Vừa qua, gần 18.000 nhà khoa học Mexico đã ký thư ngỏ gửi chính phủ đòi hỏi phải thay đổi chính sách khoa học, bởi trong bối cảnh kinh phí dành cho khoa học liên tục bị cắt giảm như hiện nay, họ không thể tiến hành được những nghiên cứu đỉnh cao.
Theo các nhà nghiên cứu, những biện pháp cắt giảm kinh phí cho khoa học mà Tổng thống Mexico đang thực hiện là một phần của các biện pháp cắt giảm chi phí trên phạm vi rộng hơn nhằm có thêm kinh phí đầu tư cho các chương trình xóa đói giảm nghèo của quốc gia. Trong một văn bản thông báo về tình trạng cắt giảm ngân sách đầu tư, López Obrador đã cho biết, Mexico không thể có “một chính phủ giàu với những người dân nghèo” nhằm biện hộ cho quyết định của mình. Do đó, ngân sách cấp cho CONACYT năm 2019 đã giảm thêm 12 % so với kế hoạch được thông qua vào tháng 12/ 2018 và cơ quan chuyên cấp kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu của quốc gia chỉ còn 18.8 tỷ peso (960 triệu USD).
Những hiệu ứng lan tỏa
Kể từ đó, các viện nghiên cứu cho biết là phải tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí, từ việc tính toán tiêu dùng điện năng đến tiền lương nhân công. Họ phải hủy bỏ việc tham dự nhiều hội thảo và nhiều dự án nghiên cứu quốc tế, một số người thì phụ thuộc vào các cuộc vận động huy động vốn từ xã hội để trả tiền vật tư hóa chất. Tình trạng bất định về kinh phí khiến nhiều nhà khoa học Mexico ở nước ngoài cân nhắc việc trở về nước làm việc.
“Khoa học Mexico chưa bao giờ được đầu tư tốt”, Antonio Lazcano – một nhà sinh học tại trường Đại học Quốc gia Mexico (UNAM) ở thành phố Mexico, nói. Việc áp dụng các biện pháp như thế này, đặc biệt là ở một cơ quan như CONACYT, sẽ làm mất đi cơ hội tuyển dụng các nhà khoa học ở giai đoạn đầu sự nghiệp cũng như làm gián đoạn các dự án theo dõi các thảm họa có khả năng xảy ra trong tương lai như động đất, dịch bệnh truyền nhiễm. Mặt khác, không tạo ra được thêm những KH&CN tiên tiến, vốn là yếu tố quan trọng dẫn dắt đổi mới sáng tạo và thu hút các nhà đầu tư, thì về lâu dài, các giải pháp cắt giảm chi phí có thể làm giảm sự tăng trưởng kinh tế ở Mexico, ông nhận xét thêm.
Vào tháng 6/2019, Lazcano và 56 nhà khoa học Mexico đã viết một bức thư ngỏ gửi chính phủ để thuyết phục các quan chức chính phủ đảo ngược tình thế hiện nay của khoa học đất nước. Và tới ngày 7/8/2019, gần 18.000 người đã ký vào bức thư này qua mạng internet.
Juan Martínez, một nhà sinh thái học tại Viện nghiên cứu Sinh thái học ở Xalapa, cho biết hành động cắt giảm ngân sách đầu tư cho các viện đang đẩy viện nghiên cứu của ông tới quá giới hạn chịu đựng. “Chúng tôi thậm chí còn không thể trả tiền điện,” Martínez nói và cho biết để tiết kiệm điện, viện đã cấm các nhân viên xạc điện thoại, sử dụng điều hòa nhiệt độ, làm việc qua 6 giờ chiều trong suốt tuần hoặc tới làm việc vào cuối tuần.
Việc thiếu kinh phí tham dự hội nghị và di chuyển khiến Fabián Rosales – một nhà thiên văn học tại INAOE đã phải hủy bỏ hai hội nghị quốc tế cũng như một chuyến làm việc ở Madrid để thực hiện một dự án nghiên cứu tìm hiểu về sự phong phú của một số nguyên tố hóa học ở gần các thiên hà. Ông lo ngại là nếu INAOE không nhận thêm được tiền vào cuối năm nay, ông sẽ phải chấm dứt mối quan hệ hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài mà ông đã duy trì nhiều năm.
