Tuy nhiên, kết quả này chỉ đạt được khi Việt Nam giảm dần phát thải CO₂ từ sau năm 2030.
Sáng 19/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Cục Năng lượng Đan Mạch công bố “Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không (EOR 24).
Một trong những phát hiện chính của Báo cáo là mục tiêu Net Zero của Việt Nam vào năm 2050 không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn là kịch bản hiệu quả nhất về chi phí so với bốn kịch bản còn lại*.
Tuy nhiên, kết quả này chỉ đạt được khi mức phát thải CO₂phải giảm dần từ sau năm 2030.
Báo cáo cũng phân tích yêu cầu khử carbon đối với một số ngành, bao gồm năng lượng, giao thông vận tải, và công nghiệp.
Về cơ bản, việc khử carbon sớm trong ngành điện là điều kiện tiên quyết để chuyển dịch hiệu quả cho ngành giao thông và công nghiệp. Hai ngành này sẽ có xu hướng “điện hóa”, và việc giảm phát thải cho cả hai ngành sẽ tạo ra hiệu quả chi phí cao nhất cho nền kinh tế.
Tăng điện tái tạo trong ngành năng lượng
Theo phân tích của báo cáo, để đạt được đỉnh phát thải CO₂ vào năm 2030, công suất mới của ngành điện phải đến từ nguồn điện mặt trời và điện gió. Cần có thêm 56 GW điện tái tạo (trong đó có khoảng 17 GW điện gió trên bờ và 39 GW điện mặt trời) mới trước năm 2030.
Điện gió ngoài khơi phải triển khai được từ năm 2035 và phát triển nhanh đến năm 2050, để đạt công suất 84 GW. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong quá trình chuyển đổi sẽ gây ra các chi phí tốn kém không cần thiết do tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Tỷ trọng năng lượng tái tạo của Việt Nam cần đạt trên 60% vào năm 2030 để đảm bảo hiệu quả chi phí cho kịch bản Net Zero.
Tại thời điểm đó, hệ thống điện gần như có thể dựa vào năng lượng tái tạo để hoạt động vào ban ngày. Hệ thống sẽ tập trung nhiều hơn vào giá trị điện năng được sản xuất theo giờ hơn là sản lượng cao nhất có thể đạt được của các nhà máy điện.
Các nguồn thủy điện, điện khí, điện than sẽ đóng vai trò nguồn linh hoạt để đảm bảo tích hợp hiệu quả cho năng lượng tái tạo. Báo cáo gợi ý rằng Việt Nam nên cân nhắc điện hạt nhân (lò phản ứng mô-đun nhỏ) trong hệ thống điện tương lai để hỗ trợ cho năng lượng tái tạo trong các kịch bản giảm phát thải cao như Net Zero và Net Zero+.
Các nhà máy điện than sẽ không được xây thêm sau năm 2025 trong kịch bản Net Zero, nhưng những nhà máy sẵn có sẽ được chuyển đổi vai trò, từ phụ tải nền đến dự phòng. Các nhà máy này cần trở nên linh hoạt, khi cần có thể giảm công suất, ưu tiên cho các nguồn điện xanh phát lên lưới, nhưng vẫn đảm bảo là nguồn dự phòng cần thiết cho lưới, cho đến khi các giải pháp lưu trữ và các giải pháp khác được triển khai.
Theo Báo cáo, chi phí năng lượng tái tạo trung bình của Việt Nam sẽ sớm trở nên rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch, điều mà một số nơi trên thế giới đã đạt được. Một yếu tố đang làm tăng chi phí cho nguồn điện tái tạo ở Việt Nam là sự không chắc chắn về đầu tư, bao gồm các quy định pháp lý chưa thực sự ổn định và dài hạn.
“Việt Nam cần thiết lập môi trường đầu tư ổn định cho năng lượng tái tạo trước năm 2030”, Báo cáo nhấn mạnh.
Các nhà tư vấn kêu gọi Chính phủ sớm đưa ra khung pháp lý và các hướng dẫn cụ thể cho những lĩnh vực như điện gió ngoài khơi để thu hút các khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp điện gió nội địa. Ngoài ra, Việt Nam nên bắt tay ngay vào việc xác định các địa điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải.
