Trên con đường thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ngày một gia tăng tỉ lệ đóng góp của KH&CN trong các sản phẩm hàng hóa, Việt Nam cần một thị trường KH&CN phát triển đúng nghĩa. Tuy nhiên, việc thiết lập một thị trường như vậy vẫn còn tồn tại điểm nghẽn.

Không riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia phát triển về KH&CN cũng đang đau đầu về vấn đề này. Ví dụ theo sciencebusiness.net, dù Đức là một quốc gia đầu tư hàng đầu cho khoa học cơ bản ở châu Âu nhưng về việc đưa kết quả nghiên cứu ra ngoài thị trường lại thua kém nhiều quốc gia khác. Một phần nguyên nhân được một số doanh nghiệp và chuyên gia tại Diễn đàn Công nghệ cao mới được tổ chức vào tháng 6/2021 cho rằng, Đức cần thay đổi hệ thống tổ chức trung gian và chính sách đầu tư để tăng cường chuyển giao công nghệ, khuyến khích thành lập các công ty spin-off.

Rạng Đông giới thiệu sản phẩm mới, công nghệ mới về đèn Led tại “Rang Dong Techday 2020 – Nhà máy thông minh Make in VietNam”. Nguồn: Rạng Đông

Trên trang Diễn đàn chính phủ toàn cầu (Globalgovernmentforum), các nhà nghiên cứu gợi ý, để các sản phẩm KH&CN dựa trên các công nghệ tiên tiến có thể xuất hiện trên thị trường, cần tạo dựng được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có phạm vi hoạt động trải rộng từ ‘nuôi dưỡng’ nghiên cứu công nghệ và hệ thống chuyển giao tri thức đến việc kết nối các công ty đầu tư mạo hiểm với các công ty startup và spinoff.

Với một tham vọng khiêm tốn hơn, Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030 của Việt Nam mới được ban hành vào giữa tháng 7/2021 đang đặt kỳ vọng nâng tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện, trường trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước đạt trên 35% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030, dựa trên sự thúc đẩy phát triển nguồn cung, phát triển các tổ chức trung gian, phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN…

Nhưng việc đạt được các mục tiêu này có thật sự dễ dàng?

Tồn tại những điểm nghẽn

Tại hội thảo tổng kết Chương trình phát triển thị trường KHCN giai đoạn 2015-2020 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, nhận xét, “nhìn vào các dữ liệu chi tiết thu được về thị trường KH&CN, đặc biệt là bộ dữ liệu 17.000 doanh nghiệp có yếu tố công nghệ, chúng tôi thấy có vấn đề rất lớn, đó là mức độ đóng góp của các viện trường trong việc cung ứng các sản phẩm công nghệ có chất lượng cho thị trường Việt Nam tương đối thấp. Do đó, chủ yếu vẫn là công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc”.

Thông tin này không mới với những người hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nếu chiểu theo số lượng các đơn sáng chế của các chủ đơn Việt Nam (trong đó có các viện, trường) và nước ngoài với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) từ năm 2010 đến năm 2020 ở các lĩnh vực sôi động trên thị trường Việt Nam như nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm, cơ khí, y tế, thú y, thiết bị vật lý, hóa học… thì bao giờ các chủ đơn nước ngoài cũng chiếm thế áp đảo, chủ yếu từ các quốc gia mạnh về KH&CN như Nhật Bản, Mĩ, Hàn Quốc, Trung Quốc… Không chỉ khiêm tốn ở quy mô đóng góp vào thị trường công nghệ, còn có một vấn đề khác về các viện, trường Việt Nam là trình độ công nghệ mà họ cung cấp chỉ ở mức độ trung bình. Do đó, “mức độ tham gia và cung ứng nguồn cung của các viện, trường vào thị trường rất thấp”, ông Phạm Đức Nghiệm cho biết.

