Trong khi các bậc phụ huynh lo lắng trước thông tin thống kê và xác suất sẽ được đưa vào dạy từ lớp 2 thì các chuyên gia giáo dục lại tỏ ra tâm đắc với nội dung này trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Xác suất thống kê có quá khó?
Mới đây, nhân dịp thuyết trình về chủ đề “Thống kê và xác suất trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới” tại Ngày hội Toán học mở, PGS.TS. Ngô Hoàng Long (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) trả lời phỏng vấn báo chí và cho biết thống kê và xác suất được xác định là một trong ba mảng kiến thức quan trọng của môn Toán trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đáng chú ý, kiến thức về xác suất và thống kê sẽ được đưa vào dạy từ lớp 2. Thông tin trên đã khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng. Ngay lập tức, họ liên tưởng đến những gì bản thân đã được học ở cuối bậc PTTH hay ở bậc đại học, và tin rằng những kiến thức ấy nếu đem dạy cho học sinh lớp 2 thì sẽ không khác gì một sự ‘đày ải’.
Trong khi đa số các bậc phụ huynh và xã hội nói chung nhìn nhận xác suất và thống kê như một môn học xa lạ thì trên thực tế, không cần chờ đến Chương trình Giáo dục phổ thông mới, học sinh tiểu học đã ít nhiều được học các kiến thức về xác suất và thống kê trong chương trình hiện hành. Chẳng hạn, với bài “Ngày, tháng” trong sách giáo khoa toán 2 (trang 79, 80), học sinh đã được làm quen với các yếu tố, các số liệu thống kê qua nội dung câu hỏi bài tập: “Trong tháng 12 có mấy ngày Chủ nhật, đó là ngày nào?”. Hay ở lớp 3, các em có bài thực hành đo độ dài và điền vào bảng. Thậm chí trong sinh hoạt hàng ngày, các em đều đã từng tiếp xúc với khái niệm xác suất và thống kê, như khi quan sát ra đường vào giờ nào sẽ dễ gặp tắc nghẽn giao thông, hay khi nhận biết các thành viên nhỏ tuổi, cao tuổi, nam, nữ trong gia đình...
Trao đổi với báo chí, GS.TS Đỗ Đức Thái - tổng chủ biên chương trình môn Toán mới - cho biết nhiều bậc phụ huynh thấy tên gọi “xác suất, thống kê” trừu tượng thì lo sợ trẻ em khó tiếp thu. Nhưng ông khẳng định, nội dung này được đưa vào chương trình một cách nhẹ nhàng, đơn giản và hết sức thiết thực đối với học sinh từ bậc tiểu học. Thay vì phải học thuộc các khái niệm trừu tượng, khô khan, học sinh sẽ được học toán thông qua những trò chơi, những hoạt động trải nghiệm, tình huống và thao tác cụ thể. Giáo viên có thể đưa học sinh vào các tình huống khác nhau trong cuộc sống thông qua các hoạt động đa dạng, từ đó hình thành và phát triển ở các em năng lực giải quyết vấn đề - một trong những mục tiêu quan trọng mà Chương trình Giáo dục phổ thông mới đề ra.
Nói cách khác, các chuyên gia giáo dục đang nhìn nhận xác suất thống kê như một mạch kiến thức quan trọng có thể giúp đẩy mạnh khả năng ứng dụng của Toán học. “Xã hội hiện đại có rất nhiều luồng thông tin và vấn đề đặt ra giờ đây không phải chỉ là biết thông tin mà còn phải biết phân tích, xử lý các thông tin mà mình nhận được. Việc có kiến thức về xác suất và thống kê sẽ giúp học sinh nói riêng và công dân nói chung có nhận thức và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn và tốt hơn” – PGS. TS Ngô Hoàng Long, một trong những giảng viên cốt cán tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ với báo chí về lý do thống kê và xác suất được định hướng là một trong ba mảng kiến thức quan trọng của môn Toán theo Chương trình mới. Xác suất và thống kê thúc đẩy tư duy logic, giúp ra quyết định trong điều kiện không chắc chắn bằng cách xem xét những khả năng có thể xảy ra, cân nhắc hậu quả đối với từng phương án được lựa chọn. Học xác suất và thống kê, học sinh sẽ học được cách đưa ra quyết định sao cho giảm thiểu rủi ro là vì vậy.
Trong khi đó, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo), đồng thời là người sáng lập, Giám đốc Nghiên cứu, phát triển chương trình dạy Toán cho trẻ em POMath – cho biết: “Một trong những điều mà những người làm giáo dục như chúng tôi cảm thấy tâm đắc nhất trong chương trình Toán sắp tới, chính là sự cải thiện mạch toán ứng dụng, trong đó có xác suất, thống kê.”