Điện hóa ngành giao thông vận tải và công nghiệp
Theo phân tích, ngành giao thông vận tải cần nhanh chóng điện hóa các phương tiện vận tải hạng nhẹ (ô tô con, xe máy, xe bus, xe van) để đem lại hiệu quả chi phí và giảm các tác động đến sức khỏe/môi trường. Mục tiêu 50% phương tiện giao thông hạng nhẹ sử dụng pin vào năm 2030 và 90% vào năm 2040. Ngược lại, các phương tiện vận tải hạng nặng (tàu thủy, máy bay, xe tải chở hàng) sẽ chuyển sang dùng hydrogen.
Tương tự, các ngành công nghiệp cũng được khuyến nghị nên điện hóa tất cả các quá trình công nghiệp khi công nghệ sẵn sàng. Vào năm 2050, điện có thể chiếm từ 58 - 73% năng lượng tiêu thụ cuối cùng của các ngành công nghiệp, tùy theo kịch bản. Sử dụng điện là một trong những giải pháp có chi phí thấp nhất để tăng hiệu suất và giảm phát thải, đặc biệt khi sử dụng điện thay thế các nhiên liệu truyền thống (than, củi v.v)
Với các lĩnh vực công nghiệp khó giảm phát thải như sản xuất sắt, thép, xi măng, việc chuyển đổi hoàn toàn sang điện có thể đắt đỏ, do vậy nên sử dụng kết hợp hoặc thay thế bằng nhiên liệu hydrogen, nhưng chỉ nên dùng hydrogen từ năm 2040, khi công nghệ đã chín muồi. Tuy nhiên, cần sớm bắt đầu thí điểm quá trình sản xuất xi măng hoặc thép xanh sử dụng điện và hydrogen xanh thay cho than, và áp dụng các cơ chế hỗ trợ sản xuất mới từ năm 2030.
Đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng hydrogen (gồm sản xuất, truyền tải, phân phối và lưu trữ), Báo cáo chỉ ra rằng các nhà máy này sẽ chỉ thực sự có hiệu quả chi phí từ năm 2035. Nên đặt các nhà máy sản xuất hydrogen gần với nguồn năng lượng tái tạo và cơ sở tiêu thụ, đồng thời vận chuyển hydrogen bằng đường ống để giảm nhu cầu đầu tư lưới điện.
Tuy nhiên, để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức trước khi triển khai mở rộng, nên có các dự án thí điểm dùng hydrogen trong công nghiệp trước năm 2035.
Kịch bản Net Zero cũng bao gồm các khoản đầu tư cho hệ thống thu và lưu giữ carbon (CCS) để hấp thụ gần 50 triệu tấn CO₂ vào năm 2050. Đây là một giải pháp công nghệ cho việt Nam, và nên bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng từ năm 2030 cho các cơ sở sản xuất xi măng và amoniac mới. Nhìn chung, lưu trữ carbon nên được ưu tiên cho các mục đích công nghiệp chứ không ưu tiên áp dụng trong các nhà máy điện
Các báo cáo được xuất bản hai năm một lần, bao gồm EOR 17, EOR 19, EOR 21 và EOR 24, nhằm xem xét các kịch bản để hỗ trợ các quyết định chính sách của Việt Nam đến năm 2050, dựa trên mô hình hệ thống năng lượng được tư liệu hóa cập nhật và chi tiết nhất.
Năm kịch bản được đưa ra trong báo cáo năm nay là*: kịch bản cơ sở (BSL) gồm các chính sách hiện có và các kế hoạch ngắn hạn và không quan tâm đến mục tiêu tránh tác động của biến đổi khí hậu với Việt Nam; kịch bản phát thải ròng bằng không Net Zero (NZ); kịch bản phát thải ròng bằng không với tham vọng giảm phát thải cao hơn (NZ+); kịch bản tăng trưởng xanh (GG) đạt đến Net Zero vàhướng tới tăng trưởng kinh tế sử dụng năng lượng ít hơn; kịch bản giao thông xanh (GT) đạt đến Net Zero và khử carbon hoàn toàn trong ngành giao thông vận tải.
Dựa trên các giả định đầu vào về tăng trưởng kinh tế và các yếu tố khác, thông qua 3 mô hình năng lượng liên kết chặt chẽ với nhau (TIMES, Balmorel và PSS/E), báo cáo đưa ra kết quả cụ thể cho mỗi kịch bản.
|