Trong nhiều cuộc hội thảo và tọa đàm liên quan đến đổi mới sáng tạo suốt năm 2020 và đầu năm 2021, từ “điểm nghẽn” xuất hiện với tần suất lớn mỗi khi nhắc đến vấn đề giao dịch và chuyển giao công nghệ giữa viện trường và doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm hình thành điểm nghẽn đó, theo lý giải của PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học, ĐH Kinh tế quốc dân, thuộc về “các tổ chức trung gian KH&CN, nói một cách nôm na đời thường là cò công nghệ, lẽ ra phải nhận biết được nhu cầu của doanh nghiệp là cần công nghệ gì để tạo được giá trị gia tăng cho họ và sản phẩm của họ bán ra thị trường có lợi thế. Họ chưa làm tốt vai trò của mình”.

Với các sàn giao dịch công nghệ thì tại hội nghị giám đốc Sở KH&CN toàn quốc vào tháng 4/2021, ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ giãi bày, “bản thân tôi cũng rất là lúng túng trong chuyện xác định mô hình hoạt động. Các mô đun dữ liệu có sẵn bởi Sở hiện nay đã có 1.300 công nghệ trên cái sàn ảo – cái sàn ảo thì dễ thống kê, nhưng chưa biết mô hình hoạt động như thế nào để đạt được hiệu quả”.

Một yếu tố khác liên quan đến điểm nghẽn chuyển giao công nghệ nằm ở chính năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp. Đó cũng là một trong những lý do mà khả năng áp dụng công nghệ mới của họ còn thấp. Tại tọa đàm chuyên đề quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN tổ chức vào tháng 3/2021, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chỉ ra thực tế là trên 96% doanh nghiệp Việt Nam là ở quy mô nhỏ và vừa, hầu hết chưa quan tâm hoặc nếu có thì chưa đủ nguồn lực để quan tâm đầu tư cho R&D. Trong khi đó, việc đón nhận một công nghệ mới từ các trường, viện hầu như bao giờ cũng diễn ra một cách chật vật, vì không dễ làm chủ công nghệ và lập ra một quy trình sản xuất theo cái mới. Khi đề cập đến sinh phẩm protein Interleukin – 2 tái tổ hợp hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư, một sản phẩm hợp tác giữa Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và công ty VABIOTECH trong nhiều năm, giáo sư Trương Nam Hải nhận xét, để có thể tham gia vào thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm cùng nhà khoa học hoặc đón nhận công nghệ từ các nhà khoa học, doanh nghiệp cần có một đội ngũ R&D vì nhà khoa học cũng không thể ‘làm hộ’ doanh nghiệp ở tất cả mọi khâu của quy trình.

Trường hợp doanh nghiệp chủ động kết nối trường, viện và lập riêng bộ phận R&D như Công ty Rạng Đông là vô cùng hiếm hoi. Trên thực tế, “hiện nay 538 doanh nghiệp được chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN chưa có đủ khả năng tiếp nhận kết quả nghiên cứu từ các cơ sở công lập. Đấy cũng là rào cản”, ông Phạm Hồng Quất, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, nói.

Có lẽ, việc tồn tại những điểm nghẽn này khiến cho nhiều kết quả nghiên cứu nằm vĩnh viễn trong phòng thí nghiệm. Trong hội thảo về công nghiệp vật liệu tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam vào tháng 11/2020, giáo sư Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, đã đề cập đến “số phận hẩm hiu” của sản phẩm chấm lượng tử - một tinh thể nano được làm từ vật liệu chất bán dẫn có các đặc tính cơ học lượng tử thú vị do ở kích thước rất nhỏ: đẹp rực rỡ trong phòng thí nghiệm hơn 10 năm trước, hứa hẹn những ứng dụng đa dạng trong nhiều sản phẩm công nghiệp như tranzito, pin Mặt trời, đèn LED, laser điốt, chụp ảnh y học…, nhưng rút cục không được doanh nghiệp biết đến.

Có thể giải tỏa được điểm nghẽn?

Việc triển khai Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030 để đạt được những mục tiêu đề ra chắc hẳn phải tính đến khâu tháo gỡ và giải tỏa những điểm nghẽn đó. Điều này không chỉ cần đến nỗ lực của những người thực hiện mà cả sự dẫn đường của chính sách. Theo quan điểm của ông Phạm Hồng Quất, để thị trường KH&CN phát triển thì chính sách cần giải quyết triệt để ba khía cạnh là thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu; phát triển các mô hình tổ chức trung gian để chuyển giao công nghệ; khai thác nguồn lực, đặc biệt nhân lực tại viện, trường cho đổi mới tại doanh nghiệp.