“Những năm gần đây, chúng ta thường nhắc đến những cụm từ như ‘trí thông minh nhân tạo’ (AI), ‘dữ liệu lớn’ (big data),… Làm thế nào để có được những công nghệ đó? Câu trả lời chính là thống kê: cách chúng ta thu thập dữ liệu và xử lý số liệu,” theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ. “Tôi vẫn thường nói vui rằng, từ bây giờ, thay vì cúi xuống để làm tính, trẻ em sẽ ngẩng mặt lên để quan sát, để đặt câu hỏi cho cha mẹ, mò mẫm sờ nắm, rồi so sánh, liên tưởng. Tính không phải là toán, giáo dục toán học là giáo dục các kỹ năng để các em vận dụng toán học vào trong cuộc sống của mình.”
Không phải “sự đã rồi”
Thông tin về nội dung thống kê và xác suất trong môn Toán phổ thông đã được công khai và lấy ý kiến cách đây gần 2 năm, cùng với tất cả các môn học khác trong dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới trên trang thông tin điện tử tại địa chỉ https://moet.gov.vn.
Đến ngày 27/12/2018, khi Chương trình chính thức được thông qua và ban hành thì bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận nội dung đầy đủ của từng phân môn nhờ vài thao tác tìm kiếm đơn giản.
Thế nhưng, chỉ đến khi PGS.TS Ngô Hoàng Long trả lời phỏng vấn báo chí, dư luận mới ồn lên “lớp 2 sao đã phải học xác suất và thống kê” và có phản ứng như thể bị đặt vào “sự đã rồi”.
PGS. TS Chu Cẩm Thơ, với tư cách nhà nghiên cứu giáo dục, đồng thời là người mẹ có con đang học phổ thông, bày tỏ: “Nếu được, mọi người hãy dành thời gian quan tâm đến giáo dục nhiều hơn, bằng cách đọc những văn bản, chương trình, tài liệu… Từ đó, đàm đạo với chúng tôi nhiều hơn để chúng tôi có cơ hội hiểu về thực tế, để chúng ta cùng nhau tìm ra giải pháp.”
Bà cũng nhấn mạnh rằng, không chỉ môn Toán, mà cả Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã được thiết kế trên cơ sở nghiên cứu khoa học. “Để có được chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà khoa học đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu. Và trong khoảng thời gian gần 10 năm đó, họ đã tham chiếu rất nhiều cơ sở khoa học, từ toán học đến giáo dục học, tâm lý học, đặc biệt là xu thế của thế giới,” bà nói.
Học sinh phổ thông sẽ học thống kê và xác suất như thế nào? Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ở cấp tiểu học, học sinh làm quen với việc thu thập, phân loại, kiểm đếm các đối tượng thống kê (trong một số tình huống đơn giản); đọc biểu đồ tranh, nhận xét về các số liệu trên biểu đồ, hình thành và giải quyết vấn đề đơn giản xuất hiện từ các số liệu và biểu đồ đã có…
Lên đến cấp THCS, học sinh vẫn học thu thập, phân loại, biểu diễn, phân tích và xử lí dữ liệu thống kê, nhưng sẽ chú trọng hơn việc thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn và các chủ đề liên môn, chẳng hạn vận dụng kiến thức thống kê để đọc hiểu các bảng biểu trong Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên; vận dụng kiến thức về xác suất trong việc tính xác suất kết quả đời con của các phép lai…
Từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh học thống kê và xác suất một cách chuyên sâu hơn, hoàn thiện dần kiến thức và kỹ năng sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu thống kê thông qua các số đặc trưng đo xu thế trung tâm và đo mức độ phân tán cho mẫu số liệu không ghép nhóm và ghép nhóm, sử dụng các quy luật thống kê trong thực tiễn, nhận biết các mô hình ngẫu nhiên, các khái niệm cơ bản của xác suất và ý nghĩa của xác suất trong thực tiễn. Trong mỗi năm học, học sinh (đặc biệt là những học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ) được chọn học một số chuyên đề học tập, trong đó có những chuyên đề liên quan đến kinh tế tài chính, đồ họa và vẽ kỹ thuật, lập kế hoạch sản xuất, mô hình cân bằng thị trường, phân bố vốn đầu tư… Điều này không chỉ giúp các em biết thêm nhiều kiến thức, mà còn hình dung được đặc thù của các ngành nghề trong xã hội.
Thời lượng của mạch kiến thức thống kê và xác suất trong chương trình mới tương đối cao và tăng dần theo từng cấp học – từ chỗ chiếm 3% tổng thời lượng chương trình môn Toán ở cấp tiểu học được nâng dần lên để chiếm khoảng 14% thời lượng chương trình môn Toán ở cấp THPT. |