Bẻ khóa sinh học, người điện tử… là những thuật ngữ mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, rất có thể nó sẽ nhanh chóng trở thành các yếu tố ảnh hưởng lớn đến tương lai của nhân loại...
Việc thực hiện các hành động như trong phim viễn tưởng với những biohacker này đã trở thành hiện thực. Hình mang tính minh hoạ. Ảnh: Genspace Người điện tử: Một sản phẩm của xu hướng “biohacker”
Ngày 21/9/2015, một người Australia tuyên bố trên kênh truyền hình NBC 5 rằng anh đã cấy thành công 5 thiết bị khác nhau vào trong cơ thể mình. Trong số đó, một thiết bị được cấy vào mặt trước cánh tay, một cấy vào mặt sau cánh tay, hai cái trong bàn tay và một được đặt trên ngón tay.
Lấy nickname là Alex Smith, biohacker này tự gọi mình là một “người điện tử” (cyborg) - kẻ có một phần thân thể là các thiết bị điện tử. Hành động của anh được gọi là “bẻ khóa sinh học” (biohack) và anh chính là một biohacker điển hình.
Tương tự như hacker trong lĩnh vực công nghệ thông tin, biohacker là những người có trình độ khá tốt về sinh học và y học đến mức có thể can thiệp vào các hệ thống sinh học, đặc biệt là cơ thể con người. Việc thực hiện các hành động như trong phim viễn tưởng với những biohacker này đã trở thành hiện thực.
Smith cho biết, anh có thể mở các cánh cửa bằng thao tác vẫy tay. Ngoài ra, anh cũng có thể tự đo nhiệt độ bên trong cơ thể hay mở khóa chiếc điện thoại thông minh của mình nhờ các con chip nhỏ hơn hạt gạo được cấy trong người.
Smith tiết lộ, anh đã “bẻ khóa” chính cơ thể của mình bằng cách tự phẫu thuật cho bản thân mình và những người khác trong các phòng thí nghiệm kín. Smith không hề có bằng cấp hay thẩm quyền tiến hành các phẫu thuật đó, nhưng hoàn toàn không thấy áy náy gì về hành vi của mình, thậm chí còn gọi đó là một cống hiến cho khoa học.
Giải thích cho quyết định biến đổi cơ thể, Smith tiết lộ, anh đang cố gắng vượt qua những giới hạn thông thường mà một con người bình thường không thể làm được. “Tôi muốn cấy ghép giác quan thứ sáu bằng cách tích hợp khả năng tương tác với máy tính. Tôi không muốn ngồi yên để chờ đợi tương lai mà sẽ tìm cách khiến tương lai đến với mình nhanh hơn” - Smith cho hay.
Bẻ khóa sinh học: Tiềm năng và nguy cơ bị lợi dụng
Ngoài những Biohacker như Smith - vốn bị một số người xếp vào nhóm cực đoan, thực tế có không ít nhà khoa học chính thống vẫn đang nghiên cứu về các công nghệ mà Smith đang làm, dưới sự bảo trợ của các trường đại học uy tín.
John Roger - một kỹ sư chuyên về các thiết bị y tế, đồng thời là nhà nghiên cứu thuộc Đại học Illinois (Mỹ) - cho biết, những thiết bị của ông đã có thể đo được nhịp tim và nhịp hô hấp. Công nghệ này hiện diện dưới dạng những hình xăm tạm thời như của trẻ em, mỏng hơn cả một sợi tóc.
Roger tuyên bố ông có thể gắn thiết bị lên bề mặt da phía ngoài của mình. Thiết bị có thể được dán xung quanh bề mặt ngoài của tim, có thể tích hợp vào bề mặt chằng chịt của bộ não, có thể đưa sâu vào trong khu vực não bộ để thực hiện được các chức năng mà trước đó nằm ngoài khả năng thông thường của con người.
Roger đã dành ra cả chục năm để phát triển một công nghệ là phẳng các thiết bị điện tử để giúp ông có thể gắn vào bên trong cơ thể hoặc trên da người.
Trong phòng thí nghiệm tại Đại học Illinois, các mảnh ghép này hiện được dùng để kiểm soát các chỉ số sinh tồn của trẻ sơ sinh hoặc quan sát quá trình lành của các vết thương và hoạt động não ở động vật.
Các nhà nghiên cứu như Rogers tìm cách mở rộng ranh giới của y học trong những phòng thí nghiệm hợp pháp, trong khi đó các biohacker như Alex Smith cũng giúp xã hội tiếp cận với một bộ mặt khác của khoa học. Cả Smith và các nhà khoa học chính thống đều đang tìm cách đẩy xa hơn nữa giới hạn thông thường của cơ thể con người - vốn đã định hình sẵn từ lâu. Theo một góc độ nào đó, cả hai đều đang tìm cách “bẻ khóa” quá trình tiến hóa tự nhiên.
Tuy nhiên, đó là mặt tích cực của vấn đề. Nếu những công nghệ như thế bị kẻ xấu lợi dụng, hậu quả là khó tưởng tượng nổi, nhất là khi các công nghệ về gene đang phát triển rất mạnh trong thời gian qua.
Giờ đây, công nghệ này đã đạt đến mức độ các biohacker chỉ cần vài chục USD là đã có đủ những công cụ để thực hiện thao tác chuyển gene một cách đơn giản và dễ dàng. Kết hợp với xu thế “bẻ khóa sinh học”, sẽ là cực kỳ nguy hiểm nếu các kỹ thuật mới này không được kiểm soát và bản thân biohacker không lường trước được các mối nguy hiểm tiềm tàng xuất phát từ hành động của mình.
Không ai hình dung được viễn cảnh những kẻ khủng bố tìm cách biến đổi gene của các mầm bệnh như virus ebola, virus cúm để biến nó thành thảm họa tuyệt diệt cho nhân loại.
Cũng không ai có thể tưởng tượng nổi xã hội sẽ phải đối mặt với điều gì nếu có ai đó tìm cách tạo ra một chủng tộc “người thượng đẳng” mới.
Nhiều hacker tin học vẫn luôn tuân thủ các quy tắc đạo đức của hacker. Tương tự như thế, đã đến lúc chúng ta ngồi lại để thảo luận nghiêm túc về một bộ quy tắc ứng xử của biohacker. Đối với các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, có lẽ cũng đã đến lúc họ cần phải quan tâm đến vấn đề này.