Những giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp sáng tạo, trở thành các trung tâm công nghệ cao ở tầm thế giới, đều được hình thành từ các chiến lược, chính sách của chính phủ các nước có nền khoa học công nghệ hàng đầu.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2020 (The Global Innovation Index) – do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới kết hợp với trường Đại học Cornell và trường Kinh doanh Pháp INSEAD biên soạn – đã xếp Thụy Sĩ là nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất, theo sau là Thụy Điển, Mĩ, Anh, Hà Lan; Singapore xếp thứ 8, Hàn Quốc thứ 10.

Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến thành tựu trong đổi mới sáng tạo của các nước kể trên là do tác động của những chiến lược, chính sách hữu hiệu của chính phủ.

Phòng thí nghiệm Daresbury hứa hẹn sẽ tạo ra những công nghệ tiên tiến cho cả ngành công nghiệp lẫn khu vực công.

Ba bài học thành công

Anh: Chiến lược công nghiệp đổi mới sáng tạo

Vào năm 2017, Anh đã lập ra một chiến lược phát triển công nghiệp với bốn “thách thức lớn” về đổi mới sáng tạo: AI và kinh tế dữ liệu; công nghệ sạch thân thiện với môi trường; vận chuyển trong tương lai; một xã hội già hóa. Dù có một số thay đổi kể từ khi bà Theresa May thôi nắm quyền, Chính phủ Anh vẫn tiếp tục triển khai 23 dự án thành phần dưới ô kinh phí ‘Đầu tư cho thách thức lớn’ (Grand Challenge Fund) với 2,6 tỉ bảng (3,6 tỉ USD) trong đầu tư công và 3 tỉ bảng (4,1tỉ USD) từ lĩnh vực tư. Chiến lược này xây dựng thành công một mạng lưới các cụm vùng, bao gồm các vườn ươm startup cũng như các cơ quan quốc gia hỗ trợ chuyển giao nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và công nghệ.

Một trung tâm quốc gia cho đổi mới sáng tạo mở vào tháng sáu với mục tiêu thúc đẩy sáng tạo - và tạo ra những công nghệ tiên tiến cho cả ngành công nghiệp lẫn lĩnh vực công, là hợp tác giữa Hội đồng Thiết bị KH&CN và IBM, trung tâm này sẽ nhận được 172 triệu bảng (237 triệu USD) từ chính phủ và 38 triệu bảng (52 triệu USD) từ gã khổng lồ máy tính này, đem lại 60 vị trí công việc mới cho các nhà khoa học.

Thụy Điển: Bài học từ người xuất sắc nhất

Thụy Điển có cách tiếp cận khác, đó là đảm bảo đổi mới sáng tạo và R&D luôn được ưu tiên thông qua Hội đồng Đổi mới quốc gia (NIC) do chính Thủ tướng Stefan Löfven dẫn dắt. Thụy Điển chấp thuận một khoản đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới trong vòng bốn năm một, và đầu tư cho R&D vào khoảng 3,25% GDP.

NIC đã nhận diện ba vùng ưu tiên – số hóa, khoa học sự sống và công nghệ môi trường – khí hậu để giải quyết những thách thức xã hội thông qua hợp tác liên ngành. Kết nối ba chủ đề này với các ngành công nghiệp truyền thống và mới nổi, năm chương trình kết nối đổi mới sáng tạo đã tập trung vào vấn đề di chuyển và vận tải cho thế hệ mới; thành phố thông minh; nền kinh tế tuần hoàn và dựa trên công nghệ sinh học, các ngành khoa học sự sống; các ngành công nghiệp kết nối và vật liệu mới.

Chính phủ cũng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng nghiên cứu chính của đất nước như Phòng thí nghiệm MAX IV - một phòng thí nghiệm máy gia tốc, Cơ sở nghiên cứu luồng xung neutron châu Âu – một cơ sở nghiên cứu vật liệu đa ngành.

Singapore: Tập trung vào các công ty khởi nghiệp

Tương phản với cách làm của Thụy Điển, Singapore ưu tiên thu hút các công ty đổi mới sáng tạo quốc tế – bao gồm các công ty đa quốc gia hứa hẹn khả năng thiết lập những khoản đầu tư mạo hiểm mới – và những đầu tư nội vùng vào các thành phố châu Á giàu có.

