Nhà kinh tế và người dân có những cách nghĩ khác nhau về nhập cư, thương mại tự do và các vấn đề kinh tế toàn cầu. Trong cuốn sách mới, hai nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Banerjee và Duflo phân tích những điểm đúng và sai của mỗi bên.

Các nhà kinh tế nhìn chung ủng hộ chính sách nhập cư mở và chính sách thương mại tự do. Họ coi những yếu tố này là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng như thăm dò cho thấy, nhiều người dân ở Hoa Kỳ và Châu Âu không đồng ý. Người dân cảnh giác với nguy cơ mất việc làm và thu nhập vào tay người nhập cư, và họ tin rằng thương mại tự do đẩy các ngành công nghiệp ra nước ngoài. Vậy ai là người đúng, nhà kinh tế hay người dân?

Theo những người đoạt giải Nobel mới nhất từ trường MIT, Esther Duflo và Abhijit Banerjee, mỗi bên đều đúng và đều sai.

Nhập cư không phải là vấn đề lớn trong khi thương mại tự do thì ngược lại

"Nếu bạn nhìn vào bằng chứng, nó cho chúng ta biết rằng quan điểm của các nhà kinh tế học về di cư đúng đắn hơn", Duflo nói. "Việc cho phép nhiều người di cư vào không phải là một vấn đề lớn". Chẳng hạn, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nhập cư tăng không ảnh hưởng đến tiền lương. Và sự hiện diện của người di cư có xu hướng cho phép nhiều phụ nữ là cư dân lâu năm tham gia vào lực lượng lao động.

Còn thương mại tự do thì sao?

"Nói về thương mại thì ngược lại", Duflo nói. "Các bằng chứng cho thấy quan điểm 'bản năng' của mọi người về thương mại, rằng nó làm tổn thương họ, là khá đúng. Và quan điểm của các nhà kinh tế học, rằng thương mại tự do là tốt cho mọi người, là không đúng".

Mặc dù thương mại tự do thúc đẩy tăng trưởng tổng thể, nó cũng tạo ra thất nghiệp tập trung. Và trong khi lý thuyết kinh tế từ lâu đã cho rằng những người lao động bị mất việc sẽ có cơ hội chuyển sang việc làm mới ở nơi khác, điều này hiếm khi xảy ra. Ví dụ, tại các quốc gia bắt đầu giao dịch với Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, dân số trong độ tuổi lao động không giảm ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cho thấy những người lao động cho dù bị ảnh hưởng vẫn sẽ ở lại chỗ của họ.

Theo Banerjee, các ý tưởng trước đây về cả nhập cư và thương mại đã bỏ qua một tâm lý thực tế: hầu hết mọi người không muốn phải "nhổ rễ" khỏi vị trí của mình.

"Một điều có liên quan đến cả hai vấn đề, đó là ý tưởng về sự gắn bó", Banjee nói. "Những người bình thường thích ở tại chỗ của họ. [Các nhà kinh tế] nghĩ rằng thương mại không gây ra vấn đề gì, vì nó có thể làm tổn thương một số người, nhưng người bị ảnh hưởng sẽ chuyển sang các công việc khác ở những nơi khác. Nhưng mọi người ít khi muốn làm điều đó. Họ không muốn đến một khu vực khác, một nơi khác và một cuộc sống khác".

Cho đến gần đây, chủ đề này không phải là những vấn đề mà Banerjee và Duflo thường thảo luận. Nhưng bây giờ, trong cuốn sách thứ hai của họ, "Good Economics for Hard Times" (tạm dịch: "Kinh tế tốt cho thời kỳ khó khăn"), bộ đôi nhà kinh tế từ MIT đã xem xét các vấn đề quy mô lớn, có tính chính trị với các tác động kinh tế của chúng. Các vấn đề bao gồm nhập cư, thương mại, bản sắc xã hội, bất bình đẳng, tự động hóa, và nhiều hơn nữa.

Cuốn sách xem xét những gì nghiên cứu thực nghiệm cho chúng ta biết về thế giới - cũng như giới hạn của kiến thức của chúng ta. Banerjee và Duflo cho rằng, chỉ trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể suy nghĩ hiệu quả về chính sách kinh tế.

Hoặc, như các tác giả viết trong cuốn sách mới, "Thế giới là một nơi đủ phức tạp và không chắc chắn, điều giá trị nhất mà các nhà kinh tế học có thể chia sẻ thường không phải là kết luận của họ, mà là con đường họ đã đi để đạt được nó - những sự thật họ biết, cách họ diễn giải những sự thật đó, những bước suy diễn mà họ đã thực hiện, những sự không chắc chắn còn lại của họ".

Abhijit Banerjee và Esther Duflo, hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel 2019 và cuốn sách mới của họ, "Good Economics for Hard Times" (tạm dịch: "Kinh tế tốt cho thời kỳ khó khăn").

Tác phẩm mới của Banerjee và Duflo tiếp nối cuốn "Poor Economics" (PublicAffairs, 2011) (được dịch tiếng việt dưới tên "Hiểu nghèo thoát nghèo) - cuốn sách đầu tiên của họ tập trung vào việc giúp đỡ thế giới 1 tỷ người nghèo nhất, những người sống với 1 USD mỗi ngày.

