Trong Hội nghị thượng đỉnh về ứng phó với đại dịch toàn cầu diễn ra từ ngày 7 đến 9/3/2022 tại London với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, Liên minh đổi mới phòng chống dịch (CEPI) đã đề xuất xây dựng một thư viện vaccine với mục tiêu tạo ra vaccine cho các đại dịch tương lai trong vòng 100 ngày.

Sự kiện này diễn ra khi các nước phương Tây nới lỏng các biện pháp hạn chế để cố gắng chung sống với virus.

Khi nhìn lại toàn cảnh đại dịch, có thể thấy với hướng tiếp cận là phát triển các nền tảng công nghệ khác nhau, CEPI có thể ứng phó rất nhanh khi đại dịch bắt đầu. Trong số năm loại vaccine COVID-19 được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt, CEPI đã hỗ trợ ba loại. Họ cũng là đơn vị tài trợ ban đầu cho nghiên cứu tại Đại học Oxford làm nền tảng phát triển vaccine COVID-19 AstraZeneca. Bên cạnh đó, CEPI vẫn đang tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu nhiều loại vaccine khác chống lại các dịch bệnh tiềm ẩn. Họ cũng cam kết tạo điều kiện tiếp cận công bằng trên toàn cầu với các biện pháp đối phó và công cụ do họ tài trợ, cũng như hỗ trợ các quốc gia tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Sự hỗ trợ trong giai đoạn đầu của CEPI có tác động quan trọng tới tốc độ phản ứng đại dịch của thế giới. “Tuy nhiên, nghiên cứu không thể bắt đầu ngay thời điểm bùng phát đại dịch và bị lãng quên khi đại dịch được tuyên bố chấm dứt”, Tiemo Wölken, thành viên nghị viện châu Âu của Đức, điều phối viên S&D (Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ) trong Ủy ban Môi trường, Sức khỏe cộng đồng và An toàn thực phẩm, nhận định.

Tăng cường hợp tác trên toàn cầu

Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy các nỗ lực chấm dứt đại dịch COVID-19, cải thiện khả năng ứng phó và chuẩn bị trên toàn cầu, Tiemo Wölken cho biết kế hoạch của CEPI sẽ góp phần xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ và bền vững hơn cho nghiên cứu và đổi mới (R&I). Tuy nhiên, việc hợp tác toàn cầu về R&I trong y tế hiện nay đã suy giảm do sự chia tách và cách tiếp cận từng phần (silo). “Những kế hoạch của CEPI, hoặc sáng kiến thành lập Cơ quan Ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế châu Âu (HERA) là bước đi đúng hướng, nhưng sẽ vô ích nếu không đi kèm với hành động toàn cầu để hỗ trợ các quốc gia nâng cao năng lực sẵn sàng của chính họ, đặc biệt là những quốc gia có hệ thống y tế mỏng manh”, Tiemo Wölken viết trên Science Business.

Ông cho biết, việc tăng cường phối hợp giữa HERA và CEPI theo cam kết do Ủy viên Nghị viện châu Âu Stella Kyriakides thông báo vài tuần trước sẽ góp phần khắc phục vấn đề này. Đây là điều cần thiết, bởi COVID-19 đã chứng minh, không một quốc gia hay tổ chức nào có thể hi vọng một mình đẩy lùi đại dịch.

Thoạt nhìn tưởng chừng đơn giản song hoạt động hợp tác trên thực tế sẽ rất phức tạp. CEPI và HERA phải cùng nhau thực hiện rất nhiều công việc quan trọng liên quan đến phát triển vaccine, đồng thời tạo ra một khuôn khổ thuận lợi hơn cho R&I chống lại các đại dịch và đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với các công nghệ cứu sinh (life-saving) trên toàn cầu.
Sự gắn kết giữa HERA và các sáng kiến R&I y tế khác của EU, chẳng hạn như Sáng kiến Y tế đổi mới và Đối tác Y tế EU - châu Phi EDCTP3 cũng theo hướng đi này. Trong số đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là tăng cường hợp tác về R&I vaccine và năng lực sản xuất ở châu Phi. “Nghị viện châu Âu sẽ đảm bảo các nguồn lực của EU được sử dụng một cách hiệu quả và CEPI, HERA cũng như phối hợp các sáng kiến ​​khác với nhau để tối đa hóa hiệu quả đầu tư”, Tiemo Wölken cho biết.

