Sau tuyên bố dừng hợp tác khoa học với Nga của nhiều quốc gia và nhiều tổ chức khoa học, những cơ sở cuối cùng như Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), XFEL hay ITER đang đứng trước nhiều khó khăn trong hoạt động.

ư
Nhiều nhà khoa học Nga đã tham gia nghiên cứu tại XFEL. Nguồn: news.itmo.ru

Nga mất vai trò nhà quan sát ở CERN

Gần 70 năm trước, CERN đã đóng vai trò là một cây cầu văn hóa tuy nhỏ nhưng vững vàng kết nối Đông và Tây, trong đó có Nga và các quốc gia phương Tây. Nhưng giờ đây, mối liên hệ này, từng phải chống chịu với những ngày lạnh nhất trong lịch sử Chiến tranh Lạnh, đang căng mình dưới những phản chiếu của cuộc xung đột Nga - Ukraina. Một số nhà khoa học Ukraina đang kêu gọi trục xuất những người Nga khỏi phòng thí nghiệm, nơi có tới ba giải Nobel cho những khám phá khoa học và nơi đặt cỗ máy gia tốc hạt lớn LHC. “Là một phòng thí nghiệm nghiên cứu vật lý hạt hàng đầu thế giới, CERN cần phải loại bỏ ngay lập tức bất kỳ mối quan hệ hợp tác với các cơ sở nghiên cứu Nga”, một nhà vật lý người Ukraina đang tham gia thực hiện một thí nghiệm tại CERN, nói. “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng khoa học đứng về phía chúng tôi”.

Theo John Ellis, một nhà vật lý lý thuyết ở King’s College London là thành viên của CERN hơn 40 năm qua, một trong những khẩu hiệu của CERN là ‘khoa học cho hòa bình’. Từ những năm 1950, ngay trong những thời kỳ xung đột, CERN trên thực tế là nơi cho các nhà khoa học Xô viết, Mỹ và châu Âu gặp gỡ. CERN đã không trục xuất các nhà khoa học Nga khi Xô viết tiến quân vào Czechoslovakia vào năm 1968 hay Afghanistan năm 1979. “Quan điểm cá nhân của tôi là chúng tôi phải thực sự cố gắng để gìn giữ việc hợp tác, nếu nó có thể về mặt chính trị”, ông nói.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu ở CERN đang nỗ lực hỗ trợ hơn đồng nghiệp Ukraina. Ellis cho biết, ông đang gắng hỗ trợ một đồng nghiệp Ukraina, một người tị nạn, vào một vị trí tạm thời ở CERN, còn Rembser phụ trách một ủy ban hỗ trợ người Ukraina. Những người ở CERN đã nhận được rất nhiều đồ quyên góp nên họ có thể thuê xe tải chở những đồ cung cấp đó tới biên giới Ukraina với Ba Lan, Rembser nói. Các email mà họ gửi cho ScienceInsider cho thấy những nhà quản lý ở CERN đang sắp xếp để có thể mở rộng nơi ở cho các nhà khoa học Ukraina tại phòng thí nghiệm này.

Bất cứ nhà khoa học nào trao đổi với ScienceInsider đều thừa nhận đây là một tình trạng không có giải pháp đơn giản để giải quyết. Ví dụ, việc trục xuất các nhà khoa học Nga khỏi CERN có thể không thực tế, Ellis nói. Hơn 1000 nhà khoa học Nga đang ở đây, ông cho biết – chiếm khoảng 8% trong số 12.000 nhà khoa học đang cộng tác tại CERN. Sự biến mất đột ngột của họ có thể khiến cho phòng thí nghiệm này không thể vận hành đúng chức năng của mình. Vấn đề phức tạp là Ukraina chỉ là thành viên liên kết của CERN, nghĩa là dẫu không có chỗ trong hội đồng thì họ vẫn phải trả phí tham gia. Nga là một thành viên quan sát và không phải trả phí nhưng đóng góp của họ rất có ý nghĩa với các thí nghiệm như các đồng nghiệp Mỹ, ví dụ đóng góp vào nhiều thực nghiệm quy mô nhỏ cũng như phát triển máy gia tốc tuyến tính 4, vốn được thiết kế để gia tốc các ion hydro âm đạt tới mức năng lượng cao...

