Các nhà khoa học đã phát triển thành công loại băng gạc thông minh có thể phát hiện nhiễm khuẩn và giải phóng chính xác loại thuốc điều trị. Thiết kế băng gạc mới được hi vọng trở thành giải pháp cho hiện tượng kháng kháng sinh ngày càng tăng và hỗ trợ chữa lành tổn thương nhanh hơn.
Cụ thể, loại băng gạc mới này có cơ chế chuyển màu tương tự như đèn giao thông: màu xanh nghĩa là mật độ vi khuẩn ở mức thấp hoặc không có; màu vàng biểu thị sự có mặt của các loại vi khuẩn nhạy thuốc, hay nói cách khác, có thể điều trị bằng kháng sinh; và màu đỏ biểu thị các vi khuẩn kháng kháng sinh. Sắc độ càng đậm cho thấy mật độ vi khuẩn càng cao.
Qua thử nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu đã điều trị thành công các trường hợp nhiễm khuẩn E.coli nhạy thuốc và kháng thuốc bằng loại băng gạc mới. Trong trường hợp phát hiện vi khuẩn kháng thuốc, khu vực nhiễm trùng sẽ được xử lý bằng một tia sáng mạnh nhằm kích hoạt một loại oxy hoạt tính cao có tác dụng ức chế vi khuẩn, khiến chúng “nhạy thuốc” hơn.
Dải màu hiển thị trên băng gạc khi gặp vi khuẩn nhạy thuốc (DS) và kháng thuốc (DR). Nguồn: ACS Central Science 2020.
Ngay khi phát hiện nhiễm khuẩn, một lượng thuốc kháng sinh sẽ được giải phóng nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Trong trường hợp phát hiện vi khuẩn kháng kháng sinh, các biện pháp điều trị khác có thể được bổ sung kịp thời trước khi vi khuẩn kịp phát triển sang dạng đột biến khác.
Sự ra đời của loại băng gạc này đã giải quyết được một số hạn chế của các phương pháp phát hiện vi khuẩn kháng kháng sinh đi trước, kèm theo đó là lợi thế về tính đơn giản, linh động, tức thời mà không cần công cụ hay nhân lực chuyên biệt nào đi kèm. Dù con số thử nghiệm vẫn còn ở mức hạn chế, nhưng tiềm năng mà phương pháp này mở ra là không hề nhỏ.
Nghiên cứu đã được công bố trên ACS Central Science.
Nguồn: https://www.sciencealert.com/scientists-have-developed-a-colour-changing-bandage-to-detect-bacterial-infections?perpetual=yes&limitstart=1
Phạm Nhật theo sciencealert