Dù vậy, còn rất lâu chúng ta mới có được một giải pháp bền vững để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine ở châu Phi, đối phó với dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác. Bên cạnh nỗ lực chuẩn bị cho những đại dịch tiếp theo, chúng ta cũng phải tìm cách chấm dứt sự lây truyền dịch sốt rét, lao và HIV, đồng thời giải quyết các bệnh nhiệt đới bị lãng quên - vốn gây ra gánh nặng lớn cho châu Phi, và mối đe dọa ngày càng tăng của kháng kháng sinh. “Trước đây, chúng ta đã không thể duy trì các lĩnh vực nghiên cứu quan trọng giữa các đợt bùng phát Ebola, dẫn đến trì hoãn phát triển các công cụ thiết yếu và không thể cung cấp kịp thời khi đợt bùng phát Ebola tiếp theo vào năm 2019 tại Congo. Giờ đây, chúng ta không được để điều đó lặp lại”, Tiemo Wölken nhận xét.

Thư viện vaccine cho tương lai

Giải pháp quan trọng để chống lại đại dịch là vaccine. Một trong những lý do giúp các nhà sản xuất có thể cung cấp vaccine COVID-19 trong thời gian kỷ lục là nhờ đã nghiên cứu vaccine cho dịch MERS, do một loại coronavirus khác gây ra. Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của CEPI cảnh báo nếu không chuẩn bị vaccine cho các họ virus khác, thế giới có thể sẽ không gặp may mắn như vậy vào lần sau. “Tại sao chúng ta lại coi đây là [đại dịch] cuối cùng? Chúng ta biết có nhiều coronavirus khác ngoài tự nhiên”, ông nói. “Về lý thuyết, một số có thể lây nhiễm như SARS-CoV-2 và có thể có tỉ lệ tử vong gần với SARS-COV-1 hoặc MERS . Điều này vô cùng đáng sợ ”.

Trước thực tế này, CEPI đang tìm cách huy động 3,5 tỷ USD trong khuôn khổ kế hoạch năm năm tiếp theo nhằm xây dựng một thư viện vaccine có khả năng đáp ứng khi phát hiện ra dịch bệnh - đảm bảo trong vòng 100 ngày sẽ bắt đầu tiêm chủng trên thế giới. “Cốt lõi của sứ mệnh 100 ngày là tìm hiểu các virus nguyên mẫu từ các họ virus khác nhau và nghiên cứu trước càng nhiều càng tốt. Đây là một sứ mệnh đầy tham vọng, nhưng về mặt công nghệ vẫn nằm trong tầm tay”, Hatchett nói.

Kế hoạch tạo ra vaccine mới trong vòng 100 ngày dựa trên cơ sở chuyển đổi hoạt động giám sát toàn cầu nhằm phát hiện sớm các mối đe dọa tiềm ẩn. Một hệ thống cảnh báo sớm trong tương lai sẽ bao gồm giải trình tự bộ gene, sử dụng AI để theo dõi các đợt bùng phát và giám sát virus ở động vật.

Đến nay, CEPI đã huy động được 300 triệu USD từ Nhật Bản và 213 triệu USD từ Anh, cũng như các quỹ từ Đức và Na Uy. Quỹ Wellcome và Quỹ Bill & Melinda Gates đã bắt đầu chiến dịch của mình với 300 triệu USD.

“Hãy tưởng tượng tất cả những gì Trung Quốc đã tiến hành vào giữa tháng một [năm 2020] chuyển sang giữa tháng 12. Như vậy, việc phát triển vaccine sẽ bắt đầu vào tháng 12 chứ không phải cuối tháng một. Và chúng ta có thể có vaccine trong vòng 100 ngày. Nếu kết hợp tất cả, chúng ta sẽ có cơ hội tránh khỏi đại dịch COVID-19”, ông nói.

Dù chi phí cuối cùng có thể vượt quá con số 3,5 tỷ USD, song kế hoạch này hoàn toàn đáng giá, bởi chỉ tính riêng đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 28 nghìn tỉ USD. Tuy nhiên, mục tiêu gây quỹ vẫn còn rất xa. Các khoản đóng góp thường đến từ ngân sách dành cho y tế hoặc viện trợ quốc tế hơn là nhằm vào các mối đe dọa an toàn.



Là tổ chức toàn cầu sử dụng kinh phí từ các tổ chức công, tư và từ thiện để phát triển vaccine, CEPI được thành lập từ năm 2017 với mục tiêu đối phó với đợt bùng phát dịch Ebola 2014-2015 ở Tây Phi. Chương trình trị giá 1 tỉ USD trong giai đoạn 2017-2022 của CEPI đã hỗ trợ phát triển vaccine chống lại các bệnh truyền nhiễm mới nổi như hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV), sốt Lassa và virus Nipah, tiến đến giai đoạn cuối trong thử nghiệm lâm sàng pha II.

Nguồn: Financial Times, Science Business