"Poor Economics" xuất phát từ nghiên cứu do Banerjee và Duflo thực hiện với tư cách những người đồng sáng lập Phòng thí nghiệm hành động chống nghèo đói Abdul Latif Jameel của MIT (J-PAL). Những dự án dựa trên kinh nghiệm thay vì thuần túy logic này là yếu tố đã giúp các tác giả giành giải Nobel về khoa học kinh tế vào tháng trước.

Ngược lại, “Good Economics for Hard Times” xem xét các vấn đề ở quy mô toàn cầu, trong khi vẫn duy trì phong cách dựa trên kinh nghiệm các tác giả. Thương mại là một vấn đề được tranh luận sôi nổi, nhưng nó đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng? Như các tác giả lưu ý, nó tạo ra một lợi ích rất khiêm tốn ở Hoa Kỳ, bằng khoảng 2,5% GDP, không hơn một năm tăng trưởng tốt.

Tương tự như vậy, trong khi có rất nhiều các định kiến về nhập cư, chẳng hạn như việc một người thợ sửa ống nước nhập cư từ Ba Lan được cho là đã lấy đi công việc sửa chữa của một người Anh hoặc người Pháp, thì thực tế là không có nhiều người di cư như nhận thức phổ thông vẫn nghĩ. Chỉ có khoảng 3% người Hy Lạp đã rời khỏi đất nước họ trong thập kỷ này, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở đó lên tới 27% và cơ hội nhập cư dễ nhờ các biên giới mở trong Liên minh châu Âu.

"Thợ sửa ống nước Ba Lan là một nhân vật mang tính biểu tượng ở Pháp, nhưng họ sống chủ yếu ở Ba Lan", Duflo nói.

Chúng ta có nhiều điều còn phải học

Trong khi mục đích của “Good Economics for Hard Times” là khiến mọi người suy nghĩ sắc sảo hơn về các vấn đề cấp bách hiện nay, Banerjee và Duflo cũng thảo luận về các loại can thiệp chính sách mà họ cho là có triển vọng. Một trong số đó là "trợ giúp" mọi người trong giai đoạn phải chuyển đổi, chẳng hạn như khi mất việc. Những chuyển đổi này có tác động xã hội đáng kể; nghiên cứu cho thấy những người mất việc sau 50 tuổi có tuổi thọ thấp hơn những người tiếp tục làm việc. Trong một nền kinh tế thay đổi nhanh chóng, chúng ta cần lo lắng về những người sẽ gặp khó khăn trong thị trường lao động.

"Ý tưởng rằng mọi người sẽ tự tìm được cơ hội là không thể tin được", Banjee nói. "Quan điểm của chúng tôi là chúng ta cần phải hành động một cách tập thể: Vì bạn bị mất việc không có nghĩa là bạn thất bại. Đây là một sự chuyển đổi, là vấn đề của xã hội, thay vì của riêng bạn".

Mặc dù có nhiều biện pháp chính sách để hỗ trợ những người bị mất việc do thương mại tự do gây ra - Banerjee và Duflo cũng ủng hộ ý tưởng mà họ gọi là "có phần cực đoan": trợ cấp cho toàn bộ các công ty và người lao động lớn tuổi bị ảnh hưởng bởi thương mại, giữ cho công ty hoạt động và người lao động có việc. Một nỗ lực mạnh mẽ để làm điều này, họ viết, sẽ giúp "ngăn chặn sự sụp đổ của các cộng đồng" khi các công ty gặp khó khăn.

Và, như Duflo nói, "người dân không chỉ muốn kiếm tiền. Họ muốn nhân phẩm". Vì lý do này, các tác giả tỏ ra hoài nghi hơn về các đề xuất thu nhập cơ bản phổ quát; như họ lưu ý, các cuộc khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy khoảng 80% người lao động có cảm giác hài lòng, hữu ích hoặc cảm thấy có thành tựu cá nhân gắn liền với công việc và nghề nghiệp của họ.

Banerjee và Duflo cũng rất ủng hộ hỗ trợ nhiều hơn cho các "dịch vụ công cộng sử dụng nhiều lao động", như giáo dục công cộng và chăm sóc người già. Điều quan trọng là những loại công việc này khó có thể được thay thế bởi công nghệ, hoặc bởi một quốc gia khác, vì chúng có vị trí vững chắc ở những địa điểm cụ thể.

Trong mọi trường hợp, Banerjee và Duflo viết, "mục tiêu của chính sách xã hội, trong thời điểm của những thay đổi và lo lắng như hiện nay, là giúp mọi người hấp thụ những cú sốc ảnh hưởng đến họ mà không cho phép những cú sốc đó ảnh hưởng đến ý thức của họ về bản thân. Rõ ràng chúng tôi không có tất cả các giải pháp, và chắc không ai có. Chúng ta có nhiều điều phải học. Nhưng miễn là chúng ta hiểu mục tiêu là gì, chúng ta có thể giành chiến thắng".

Nguồn: