Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế cũng có những giới hạn nhất định.

A.I. hỗ trợ các nhân viên y tế trong chăm sóc sức khỏe | Ảnh: TMF
A.I. hỗ trợ các nhân viên y tế trong chăm sóc sức khỏe | Ảnh: TMF

Với khả năng làm sáng tỏ các loại bệnh theo nhiều cách độc đáo, thậm chí dự báo được các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, có vẻ như AI sẽ có mặt trong mọi khía cạnh của y tế.

Tuy nhiên, điều này còn lâu mới đúng - có những thứ chúng ta không thể mong đợi từ các thuật toán, ít nhất trong thập kỷ tới, như 7 điều liệt kê dưới đây:

1. A.I. sẽ thay thế các chuyên gia y tế

Không, dù thông minh và nghe có vẻ nhiều khả năng, nhưng AI sẽ không thay thế các chuyên gia y tế. Nỗi sợ hãi về việc AI sẽ tiếp quản công việc trong hầu hết các ngành công nghiệp, kể cả chăm sóc sức khỏe, đang hiện hữu với nhiều người.

Mặc dù đúng là AI sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhưng phần mềm này sẽ giống như những công cụ hỗ trợ cho các chuyên gia y tế con người để hoàn thiện tay nghề của họ hơn là thay thế con người. Một trong những lý do chính là vì các công nghệ tiên tiến sẽ cần chuyên gia có thẩm quyền vận hành và diễn giải những phân tích của chúng.

Ngoài ra, nhân viên y tế bằng xương bằng thịt sẽ luôn cần có mặt để giải quyết những thách thức đa lớp đòi hỏi sự sáng tạo, chẳng hạn như xử lý các ca chụp X-quang chấn thương ở vị trí đặc biệt nhưng vẫn phải làm sao đảm bảo được người bệnh cảm thấy thuận tiện, không bị khó chịu.

Tuy nhiên, điều này cũng đúng nếu cho rằng các chuyên gia y tế biết cách nắm bắt AI sẽ có khả năng thay thế những người không chịu tiếp nhận và làm việc với nó.

2. AI sẽ có sự đồng cảm như mối quan hệ bác sĩ và bệnh nhân

Trong khi một số AI cuối cùng cũng có thể được ban tặng kỹ năng "thấu cảm nhân tạo", thì về căn bản, chúng sẽ vẫn không thay thế được mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân ngoài đời thực. Thời đại AI, ngược lại, có thể củng cố việc chăm sóc tận tâm hơn bao giờ hết.

Vì công cụ AI thực hiện các nhiệm vụ đơn điệu lặp đi lặp lại, chúng sẽ giải phóng thời gian cho các bác sĩ và điều dưỡng. Có nghĩa là những người này sẽ có nhiều thời gian hơn với bệnh nhân của mình, dành nhiều cơ hội để phát triển sự đồng cảm và lòng trắc ẩn hơn với những người họ chữa trị. Điều này chỉ có thể đạt được nhờ sự tiếp xúc con người.

Trên thực tế, với viễn cảnh AI xử lý các nhiệm vụ hành chính và cung cấp góc nhìn chẩn đoán, các bác sĩ trong tương lai sẽ cần trau dồi sự đồng cảm và kỹ năng giao tiếp để chăm sóc cho bệnh nhân tốt hơn.

3. AI sẽ cải thiện các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư trong chăm sóc sức khỏe

Điều này hoàn toàn trái ngược với hoạt động của các thuật toán trí tuệ nhân tạo. Để hoạt động, phần mềm AIcần dữ liệu, nếu không chúng sẽ thất bại. Khi các công ty công nghệ lớn đầu tư mạnh vào chăm sóc sức khỏe bằng AI, họ sẽ liên tục theo đuổi dữ liệu, thường thì những dữ liệu này đến từ bệnh nhân.

Google, Amazon và Facebook đều tham gia vào cuộc đua AI chăm sóc sức khỏe và không có dấu hiệu chậm lại. Năm 2019, Amazon Alexa và Dịch vụ Y tế Quốc gia Mỹ (NHS) đã hợp tác để trợ lý ảo Alexa có thể cung cấp lời khuyên y tế cho người dùng. Các báo cáo cho thấy Amazon Alexa đã bí mật lưu trữ các bản ghi âm của người dùng.

Trước đó, Quỹ Royal Free NHS Foundation Trust đã bị vạch trần khi chia sẻ một lượng lớn dữ liệu bệnh nhân cho chi nhánh DeepMind AI của Google để phát triển nền tảng mới. Các bệnh nhân không được thông báo đầy đủ rằng dữ liệu của họ đang được sử dụng cho mục đích này. Có thể nói, các vấn đề riêng tư như thế sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn với AI.

4. AI sẽ tạo ra robot phẫu thuật hoàn toàn tự động

Trong phim Star Wars có một cảnh robot tự động phẫu thuật cho một nhân vật bị bỏng nặng và cắt cụt hai chân. Những cỗ máy này làm phẫu thuật tái tạo cứu sống nhân vật và bọc họ lại trong một tấm áo giáp mà không có bất kỳ sự giám sát nào của con người.

Nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng khác cũng có những cảnh mô tả tương tự về robot phẫu thuật AI hoàn toàn tự động, làm các thao tác phức tạp mà không cần con người trợ giúp.

