Tuy nhiên, hầu hết các hộ nông dân bị thương lái ép giá và thị trường tiêu thụ không rộng vì dễ bị dập và úng trong quá trình vận chuyển do chưa có biện pháp bảo quản tốt.
Trước thực trạng này, TS Lê Đại Vương – trường Cao đẳng Công nghiệp Huế và TS Võ Văn Quốc Bảo – trường Đại học Nông – Lâm Huế cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm bảo quản một số quả tươi”. Đề tài đã xác định được thành phần và tỷ lệ nguyên liệu phối trộn để chế tạo chế phẩm nano Ag/TBS/Chitonsan ứng dụng trong bảo quản quýt Hương Cần.
Quýt Hương Cần được theo dõi thời gian bảo quản. Nguồn: INT
Kết quả thử nghiệm cho thấy, sau khi được phun chế phẩm nano, quả quýt Hương Cần có thể tươi lâu đến 37 ngày đồng thời vẫn giữ được độ ngọt, mùi vị và màu sắc, đảm bảo cấc chỉ tiêu chất lượng và vitamin C trong quýt Hương Cần so với chỉ 12 ngày nếu không bảo quản. Nhờ cách bảo quản thân thiện với môi trường này mà quýt Hương Cần có thể được nhập khẩu hay vận chuyển đi xa.
Một ưu điểm nổi bật của chế phẩm này chính là sản phẩm được chế tạo theo 2 dạng: dạng dung dịch dễ dàng cho bà con nhúng hoa quả tươi có vỏ và dạng bao bì để bà con bảo quản một cách thuận lợi hơn và dễ dàng vận chuyển. Đồng thời giá thành của chế phẩm nano này tương đối rẻ và bao bì tương đương với các túi nilon thường.
TS Lê Đại Vương cho biết: Sau khi ứng dụng thành công bảo quản quýt Hương Cần Huế, nhóm sẽ triển khai hướng dẫn chi tiết kỹ thuật cho người dân để nhân rộng mô hình, phát triển với nhiều loại trái cây khác như thanh long, bưởi, thanh trà.
Đề tài đã đoạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 năm 2017.