Theo tôi, để nông sản Việt ra thị trường quốc tế, điều quan trọng đầu tiên là cơ chế, chính sách của Nhà nước. Nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư cho loại hàng hóa gì thì loại hàng hóa đó mới có cơ hội xuất khẩu. Chẳng hạn, trước đây Nhà nước quan tâm tới xuất khẩu lúa gạo thì lúa gạo đã xuất khẩu tốt. Kết quả cũng tương tự đối với các mặt hàng càphê, rau quả...
Yếu tố quan trọng tiếp theo là khoa học kỹ thuật, trong đó cần chú trọng nhiều nhất đến công tác giống. Chúng ta phải có bộ giống chuẩn, có thể là giống lâu đời của Việt Nam (như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn) hoặc giống do Việt Nam lai tạo ra. Cũng có thể mua giống để nhân rộng ra phục vụ sản xuất, tuy nhiên cần chú ý là giống phải có bản quyền rõ ràng.
Điểm cần quan tâm thứ ba của ngành nông nghiệp trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản là kỹ thuật canh tác và bảo quản. Khâu bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch ở Việt Nam hiện còn yếu. Nhiều loại nông sản chúng ta mới chỉ xuất khẩu thô, chưa qua sơ chế nên giá bán chưa cao. Đây là một hạn chế cần khắc phục ngay trong thời gian tới.
Đặc biệt, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu nông sản cần chú ý tới vấn đề sở hữu trí tuệ, các giống cây trồng ở trong nước cần phải được đăng ký bảo hộ, tránh tình trạng để doanh nghiệp nước ngoài đăng ký, gây rắc rối về mặt pháp lý khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, ý thức bảo hộ thương hiệu cũng cần được nâng cao.
Những tranh chấp về bản quyền giống thì có thể kiểm chứng (ví dụ vải thiều có cây giống từ vài trăm năm nay) nhưng nếu không bảo hộ thương hiệu thì không có gì bảo vệ được chúng ta trên thương trường. Bài học của nước mắm Phú Quốc bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu, gây khó cho việc phát triển thương hiệu trên thị trường thế giới vẫn còn nóng hổi.
Với những giống nhập từ nước ngoài về để sản xuất, chúng ta càng phải rõ ràng về sở hữu trí tuệ (như có được giao quyền xuất khẩu, phải được nhập từ con đường chính thống, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...) mới có thể xuất khẩu sản phẩm.