Các hệ thống thu gom rác thải tự động hiện đang được thiết kế và chế tạo để dọn dẹp những đống rác khổng lồ trên đại dương trong dự án mang tên Ocean Cleanup Project.
Tuy nhiên, phần lớn các cỗ máy này đều sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cho nên việc kéo rác thu gom được vào bờ cách đó cả ngàn km chắc chắn sẽ làm gia tăng tình trạng phát thải.
Giới kỹ thuật từ lâu đã tìm cách nhằm biến rác thải nhựa thành nhiên liệu. Trong một dự án như vậy vào năm 2017, các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard, Viện Worcester Polytechnic và Viện Hải Dương Woods Hole đã thực hiện công đoạn này trong một lò phản ứng di động được tích hợp trên thân tàu [thu gom] bằng phương pháp hóa lỏng thủy nhiệt (hydrothermal liquefaction). Cụ thể, nhựa sẽ được đun nóng đến 300–550°C và xử lý trong môi trường áp suất cao gấp 250 – 300 lần so với áp suất ở mực nước biển. Thành phẩm sau cùng là một loại chất lỏng cho mật độ năng lượng không thua kém dầu diesel vẫn được dùng để chạy đầu máy. Các tác giả gọi nó là “dầu diesel xanh”.
Trong một mô hình thử nghiệm được thiết kế để kiểm chứng tính khả thi của việc chuyển hóa chất thải nhựa thành nhiên liệu, các hàng rào chặn và gom rác được đặt cách nhau 25km trên toàn bộ vùng Great Pacific Garbage Patch (đống rác khổng lồ tại Thái Bình Dương) sẽ cho hiệu quả tối ưu.
Rác thải được đưa vào một hệ thống xử lý trên thân tàu bằng băng chuyền, nơi chúng được nghiền nhỏ, loại bỏ muối và tạp chất trước khi biến thành “diesel xanh”. Quy trình này về cơ bản là hoàn toàn tự động. Lượng dầu diesel thu được, theo tính toán có thể lớn gấp nhiều lần nhu cầu sử dụng của tàu và được tích trữ cho những chuyến đi dài ngày trên biển. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là việc tiêu thụ loại “diesel xanh” này vẫn sẽ gây ra hiện tượng phát thải, cho dù không lớn.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Kỷ Yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Hoa Kỳ).
Hải Đăng theo TechXplore