kết quả đúng hơn. Ví dụ màu đen thường hay gặp và nhiều dữ liệu sẽ rất dễ để dạy máy học nhưng màu xanh lục lam thì xác xuất ít gặp hơn nên cần nhiều vòng học” – Hải Trang cho biết và nói rằng, cái khó khi làm AI trong ngành thời trang là phải cập nhật liên tục vì sản phẩm mới thay đổi theo mùa bởi ‘Chỉ cần sai một pixel thôi cũng có thể khiến kết quả trả về không đúng”.

Chính hệ thống trí tuệ nhân tạo ẩn phía sau đã khiến Browzzin trở thành một điều hoàn toàn khác biệt với Instagram hay Pinterest mỗi khi một bức ảnh được đăng tải. Mỗi item trong bộ trang phục đều được xử lý và tự động kết nối với các nhãn hàng đang bán sản phẩm đó, thay vì phải làm thủ công. Nếu người dùng thích đôi giày bạn đang đi, họ có thể kết nối trực tiếp tới nhãn hàng đang bán đôi giày này hoặc các nhãn hàng có đôi giày tương tự với phân khúc giá khác nhau để bạn mua hàng ngay trên nền tảng của Browzzin.

Hải Trang giải thích: “Hình dung đơn giản, Browzzin là sự kết hợp của thời trang, thương mại điện tử và AI, giúp người dùng tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều để tìm được bộ đồ mình thích”.

Trở thành công ty công nghệ thời trang

Mục tiêu mà Võ Thị Hải Trang hướng đến cho Browzzin không phải chỉ đơn giản là ra mắt một ứng dụng này mà ở tầm nhìn xa hơn là mang nền tảng công nghệ AI cùng với dữ liệu đã có về các sản phẩm, sự hiểu biết về hành vi của khách hàng để áp dụng cho nhiều phiên bản và sản phẩm khác.

“Browzzin xác định trở thành công ty công nghệ chuyên biệt cho lĩnh vực thời trang” – cô nhấn mạnh.

Trong hai năm ra mắt tại châu Âu, Browzzin có khoảng 200 nghìn người dùng, 8000 nhãn hàng và khoảng 2000 content creator (các influencer ngành thời trang hoặc người sáng tạo nội dung). Founder của Browzzin thừa nhận Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới startup khi mà kinh tế khó khăn làm nhiều nhãn hàng phá sản, người dùng bị ảnh hưởng về kinh tế nên sức mua cũng giảm. Không chỉ vậy, kế hoạch ra mắt Browzzin tại Ấn Độ trong năm nay cũng gặp nhiều sự cố và phải chậm lại ít nhiều.

Tuy nhiên, chính Covid-19 lại giúp Browzzin nhận ra rằng tầm nhìn của mình là đúng. Nếu khi xưa, chỉ chăm chăm làm một sản phẩm và không đầu tư cho công nghệ, thì biết đâu đó giờ đây, họ cũng đang thoi thóp giữa dịch bệnh. Nhưng với nền tảng công nghệ, Hải Trang và các cộng sự đã phát triển thêm nhiều sản phẩm mới để công nghệ AI phục vụ nhiều hơn cho nhãn hàng. Cụ thể, công nghệ của Browzzin sẽ thay đổi cách thức mà các cửa hàng offline đang hoạt động. Nếu như các cửa hàng online có đầy đủ công cụ để hiểu hành vi, sở thích, suy nghĩ của khách hàng thì các cửa hàng offline hoàn toàn ‘trắng tay”. Trong khi hàng hóa ở đây thường nhiều gấp 10 lần so với cửa hàng online.

Vì thế, đội ngũ của Browzzin đưa ra ý tưởng, tích hợp công nghệ của mình trong camera an ninh kết hợp với sơ đồ của cửa hàng để có thể nhận diện hành vi của khách hàng. Ví dụ như khách hàng là nam hay nữ, thường đi đến những khu vực nào nhiều nhất, quan tâm tới sản phẩm ở khu vực nào trong cửa hàng, mua nhiều sản phẩm nào nhất, trước khi quyết định mua đã chọn những loại đồ gì?

“Khi Covid-19 xảy ra, nhóm R&D của Browzzin đã nghiên cứu rất nhiều báo cáo của ngành thời trang và nhận ra rằng, công nghệ là thứ không thể thiếu cho giai đoạn hậu Covid-19 đặc biệt là mảng offline” – Hải Trang tiết lộ.

Founder của Browzzin từ chối tiết lộ về quy trình áp dụng công nghệ này nhưng cô cho biết, mảng tiềm năng này sẽ giúp các cửa hàng hiểu khách hàng hơn và đưa ra các chương trình để kích thích tiêu dùng. Bởi trong tương lai công nghệ sẽ trở thành sự khác biệt của những cửa hàng offline.

“Khách hàng có thể chỉ mất vài chục phút để mua hàng online nên nếu họ đã đến cửa hàng, nghĩa là chúng ta có nhiệm vụ phải mang tới trải nghiệm tốt nhất. Hãy tưởng tượng một cái gương không chỉ giúp khách nhìn bộ đồ vừa thử mà còn có thể chụp ảnh, chia sẻ lên mạng xã hội, đọc tư vấn của bạn bè thì sao? – Hải Trang tiết lộ và tin rằng, Browzzin trong tương lai sẽ làm ra những sản phẩm tương tự để tạo ra khác biệt và ghi dấu ấn cho ngành công nghệ thời trang thế giới.