Hội đồng CERN, bao gồm đại diện của 23 quốc gia thành viên, đã tiến hành một cuộc họp đặc biệt vào ngày 8/3 để quyết định về cuộc khủng hoảng này. Sau phiên họp, CERN ra thông cáo báo chí là đã đi đến quyết định Nga sẽ mất vị trí là thành viên quan sát. Theo nghĩa này, Nga không còn có thể tham gia các phiên họp mở của Hội đồng CERN và mất “quyền đặc biệt” tham gia vào các cuộc họp chuyên môn trong phạm vi hẹp về LHC. CERN sẽ không mở thêm bất kỳ hợp tác nào mới các cơ sở nghiên cứu của Nga, tuy nhiên 1.100 nhà khoa học vẫn có quyền làm việc tại CERN và các nhà khoa học Nga giữ quyền thành viên với Viện hàn lâm khoa học Nga và các viện nghiên cứu khác của quốc gia này vẫn có thể tiếp tục công việc của mình ở đây.

Trước phiên họp quan trọng của CERN, Ellis nhận xét “Các nhà khoa học tham gia cuộc họp này có thể sẽ bộc lộ quan điểm của họ nhưng về cơ bản thì đây sẽ là một quyết định mang tính chính trị”.

Điều gì chờ đợi ở tương lai?

Một siêu dự án lớn khác của châu Âu là Trung tâm laser electron tự do tia X (X-ray Free-Electron Laser XFEL), nơi có thể lập được sơ đồ chi tiết ở mức độ nguyên tử virus, chụp ảnh các phản ứng hóa học, nghiên cứu về thành phần của các hành tinh, cho biết sẽ không ký kết các thỏa thuận mới với các viện nghiên cứu của Nga và đồng thời dừng tất cả những thỏa thuận hiện có. Trước đây, Viện Nghiên cứu hạt nhân Kurchatov của Nga là thành viên của XFEL.

ITER, siêu dự án lớn nhất thế giới về phản ứng nhiệt hạch đặt tại Saint-Paul-lès-Durance, Provence, miền Nam nước Pháp, có 35 quốc gia thành viên – trong đó có Nga, Mỹ, Trung Quốc. Kể từ khi bắt đầu đã tập trung vào việc tái lập các quá trình nhiệt hạch của mặt trời để tạo ra một nguồn năng lượng sạch không giới hạn trên trái đất. Xung đột ở Ukraina không dẫn đến bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong công việc ở đây. “Theo hiểu biết của tôi, không có tác động gì lớn lắm”, người phát ngôn của ITER, Laban Coblentz, nói với Live Science.

ITER đã được lập ra như một dự án quốc tế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nó luôn luôn khuyến khích hợp tác bởi “các thành viên chia sẻ một mục đích chung vì một tương lai tốt đẹp hơn”, Coblentz nói. “Dẫu trong lịch sử, ITER có những khác biệt về chính trị giữa các thành viên – chiến tranh thương mại, xung đột biên giới và những bất đồng khác – nhưng chưa bao giờ ảnh hưởng đến tinh thần hợp tác ở đây”, Coblentz cho biết thêm. “Đây là dự án vì hòa bình”.

Tương tự ITER, một vài tổ chức khoa học khác vẫn chưa đặt dấu chấm hết cho hợp tác với Nga. Tổ chức Sinh học phân tử châu Âu (EMBO), một nơi được ví như CERN trong sinh học, dù lên án xung đột nhưng không đóng băng với Nga.

Có một vài tia hy vọng nhỏ nhoi khác là mặc dù các nhà lãnh đạo khoa học Đức tuyên bố chấm dứt hợp tác nhưng không buộc các nhà khoa học Đức cắt đứt trao đổi khoa học với các đồng nghiệp Nga. Peter-Andre Alt, chủ tịch Hội đồng Các hiệu trưởng Đức, nhấn mạnh “mối hợp tác về mặt cá nhân hết sức quan trọng trong nghiên cứu”, “hoàn toàn có thể tham gia cùng viết công trình”. Mặt khác, các tạp chí Đức vẫn có thể xuất bản công trình của các nhà nghiên cứu Nga.

Không ai dám chắc điều gì sẽ đến với khoa học Nga trong tương lai. Mới đây nhất, tạp chí Journal of Molecular Structure đã quyết định không xuất bản các nghiên cứu từ những cơ sở nghiên cứu của Nga, dẫu không cấm các nhà khoa học Nga ở trong nước hay nước ngoài với phương diện cá nhân. Có thể những điều sẽ còn tồi tệ hơn sẽ đến với các nhà khoa học Nga trong tương lai.