Cuauhtémoc Sáenz-Romero, một nhà di truyền lâm nghiệp tại trường Đai học Saint Nicholas of Hidalgo ở Michoacan, cũng đồng tình với mối lo ngại này. Ông là một phần của một nhóm nghiên cứu tại tổ chức Nông lương thế giới của Liên Hợp Quốc, vốn đang tập trung vào việc phát triển các chiến lược quản lý và bảo vệ rừng tại Mỹ, Canada và Mexico. Hội đồng lâm nghiệp quốc gia Mexico được vận động chi trả kinh phí để Sáenz-Romero và hai đồng nghiệp của ông tham gia phiên họp tiếp theo của nhóm nghiên cứu này ở Idaho vào tháng 10/2019. Tuy nhiên cái khó hiện nay là ngân sách dành cho việc đi lại của họ cũng bị đóng băng. Nếu đoàn cán bộ Mexico không thể tới Idaho thì phiên họp này có thể bị hủy bỏ và nhóm nghiên cứu chỉ còn cách cắt giảm nhân sự và tạm hoãn nhiều dự án nghiên cứu thành phần.
Tuy nhiên bất chấp những phàn nàn này, giám đốc CONACYT Elena Álvarez-Buylla vẫn cho rằng việc cắt giảm kinh phí là nhằm tránh lãng phí và nó không ảnh hưởng đến các dự án khoa học tại các viện nghiên cứu do CONACYT tài trợ. Bà còn cho biết, chính quyền của López Obrador đã đầu tư nhiều tiền vào khoa học thông qua các cơ quan của chính phủ hơn chính quyền của các đời tổng thống khác.
CONACYT hiện vẫn đang trong quá trình giải ngân ngân sách năm 2019, Álvarez-Buylla nói, và cơ quan này lập kế hoạch để phân bổ ít nhất 1,6 tỷ peso cho các dự án nghiên cứu cơ bản đến hết năm 2019 còn việc ra quyết định các khoản tài trợ mới sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.
Tình trạng bất định
Việc thiếu kinh phí đầu tư của nhà nước một cách thích đáng ở Mexico đã tồn tại trước thời chính quyền ông López Obrador. Soledad Funes, một nhà sinh học phân tử tại trường UNAM, cho rằng trong thập kỷ đã qua, các đợt kêu gọi tài trợ cho các đề xuất nghiên cứu cơ bản từ CONACYT diễn ra không đều đặn khiến “Chúng tôi vẫn có thể làm khoa học,” Funes nói, “nhưng không phải thứ nghiên cứu đỉnh cao mà chúng tôi có thể làm.”
Các nhà nghiên cứu tại những viện không được cung cấp nhiều kinh phí đã buộc phải đi tìm nhiều nguồn khác, trong đó có việc đề xuất hồ sơ tới các cơ quan quốc tế hoặc thậm chí kêu gọi công chúng hỗ trợ. Vào ngày 15/7/2019, Enrique Espinosa, một nhà miễn dịch học tại Viện nghiên cứu Các bệnh đường hô hấp quốc gia ở thành phố Mexico, bắt đầu mở một cuộc huy động vốn đám đông với mục tiêu có được 10.000 USD để mua hóa chất, đưa các nhà nghiên cứu tới dự hội nghị và hỗ trợ sinh viên tham gia dự án cho đến khi họ nhận được học bổng.
Tình trạng bất định của đầu tư cho khoa học khiến các nhà nghiên cứu Mexico đang làm việc ở nước ngoài không muốn về nước. Năm ngoái, Jorge Zavala, một nhà thiên văn học ở trường Đại học Texas ở Austin, rút cục đã từ chối một vị trí hứa hẹn lương cao ở INAOE bởi anh không chắc rằng mức lương này giữ được trong bao lâu và hơn nữa, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu sẽ có đủ như mong đợi hay không. Cũng như nhiều nhà nghiên cứu tài năng khác, Zavala đang chuẩn bị nộp hồ sơ cho một vị trí nghiên cứu ở châu Âu hay ở Mỹ trong tương lai gần, tuy nhiên anh cũng cho rằng “tôi phải quay lai Mexico, nếu mọi chuyện ở đó trở nên tốt đẹp hơn”.