Điều này có lẽ chỉ nằm trong địa hạt khoa học viễn tưởng. Trên thực tế, robot sẽ đóng vai trò là trợ lý hoặc thậm chí là thiết bị trong buồng giải phẫu.

Phẫu thuật đòi hỏi những hành động khéo léo, chính xác và đôi khi cả tư duy sáng tạo, bởi giải phẫu mỗi cá thể là khác nhau. Robot có thể hỗ trợ những nhiệm vụ cơ bản như đưa công cụ phẫu thuật cho bác sĩ hoặc làm chức năng như một công cụ giúp thực hiện các thao tác tinh tế. Một ví dụ nổi bật hiện nay chính là hệ thống phẫu thuật Robot da Vinci.

Tuy nhiên, tất cả những hệ thống AI robot vẫn đòi hỏi các bác sĩ phẫu thuật phải thao tác. Và con người vẫn cần có mặt để xử lý tốt hơn những biến chứng không lường trước được trong mỗi ca phẫu thuật.

5. AI sẽ tự mình đưa ra quyết định y tế

Có một phần mềm AI không chỉ hỗ trợ việc ra quyết định lâm sàng mà còn có thể tự ra các quyết định y tế nghe có vẻ rất hấp dẫn. Đặc biệt, nó sẽ giúp giảm bớt tổn thất tâm lý cho các nhân viên y tế khi nói đến các quyết định thách thức về mặt đạo đức.

Giữa đại dịch COVID-19, các bác sĩ phải lựa chọn ưu tiên cứu sống ai do nguồn lực y tế bị hạn chế và cơ sở vật chất bị quá tải. Nếu để phần mềm ra quyết định này, thì liệu các nhân viên y tế có được gỡ bỏ trách nhiệm của họ không?

Ngay cả khi AI có thể khai thác hồ sơ y tế và dữ liệu di truyền để có những hiểu biết tốt nhất về bệnh nhân thì việc chỉ để phần mềm ra quyết định y tế không phải là điều tốt nhất. Cách tiếp cận này sẽ có nhiều vấn đề bởi nó đòi hỏi đầu vào tập thể của các nhà đạo đức học, lập trình viên và chuyên gia y tế - mà nhiều ý kiến trong đó có khả năng mâu thuẫn nhau hoặc khó đưa vào thuật toán.

Hơn nữa, AI không tránh khỏi sự thiên vị như chúng ta sẽ thấy ở phía dưới. Do vậy, chúng ta sẽ không để cho một phần mềm tự đưa ra quyết định y tế. Thay vào đó, phần mềm AI sẽ đóng vai trò cung cấp những hiểu biết sâu sắc để các chuyên gia của con người hành động tốt hơn.

6. AI sẽ không có sự thiên vị

Trí tuệ nhân tạo không xa lạ gì với những thành kiến. Mong đợi các thuật toán thông minh đưa ra quyết định không thiên vị ngay cả trong chăm sóc sức khỏe là điều không nên.

Bộ dữ liệu AI dùng để đào tạo cực kỳ quan trọng. Nhưng dữ liệu chăm sóc sức khỏe, như cách nói của tờ Quartz là “cực kỳ nam giới và cực kì da trắng”. Điều này hàm ý rằng nếu để các công cụ AI phân tích dữ liệu bên ngoài phạm vi nhân khẩu học đã biết thì sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Các bộ dữ liệu cho các thuật toán chứa đầy bất công xã hội đã ăn sâu trong đó. Ngoài ra, các lập trình viên làm việc trên phần mềm cũng có thể làm ảnh hưởng đến AI một cách cố ý hoặc vô tình. Họ có thể vô thức đưa các giá trị và niềm tin về thế giới vào mã code trong khi sẵn sàng bỏ qua một vài thông số có thể sẽ đại diện tốt hơn cho các quần thể khác.

7. AI sẽ suy luận như con người

Các thuật toán thông minh thực sự có thể thực hiện các nhiệm vụ và vai trò được giao, nhưng chúng sẽ không suy luận như con người. Khi nói đến chăm sóc sức khỏe hay nhiều lĩnh vực khác, AI không có ý thức và không hiểu lý luận của con người.

Điều này đã được chứng minh bằng một số nghiên cứu về tấn công đối nghịch vào các thuật toán dựa trên AI. Các nhà nghiên cứu thử điều chỉnh hình ảnh để tạo ra những khác biệt tối thiểu mà mắt người nhận ra được rồi cho AI học tập. Các phần mềm đã phân loại sai những chẩn đoán mà con người sẽ không gặp phải.

Những thủ thuật đơn giản như vậy có thể ảnh hưởng lớn đến AI nhưng không ảnh hưởng đến con người cho thấy tầm quan trọng của cách suy luận thuộc về con người mà AI không có được.

*

Để chuẩn bị cho thời đại của AI, việc hiểu rõ hơn bản chất công nghệ và cách nó “suy nghĩ” ngày càng trở nên quan trọng. Cho dù là học một ngôn ngữ lập trình hay chơi các trò chơi tư duy như cờ vua, cờ vây, chúng đều giúp ta chuẩn bị tốt hơn để giải quyết các vấn đề liên quan đến AI khi ngôn ngữ của AI là ngôn ngữ dự đoán.