Tuần trước, tổng thống trẻ nhất và cởi mở nhất trong nhiều thập kỷ của Chile nhậm chức. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là dấu mốc mở ra kỷ nguyên mới.

Tổng thống Gabriel Boric, 36 tuổi, hứa hẹn đưa ra lập trường mạnh mẽ hơn trong việc chống lại khủng hoảng khí hậu, và tăng đầu tư công vào khoa học từ 0,36% tổng sản phẩm quốc nội của Chile lên 1%. Đã nhiều năm đầu tư cho khoa học Chile không cải thiện. Chống bất bình đẳng cũng là một trong các mục tiêu chính mà tổng thống Boric đặt ra, trong bối cảnh hệ thống khoa học Chile bị coi là thiên lệch và chỉ ưu tiên một số tổ chức ưu tú.

Boric gây ấn tượng tốt với giới khoa học, và ghi dấu ấn về mặt chính trị nói chung, khi tổ chức các cuộc biểu tình sinh viên trên khắp Chile vào năm 2011, yêu cầu quyền tiếp cận giáo dục đại học công bằng hơn bằng cách miễn học phí. Một báo cáo của Liên hợp quốc năm 2017 cho thấy 1% số công dân Chile giàu nhất nắm giữ 33% tài sản của đất nước. Xu hướng đó vẫn duy trì đến nay, và Chile nằm trong số các quốc gia có bất bình đẳng thu nhập cao nhất, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tại Paris.

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu Chile đã than thở về việc thiếu kinh phí, tiền trợ cấp chủ yếu dành cho các tổ chức hoặc nhà khoa học ưu tú, và hệ thống nghiên cứu học thuật cũng phản ánh sự bất bình đẳng nói chung của xã hội Chile. Nhiều nhà khoa học Chile tích cực quan tâm đến việc định hình lại đất nước bằng cách tham gia vào các nỗ lực chính sách, chẳng hạn như viết lại hiến pháp của quốc gia và tham gia vào các cuộc tranh luận công khai, đặc biệt là sau các cuộc biểu tình trên toàn quốc về bất bình đẳng vào năm 2019. Vì thế các mục tiêu Boric đưa ra đã gây được tiếng vang lớn đối với cộng đồng khoa học.

Tổng thống Chile Gabriel Boric.

Tổng thống Boric sau khi đắc cử đã chỉ định các nhà khoa học danh tiếng vào các vị trí quan trọng để giúp thực hiện tầm nhìn của ông. Hai trong số đó là nhà nghiên cứu miễn dịch học và ung thư Flavio Salazar và nhà khí hậu học Maisa Rojas, lần lượt là bộ trưởng khoa học và bộ trưởng môi trường. Boric sẽ chỉ có nhiệm kỳ tổng thống 4 năm để chèo lái đất nước theo hướng mới, Chile không cho phép một người nắm giữ hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp. Trong khi đó ngân sách cho năm tài chính 2022 đã được phê duyệt xong, và phải đến năm 2023 chính quyền mới mới có thể tăng đầu tư cho khoa học.

Salazer cho biết mục tiêu quan trọng là đảm bảo Bộ Khoa học “là Bộ vì đất nước và vì nhân dân” chứ không phải là “Bộ của các nhà khoa học vì các nhà khoa học”. Chính quyền Boric sẽ thành lập 15 trung tâm nghiên cứu khu vực, tạo thành các trung tâm tri thức bên ngoài thủ đô; cải thiện điều kiện làm việc cho sinh viên và kỹ thuật viên, nhiều người đang thiếu an sinh xã hội và hợp đồng chính thức; và thúc đẩy bình đẳng giới trong khoa học.

Khí hậu là một mục tiêu quan trọng khác của chính quyền Boric. Hơn một thập kỷ qua, ở trung tâm Chile lượng mưa ở mức dưới mức trung bình và nhiệt độ cao kỷ lục, dẫn đến một loạt các năm khô hạn. Các nhà nghiên cứu gọi đây là một đợt hạn hán lớn. Rojas, đồng tác giả của báo cáo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, nói rằng Chile “rất dễ bị tổn thương” trước điều kiện hậu khắc nghiệt và đáp ứng gần hết các tiêu chí về tính dễ bị tổn thương do Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đặt ra.

Một trong những mục tiêu của Rojas là ban hành luật khung đầu tiên để đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Đạo luật, đã được Quốc hội Chile thông qua vào ngày 9/3 và đang chờ Boric ký, sẽ điều chỉnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, xây dựng kế hoạch thích ứng và phân bổ cụ thể trách nhiệm khí hậu đối với các lĩnh vực khác nhau. Một mục tiêu khác là thành lập Dịch vụ Đa dạng sinh học và Khu bảo tồn quốc gia, góp phần chống lại biến đổi khí hậu bằng cách bảo tồn gen, loài và hệ sinh thái như rừng hấp thụ khí thải carbon.

Nguồn: