Bước ra từ một trang mạng xã hội, các thành viên trong nhóm Đình làng Việt đang nỗ lực hết mình để đưa những nét đẹp xưa trở về với đời sống hiện đại.

Ông Nguyễn Đức Bình chụp tại đình Trùng Hạ (Ninh Bình) trước khi đình bị sơn phủ toàn bộ màu đỏ và vàng như hiện nay. Ảnh: Nguyễn Đức Bình
Ông Nguyễn Đức Bình chụp tại đình Trùng Hạ (Ninh Bình) trước khi đình bị sơn phủ toàn bộ màu đỏ và vàng như hiện nay. Ảnh: Nguyễn Đức Bình

Đánh thức tình yêu di sản

“Đình Trùng Hạ vừa mới được sơn phủ toàn bộ màu đỏ và vàng bằng sơn công nghiệp. Những nét chạm khắc tinh tế thể hiện trình độ thẩm mỹ và tài hoa của nghệ nhân từ thế kỷ XVII đã mất hết rồi.” – TS. Nguyễn Đức Bình, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, đồng thời là chủ nhiệm nhóm Đình làng Việt, chia sẻ trong sự tiếc nuối.

Bắt đầu từ thông tin của một thành viên trong nhóm trong lần đi điền dã ở đình Trùng Hạ, xã Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình, mọi người trong nhóm Đình làng Việt đã nhận ra loại sơn được sử dụng là sơn công nghiệp – không phù hợp trong công tác tu bổ di tích. Dù đã ‘kêu cứu’ trên khắp các diễn đàn yêu di sản, nhưng việc tu bổ vẫn tiếp tục. Và cuối cùng thì ngôi đình được xếp hạng là di tích Quốc gia với giá trị đặc sắc trong nghệ thuật chạm lông từ thời Lê Trung Hưng – nay được phủ lên mình một lớp màu bóng bẩy. Những nét chạm trổ li ti, nét khắc mảnh giờ đây ẩn mình dưới lớp sơn công nghiệp, không còn nhìn thấy được nữa. Nói cách khác, toàn bộ các cấu kiện gỗ chạm trổ tinh xảo nay đã bị những lớp sơn này phủ lên. “Giá trị của đình này là gì? Giá trị của nó khi được đánh giá thẩm định để trình các cơ quan di tích quốc gia là gì? Chính là đường chạm khắc trên kiến trúc. Vậy thì bây giờ giá trị đó còn không? Đối với dân mỹ thuật chúng tôi, nó mất rồi.”

Và đây cũng không phải là lần ‘kêu cứu’ đầu tiên. Từ đình Phú Mỹ, (Hà Nội); đình Văn Xá (Hà Nam) và giờ đây là đình Trùng Thượng và đình Trùng Hạ (Ninh Bình)… đều bị tu sửa theo kiểu hủy hoại, gây biến dạng bề mặt. Chứng kiến những điều này, ông Bình cho rằng đây là hành động “biến những điều không thể thành có thể”, dường như “muốn khỏa lấp đi các giá trị thẩm mỹ mà bao đời nay đã tạo dựng và lưu truyền”. Trong những lần ‘kêu cứu’ ấy, đều có sự hỗ trợ và giúp sức tích cực từ các thành viên trong nhóm Đình làng Việt.

Với ông Bình và các thành viên trong nhóm, đình làng là một chốn thiêng liêng, lưu giữ những nét đặc sắc của văn hóa người Việt. Nhưng vào những ngày đầu khi thành lập nhóm, bản thân họ hầu hết cũng không nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ có thể góp sức vào ‘cuộc chiến’ bảo vệ di sản – một công việc nghe rất to tát, dường như chỉ có những nhà nghiên cứu lão làng mới làm được. Năm 2014, khi ông Nguyễn Đức Bình lập ra nhóm “Đình làng Việt” trên Facebook, đây là không gian để những người yêu văn hóa truyền thống cùng nhau thảo luận, lan tỏa những giá trị của đình làng Việt Nam. Thành viên của nhóm thuộc nhiều thành phần trong xã hội, với những nghề nghiệp khác nhau như họa sỹ, kiến trúc sư, nhà báo, kỹ sư,… và có cả những người làm trong ngành công tác quản lý di sản. Tất cả mọi người đều có chung một mối quan tâm dành cho di sản, nét đẹp văn hóa đình làng. Ban đầu, nhóm chỉ xoay quanh việc chia sẻ hình ảnh đẹp, thông tin về các ngôi đình cổ trong cả nước, các bài viết về đình làng, chứ chưa nghĩ đến việc sẽ bước ra khỏi Facebook để cùng nhau làm một cuộc ‘cách mạng’ bảo vệ đình làng.