Thông thường, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia mạnh, một trong những cách làm hiệu quả về chuyển giao công nghệ là thúc đẩy hình thành các startup hoặc các mô hình spinoff. “Cần phải làm được điều này vì chắc chắn nó liên quan đến chuyển giao kết quả nghiên cứu. Hiện nay chúng ta chưa tháo gỡ được cái đó vì có quy định là viên chức không được lập doanh nghiệp. Việc áp dụng quy định này trong trường đại học khiến tạo ra vướng mắc thành lập công ty spinoff”, ông Phạm Hồng Quất lý giải.

Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu trong trường viện cho doanh nghiệp lại gặp một điểm vướng chính sách khác là Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước. Cơ chế sử dụng tài sản theo nghị định này “rất phức tạp do không rành mạch về chủ sở hữu nên rất khó trong áp dụng với các hoạt động đổi mới sáng tạo. Vì thế nếu ‘ông’ làm danh chính ngôn thuận thì không được còn ứng dụng ‘chui lủi’ thì được”, PGS. TS Nguyễn Ái Việt từng nêu khó khăn từ góc độ của người trong cuộc tại tọa đàm “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vật lý” vào tháng 7/2020.

Rõ ràng, để khai thác nguồn lực tri thức và công nghệ từ các trường, viện cần những chính sách mới, không chỉ để chuyển giao mà còn hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ cho doanh nghiệp. Khi đề cập đến khía cạnh khai thác nhân lực của viện trường để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Quất đã nêu ra vấn đề tồn tại mà chưa có chính sách nào hóa giải: “Chúng ta chưa có cơ chế hỗ trợ cho việc này mà mới chỉ dừng đến bước nghiệm thu xong kết quả và những người chủ nhiệm chương trình tự đi tìm doanh nghiệp chuyển giao. Nếu doanh nghiệp muốn mời họ đến để chuyển giao tri thức và kỹ năng hỗ trợ thì không có kinh phí làm hậu chuyển giao này. Ngay cả chương trình phát triển thị trường KH&CN cũng không có điều khoản nào để làm hậu chuyển giao”. Do vậy, ông cho rằng sự thiếu bóng dáng của trường, viện trên thị trường KH&CN đang là một lãng phí chỉ vì không có cơ chế thúc đẩy.

Thừa nhận sự yếu kém của các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, ông Phạm Hồng Quất cho rằng, cần một mô hình tổ chức mới bởi “hiện nay 8 sàn giao dịch mà chúng ta xây dựng cũng là những trung tâm sự nghiệp công lập và người đang làm ở đó cũng có hơi hướng là người làm khoa học, người từ viện, trường nên không nắm rõ nhu cầu của doanh nghiệp”. Giải pháp mà ông đưa ra là quy hoạch các tổ chức này lại theo mô hình kinh doanh, có doanh nghiệp tham gia để tận dụng cơ hội, tận dụng được cơ sở dữ liệu của khu vực công để đưa các sàn giao dịch này thành nơi phản ánh nhu cầu thị trường.

Do đó, về tổng thể, để giải quyết rốt ráo những điểm nghẽn này, việc ban hành chính sách mới cần có những cơ chế thực hiện đi kèm, tránh những vấn đề phát sinh khiến chính sách không đi vào cuộc sống.

PGS. TS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM), một trong những đơn vị có nhiều kết quả chuyển giao.
Nguồn: Viện Tế bào gốc.

Mục tiêu của Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030

Đến năm 2025

- Giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN hàng năm tăng bình quân đạt 25%, trên 30% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 15%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 30%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 35% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.

- Hình thành và phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH: 80 tổ chức trung gian và ba mạng lưới các tổ chức trung gian chuyên sâu cho ba ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Đến năm 2030

- Giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN hằng năm tăng mạnh, bình quân đạt 30%, trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.

- Phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN: trên 240 tổ chức trung gian và sáu mạng lưới tổ chức trung gian chuyên sâu cho sáu ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

- Số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường. Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN, kết nối hiệu quả với mạng lưới tổ chức trung gian khu vực và toàn cầu.