Các dự án của sinh viên, nghiên cứu viên và giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể giành được BK Fund đầu tư từ 100-300 triệu đồng để biến ý tưởng khoa học của họ thành hiện thực.
Ngoài các khoản đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội
(BK Fund) sẽ mở rộng cơ hội đến các dự án của giảng viên và sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội với tiêu chí thẩm định
phù hợp.
Thông tin này được đưa ra tại chương trình kết nối các nhà đầu tư “BK Investor Network 2024” vào thứ bảy tuần trước (13/7). Hơn 20 nhà đầu tư của BK Fund đã thống nhất chiến lược này sau khi họ nhận thấy mức độ giải ngân của Quỹ trong thời gian qua còn khiêm tốn.
BK Fund là một cây cầu kết nối các mảnh ghép trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội. Quỹ được thành lập bởi các cựu sinh viên, chuyên đầu tư cho những công ty công nghệ sâu/dựa trên bằng sáng chế (spin-off) hoặc có yếu tố công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Quỹ tập trung vào các startup giai đoạn pre-seed và seed đến từ cả bên trong và bên ngoài trường.
Với số vốn nắm giữ 25 tỷ đồng, trong vòng bốn năm qua, BK Fund mới thực hiện được
tám khoản đầu tư cho các công ty khởi nghiệp, mỗi khoản trị giá 1 tỷ đồng.
Lý giải con số đầu tư khiêm tốn này, ông Hoàng An Nghĩa, Giám đốc phát triển của BK Fund, giải thích vì tiêu chí thẩm định của Quỹ tương đối chặt chẽ nên trong gần 400 hồ sơ nhận được, Quỹ chỉ chọn được một số ít ứng viên phù hợp.
Ngay cả khi đã gặp được các startup ưng ý, không phải lúc nào hai bên cũng thống nhất được với nhau về mức định giá: Những người sáng lập thường có xu hướng định giá bí quyết công nghệ (know-how) của mình quá cao, trong khi các quỹ đầu tư mạo hiểm có xu hướng định giá theo doanh thu hoặc khả năng mở rộng (scale-up) mô hình, dẫn đến con số họ đưa ra thấp hơn đáng kể.
Ông Hoàng An Nghĩa nhấn mạnh sự cần thiết của những khoản đầu tư nhỏ hơn, lưu ý rằng các khoản đầu tư như vậy sẽ thúc đẩy các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển nhiều ứng dụng có khả năng giải quyết các vấn đề quan trọng của Việt Nam và thế giới.
“Khi mới thành lập, BK Fund chưa có nhiều kinh nghiệm nên đã tạo ra các tiêu chí tương đối chặt, dẫn đến một số ràng buộc, chẳng hạn các startup phải là công ty đã bắt đầu hoạt động (không thể là các nhóm dự án) và sản phẩm của họ phải gần như sẵn sàng thương mại hóa. Điều này vô hình trung đã loại bỏ các nhóm dự án tiềm năng nhưng vẫn còn sơ khởi, đang trong giai đoạn nghiên cứu phát triển, thậm chí mới ở giai đoạn hình thành ý tưởng”, ông Hoàng An Nghĩa chia sẻ với Khoa học & Phát triển.
Thời gian tới, BK Fund sẽ cung cấp các khoản đầu tư từ 100-300 triệu đồng cho những dự án như vậy. Mỗi dự án có thể có sự tham gia của các thành viên bên ngoài, nhưng phải đảm bảo "có yếu tố Bách khoa" từ các giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của trường.
Thêm vào đó, Quỹ sẽ cùng Đại học Bách khoa Hà Nội làm việc chặt chẽ hơn với các viện, trường và phòng lab để mở rộng nguồn dự án đầu vào cho BK Fund.
“Song song với việc công bố nghiên cứu, các viện, trường cần đặt mục tiêu cụ thể hơn về số lượng dự án có khả năng ứng dụng thực tế được triển khai mỗi năm”, ông Nghĩa nói. Với các dự án này, BK Fund sẽ có nhiều lựa chọn, có thể ươm tạo, tư vấn 1-1 hoặc rót vốn đầu tư.
Các nhà sáng lập BK Fund - vốn là doanh nhân và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực - cũng cam kết dành nhiều thời gian hơn nữa để tư vấn cho các dự án được Quỹ lựa chọn bởi “các dự án giai đoạn này cần mentor hơn là tài chính”.