Mọi người thường bỏ tiền ra để trùng tu chùa, đền, chứ chẳng mấy ai bỏ tiền túi ra để tu bổ đình làng cả. Nhưng thật ra, giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc của đình làng lại có những điểm nổi trội hơn đền chùa, và đình làng có đặc trưng riêng của nó.

TS. Nguyễn Đức Bình


Thời điểm đó, Công văn số 2662/BVHTTDL – MTNATL ngày 8/8/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam được ban hành khởi đầu cho cuộc ‘cách mạng’ loại bỏ các sản phẩm ngoại lai, không phù hợp giá trị văn hóa Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Bình cùng một thành viên của nhóm là TS. Trần Hậu Yên Thế, lúc bấy giờ phát hiện ra đình Hồi Quan, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) có bày biện sư tử đá – vốn không phải là linh vật của di tích. Trước sự việc này, các thành viên của nhóm đã đến để trình bày với đại diện chính quyền, các bậc cao niên để có được sự đồng thuận, cho phép di dời linh vật ngoại lai. “Lúc đấy, bọn mình vận động, kêu gọi mọi người đóng góp để có tiền thuê xe cẩu đến. Và việc vận động này không phải với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, mà chỉ mang tính chất hội nhóm hưởng ứng công văn thôi.” – Ông Bình nhớ lại.

Chính nhờ sự kiện này, ông Nguyễn Đức Bình nhận ra rằng nhóm Đình làng Việt có thể cùng nhau “làm lành mạnh môi trường thẩm mỹ”, chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc cùng nhau thảo luận, chia sẻ kiến thức.

Từ 2014 đến nay, số lượng thành viên của nhóm đã lên đến 16.000 người. “Bọn mình có kênh thông tin từ các thành viên ở mỗi địa phương”, nếu có sai phạm nào trong tu bổ di tích, những thành viên trong nhóm đồng thời cũng là các nhà nghiên cứu như TS. Trần Hậu Yên Thế, TS. Trần Trọng Dương, Nguyễn Hoài Nam… sẽ xác minh để phản ánh lên cơ quan quản lý nhà nước qua kênh truyền thông, báo chí, hoặc liên hệ trực tiếp. Nhờ đó, nhiều ngôi đình đẹp, có giá trị lịch sử đã được các thành viên trong nhóm phát hiện và bảo vệ kịp thời. Thông qua những hoạt động điền dã, giám định niên đại, phân tích phương án trùng tu, tôn tạo di tích,… trên tinh thần học thuật mà ngày càng nhiều người biết đến nhóm hơn, cũng như hiểu hơn về di sản văn hóa Việt Nam.

Đưa nghệ thuật dân gian trở về với đình làng

Thế nhưng, không dừng lại ở những ngôi đình, những di sản kiến trúc, nhóm Đình làng Việt còn nỗ lực tham gia nhiều hoạt động văn hóa, xã hội khác liên quan đến di sản như: tổ chức chương trình biểu diễn ca trù, hát xẩm, tái hiện không gian Tết Việt xưa tại đình So, khôi phục áo dài nam….

“Một số người hỏi vì sao Đình làng Việt mà lại quan tâm đến diễn xướng dân gian, phong tục tập quán. Thật ra, với tụi mình, tất cả những cái đấy đều liên quan đến nhau.” Với ông Bình, đặc trưng của đình làng không chỉ nằm ở những chi tiết chạm khắc gỗ tinh xảo trên kiến trúc của nó, mà còn nằm ở những hoạt động văn hóa diễn ra dưới mái đình.

Lấy ngôi đình làm trung tâm, nhóm Đình làng Việt là nơi những người yêu di sản muốn bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thông có thể chung tay lưu giữ và khôi phục lại tất cả những nét đẹp ấy. “Nghệ thuật dân gian mình xuất phát từ đình làng là chính. Người ta ra đình để hát quan họ, hát xẩm…, hệt như một nhà hát. Cái đình là nơi gắn kết cộng đồng, mọi người có thể ra giếng rửa rau vo gạo rồi ‘choảng’ nhau ở đấy, nhưng ra đình thì không bao giờ.” – Ông Nguyễn Đức Bình chia sẻ.

