Những thiết kế kỹ thuật của bình trồng này thoạt nhìn thì không quá phức tạp nhưng lại chứa đầy sự tỉ mỉ để cây lan dễ dàng phát triển, ra hoa mà không mất nhiều công chăm sóc.

Giấu vợ con để nghiên cứu

“Tôi nghiên cứu bình trồng lan này vì đam mê và tò mò. Vợ con tôi đều phản đối việc tôi dành quá nhiều thời gian và tiền bạc cho việc này. Phải đến bây giờ khi tôi đã thành công và có lượng tiêu thụ đều đặn mới được ủng hộ” – anh Lưu Quốc Toàn vừa cười vừa kể lại câu chuyện cách đây tám năm khi bắt đầu nghiên cứu về chiếc chậu bán thủy canh dùng cho việc trồng lan.

Bình trồng lan bán thủy canh của anh Lưu Quốc Toàn phát triển tươi tốt
và khỏe mạnh. Nguồn: NVCC

Vốn là người làm trong ngân hàng, công việc chẳng mấy liên quan đến lĩnh vực trồng lan và cả nghiên cứu ra một chiếc bình trồng nhưng đam mê đã dẫn dắt anh Toàn.Trong một lần nghe đồng nghiệp kể về việc trồng rau thủy canh thành công, anh Toàn về làm thử theo hướng dẫn thì được cả vườn rau xanh tốt. Càng làm càng thấy thích thú với lĩnh vực này, anh nghĩ đến việc thử trồng lan thủy canh xem sao.

Bập vào tìm hiểu anh mới biết, “rễ lan giống như một cơ thể sống, một phần ở trong nước nhưng phải có một phần khô để hô hấp, hút không khí nên việc trồng thủy canh không khả thi mà cần phải có một bình trồng chuyên dụng”. Nghĩa là chiếc bình ấy vừa phải có phần giúp rễ tiếp nước vừa phải có độ hở để rễ thở. Làm thế nào, anh Toàn khi ấy chưa nghĩ ra.

Kể từ đây anh bắt đầu hành trình ngày đi làm nhân viên ngân hàng, tối lại miệt mài tìm hiểu các kiến thức về các loại lan và cách trồng bắt đầu từ internet. Cách trồng lan truyền thống bằng giá đỡ đi kèm với than củi, củi khô hay rễ dừa có nhược điểm là không giữ được nước, ngày nào cũng phải tưới. Chưa kể các vật liệu hữu cơ khi hoai mục dễ bị nấm bệnh, mà không thể vệ sinh thường xuyên. Các loại bình đang có vốn không đặc chế cho trồng lan, nên giỏ phía trong thấp, không có lỗ để rễ vươn ra ngoài hút nước hay hô hấp. Đó là chưa kể tới việc hầu hết bình bên ngoài đều tối màu không quan sát được mực nước bên trong. Khi bón phân cho lan, một số loại có gốc muối sẽ bám vào làm không hút được chất dinh dưỡng, nên không phát triển được. Điều này khiến người trồng thường mất nhiều thời gian xả muối ở rễ, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây.

“Điều này vừa gây tốn nước, lại mất thời gian xả muối rửa rễ của người trồng. Nếu người ta có 100 chậu lan thì rửa mất nhiều thời gian lắm, chưa kể việc nghiêng bình có thể làm xô lệch hạt đất sét làm ảnh hưởng tới bộ rễ” – anh Lưu Quốc Toàn giải thích.

Ngoài ra, anh cũng nhận thấy những chiếc bình trồng lan này không có lỗ thoát nước bên hông nên không thể trồng lan ngoài trời. Nếu gặp rời mua, lượng nước dư thừa không thoát ra ngoài được sẽ gây úng lan. Những giống lan rừng và có nguồn gốc từ rừng có rễ gió mọc dài ra từ các kẽ lá trên thân cây, buông trong không khí để hút nước và khoáng chất. Nếu kích thước của bình không đủ cao rễ lan sẽ bò xuống bám chặt vào mặt sàn khiến cho bình chứa được ít nước hơn so với dự kiến, làm người trồng mất nhiều thời gian châm nước, chăm sóc cây.

Để thiết kế được chiếc bình trồng cho lan, anh Toàn mua hàng trăm loại bình thủy tinh về nghiên cứu nhưng phát hiện ra, bình thủy tinh không thể đục lỗ, dễ gây ngập úng nếu trời mưa. Tình cờ biết đến nhựa PET – có thể cho màu trong suốt, anh đánh liều đặt cửa hàng thổi bình theo thiết kế.

“Để thổi bình nhựa PET, xưởng phải đúc khuôn trước, nên số lượng một đợt phải vài nghìn chiếc. Vợ tôi ngăn cản lắm, bảo anh đừng mơ tưởng viển vông, mất sức mất tiền. Con cái thì cằn nhằn, nhà không dư giả, ba đừng đầu tư rồi mất tiền” – anh Toàn nhớ lại. Liều mình đặt xưởng làm thử vài nghìn cái theo thiết kế, anh thừa nhận “cũng lo lắm” vì không biết có thành công không. Giấu vợ con, anh phải gửi ở xưởng của một người bạn cách nhà 20km.