Singapore hiện có chín Trung tâm Đổi mới sáng tạo, dịch vụ có phạm vi trải rộng từ kỹ thuật chính xác đến nuôi trồng thủy sản. Kết hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu và kỹ thuật, họ tạo điều kiện cho các startup khả năng tiếp cận các dịch vụ tư vấn khoa học, các phòng thí nghiệm, tập huấn và các dịch vụ sản xuất thử nghiệm. Trong khi đó Cơ quan KH, CN và nghiên cứu của chính phủ (A* STAR) điều hành những chương trình cấp kinh phí từ ngân sách cho các startup công nghệ, trong đó hỗ trợ các quá trình thành lập các công ty spin-off từ lúc nhận diện sản phẩm ban đầu cho đến lúc gia tăng quy mô kinh doanh.

Block 71, một trung tâm đổi mới sáng tạo được đặt trong một tòa nhà sản xuất cũ do chính phủ thành lập vào năm 2015, giờ là “đại bản doanh” của hơn 100 startup, vườn ươm công nghệ và công ty đầu tư mạo hiểm. Năm nay, chính phủ cam kết đầu tư 10 triệu đô la Singapore (7 triệu USD) vào Corporate Venture Launchpad, một chương trình thử nghiệm nhằm tăng cường hợp tác đa quốc gia.

Hành động đúng của chính phủ

Với những cách tiếp cận khác nhau để hỗ trợ các lĩnh vực công nghệ trên một phạm vi rất lớn của ba quốc gia trên, thật khó so sánh được cách tiếp cận và việc thực thi chiến lược nào hiệu quả. Nhưng nếu chiểu theo một số báo cáo khác về đổi mới sáng tạo ở 26 quốc gia của OECD cũng như quan điểm của Liên minh thương mại toàn cầu và chính sách đổi mới sáng tạo gồm 33 think tank độc lập, chúng ta có thể thấy một số điểm chung về chính sách.

Đó là, để thúc đẩy sự thành lập của các công ty khởi nghiệp công nghệ, cần phải có một nền tảng công nghệ tốt thông qua việc cung cấp các khoản đầu tư trực tiếp vào R&D. Các khoản đầu tư của chính phủ ở các cấp trung ương, vùng và thành phố có thể hướng đến các dự án có hứa hẹn đem lại các lợi ích dài hạn, đặc biệt là có tác dụng tích cực trong việc thiết lập mối quan hệ bền chặt giữa khối nghiên cứu công và các công ty. Bên cạnh đó, khuyến khích các công ty công nghệ đăng ký sáng chế, độc quyền công nghệ để bảo hộ tài sản trí tuệ của mình.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức chính phủ, mối quan hệ vững bền ở khối tư nhân và hàn lâm sẽ đem lại những đổi mới sáng tạo lớn. Các vai trò quan trọng khác với chinh phủ trung ương, bao gồm cung cấp các khoản đầu tư hỗ trợ các startup có đủ năng lực đón nhận cả đầu tư tư nhân, hướng dẫn các doanh nghiệp về các thị trường rộng hơn qua các khung chính sách. Ví dụ, năm 2018, thị trưởng London Sadiq Khan đã lập một lộ trình để đưa thủ đô Anh – nơi có các trung tâm đổi mới sáng tạo như Thành phố Công nghệ Đông London, Thành phố Y học, và Cơ sở Thành phố trắng của trường Hoàng gia London – thành thành phố thông minh hàng đầu thế giới. Và năm 2019, đã lập Văn phòng Công nghệ và Đổi mới của London nhằm kết nối các doanh nghiệp công nghệ với các tổ chức chính phủ khắp thành phố. Chính quyền thành phố cũng đã soạn thảo Điều lệ Công nghệ mới nổi cho London để nêu rõ cam kết của mình về các tiêu chuẩn mở, các thiết kế công nghệ không ảnh hưởng đến quyền con người, và quy định luật pháp, đạo đức, an ninh trong sử dụng dữ liệu.

Nguồn: globalgovernmentforum.com