“Lần đầu thấy cây lan trồng trong bình bán thủy canh do mình mày mò thiết kế ra được hoa, phát triển khỏe mạnh tôi bật khóc. Mừng lắm, vậy là mình không viển vông” – anh nhớ lại.

Chiếc bình trồng lan bán thủy canh của nhà sáng chế tay ngang Lưu Quốc Toàn với hai bộ phận bình chứa bên ngoài và giỏ chứa bên trong sau gần ba năm tìm hiểu, thiết kế đã ra đời. Chiếc bình giúp người trồng theo dõi tình trạng phát triển của lan, mức nước trong bình, khống chế mức nước cao nhất cần thiết cho cây, tiết kiệm thời gian và công đoạn chăm sóc, giúp lan phát triển ổn định, không có hiện tượng bị úng nước.

Cải tiến nhỏ, hiệu quả lớn

Giải thích về chiếc bình, anh Lưu Quốc Toàn cho biết, bình chứa nước hình trụ, thân bình đục lỗ ở vị trí sao cho mức nước cao nhất trong bình chỉ ngập ¼ chậu trồng lan. Để việc chăm sóc, di chuyển không làm xô lệch bộ rễ, chậu được thiết kế đường kính miệng trên bằng với đường kính miệng bình chứa nước và có gờ đỡ sát. Điều quan trọng được nhà sáng chế không chuyên nhấn mạnh là ‘đường kính miệng trên phải lớn hơn đường kính đáy dưới khoảng 2-3 cm để tạo khoảng trống vừa đủ chứa không khí cung cấp oxy cho cây thông qua các lỗ đục xung quanh chậu trồng”.

Nhờ quan sát và thử nghiệm nhiều lần anh nhận thấy, nếu đường kính này nhỏ hơn 2cm sẽ không đủ để cung cấp oxy cho cây còn nếu lớn hơn 3cm thì diện tích chậu bị hẹp lại, chứa được ít giá thể trồng lan, dẫn dến nước trong bình không đủ để cung cấp cho cây.

Bên cạnh đó, chiều cao của chậu cũng được anh Toàn thiết kế bằng đường kính của đáy lớn và bằng 1/3 chiều cao của bình chứa nước với mục đích để bình đủ để chứa lượng nước cho cây lan phát triển. Theo tính toán của anh, nếu bình chứa có chiều cao lớn hơn thiết kế thì bình sẽ dễ bị mất cân đối dẫn tới đổ bình khi có gió thôi, còn nếu bình không đạt chiều cao trên thì chậu lại ít nước dẫn tới người trồng phải châm nước nhiều lần. Nhờ vậy, những người không thường xuyên ở nhà, bận công việc có thể tự tin trồng loại cây khó tính này.

Một sáng kiến khác của anh Toàn với khách hàng của mình là việc sử dụng viên sỏi đất sét nung – một vật liệu của lĩnh vực xây dựng thay vì dùng các giá thể, sỏi hay than trong bình trồng. Nhờ việc được nung phồng trước đó nên sau khi được ngâm trong nước, viên đất sét sẽ xảy ra hiện tượng mao dẫn, khiến các hạt đất luôn trong tình trạng ẩm ướt đảm bảo cung cấp nước cho cây 24/24 giờ trong ngày. Điều này là điều kiện cơ bản giúp cây lan phát triển tốt. Trước khi đặt lan vào bình, người trồng ngâm đất sét nung khoảng 3 giờ với các phân bón cần thiết và đặt giá thể vào chậu trồng sao cho lượng giá thể chiếm khoảng 2/3 chiều cao của chậu.

Đây là kết quả của quá trình quan sát, chăm sóc hàng chục loại lan khác nhau đã giúp anh Lưu Quốc Toàn (TP. HCM) – một người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng nhưng lại đam mê các loài lan.
Anh Toàn giải thích thêm: “Việc sử dụng đất sét nung là lâu dài, không cần phải thay giá thể. Dinh dưỡng cho cây được phun trực tiếp lên lá thay vì hòa vào nước. Nguyên nhân là nước khi phơi nắng nếu có thêm chất dinh dưỡng sẽ mọc rêu, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây”.

Nhờ có đủ ẩm và đủ dinh dưỡng nên lan được trồng trong bình bán thủy canh sẽ phát triển nhanh và khỏe mạnh hơn so với các phương pháp khác.

“Với thiết kế này, người trồng lan thay vì mỗi ngày đều phải tưới thì 7-10 ngày mới phải tưới một lần, tùy theo thời tiết. Nếu nước xuống thấp hơn chậu trồng thì hơi nước bốc lên cũng đủ để cung cấp cho lan phát triển. Bình lan dễ dàng đặt để ở phòng khách, phòng ăn hay bàn làm việc” – anh Toàn hào hứng nói.

Hiện mỗi năm, anh Toàn bán trực tiếp ra thị trường khoảng 50 nghìn bộ bình đến tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Là công việc tay trái nhưng “rất hào hứng và thích thú” nên sau khi có sáng chế, anh chủ động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Anh tin rằng, đây là cách để bảo vệ cho công sức và những năm tháng mày mò, vượt qua áp lực gia đình để làm ra một sản phẩm, trông thì đơn giản nhưng có thể mang lại hiệu quả lớn cho người yêu thích việc trồng lan.

Sản phẩm bình trồng lan bán thủy canh của ông Lưu Quốc Toàn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002850