Để đưa những sinh hoạt văn hóa cộng đồng xưa trở về với đời sống hiện đại, nhóm Đình Làng Việt đã phối hợp với các sở ban ngành để tổ chức “Tết phố” tại đình Kim Ngân. Những hoạt động sắp mâm lễ, dâng cúng lễ vật đặc trưng, rước lễ trong trang phục truyền thống, lễ cáo yết Thành hoàng đều được tái hiện lại. Với các thành viên trong nhóm, thời khắc ý nghĩa nhất là khi cây nêu ở đình được dựng lên. “Ngoài ý nghĩa trừ ma quỷ trong ngày Tết, thì cây nêu còn mang ước vọng về sự sum vầy. Bởi tụi mình mong muốn mọi người, cộng đồng trong thời khắc ấy sẽ đến để chứng kiến cảnh tượng mùa xuân đến, bởi cây nêu dựng lên thì tức là mùa xuân đã đến rồi.”

Nhưng “Tết phố” không chỉ là một dịp để mang không khí xuân đến sân đình, đó còn là một câu chuyện lớn hơn trong bức tranh làm ‘sống’ lại các hình thức diễn xướng dân gian – điều mà các thành viên trong nhóm luôn hướng đến. Trước đó, trong một lần tình cờ, ông Bình biết được ở Hải Phòng có một nhóm nghệ nhân hát cửa đình đang gặp khó khăn về mặt kinh phí, ngoài ra còn có một giáo phường ca trù đã xin được kinh phí để phục dựng, nhưng lại đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm môi trường diễn xướng.


Nghệ thuật dân gian của Việt Nam xuất phát từ đình làng là chính. Người ta ra đình để hát quan họ, hát xẩm…, hệt như một nhà hát. Cái đình là nơi gắn kết cộng đồng, mọi người có thể ra giếng rửa rau vo gạo rồi ‘choảng’ nhau ở đấy, nhưng ra đình thì không bao giờ.

TS. Nguyễn Đức Bình


“Thật ra những năm đấy Bộ Văn hóa có xu hướng phát huy nghệ thuật dân gian, nhưng lại ở sân khấu Nhà hát Lớn”, trong khi quan điểm của nhóm lại khác. “Bọn mình muốn phát huy, quảng bá nghệ thuật dân gian ở chính không gian nó sinh ra” tức là phải ở đình làng. Là một nhóm hoạt động dựa trên sự đóng góp tự nguyện của các thành viên, mọi người trong nhóm ngoài việc động viên nhau về tình cảm và chuyên môn, chỉ có thể tổ chức một số buổi biểu diễn để “họ không cảm thấy bị bỏ rơi”, chứ không biết làm cách nào để giúp “làm sống lại” những nghệ thuật dân gian này. Thế rồi ông Bình nhận ra, “diễn xướng dân gian mà diễn trong một dịp như Tết – lễ hội của làng thì quá phù hợp rồi”, và thế là những năm sau ông đã mời cả giáo phường ca trù, cửa đình Hải Phòng về diễn trong sự kiện “Tết phố” hằng năm.

Buổi biểu diễn hát Chèo tại đình So (Quốc Oai, Hà Nội) do nhóm Đình làng Việt tổ chức. Ảnh: Phan Huy
Buổi biểu diễn hát Chèo tại đình So (Quốc Oai, Hà Nội) do nhóm Đình làng Việt tổ chức. Ảnh: Phan Huy

Ngoài ra, các thành viên còn thành lập một giáo phường mang tên Đình làng Việt với các bạn sinh viên được bồi dưỡng để diễn một số lớp chèo tại sân đình. “Bọn mình đi diễn thử ở nhiều sân đình, mọi người thích lắm. Chỉ tiếc là giáo phường đấy về sau không duy trì được, vì bọn mình cũng không có kinh phí”. Nhưng những hoạt động ấy đã đặt những viên gạch đầu tiên, để từ đấy nhóm Đình làng Việt đã tìm và tiếp xúc với nhiều giáo phường trong cả nước hơn. Và trong dịp lễ “Tết phố” vừa qua, tại đình Kim Ngân, khách tham quan và người dân đã có cơ hội thưởng thức diễn xướng dân gian, từ hát, múa cửa đình (Hải Phòng), hát Xoan (Phú Thọ), đến múa bồng (Hà Nội), hát Chèo, hát Văn…

“Bọn mình thường nói: ‘Của dân gian trả về cho dân gian’. Nghĩa là những gì sinh ra thì phải đưa về đúng môi trường của nó thì mới phát huy hiệu quả. Nhìn những gia đình bốn thế hệ cùng ngồi trên manh chiếu, lắng nghe hát cửa đình đầy thích thú, cả nhóm tin rằng bản thân đã đi đúng hướng trong việc lưu giữ và phát huy nghệ thuật dân gian. Chỉ có điều là mình không có gì để nuôi dưỡng nó lâu dài.” – ông Nguyễn Đức Bình thừa nhận.

Cần sự đồng hành

Cho đến hiện tại, kinh phí hoạt động của cả nhóm vẫn theo kiểu “có vụ nào thì hô hào đóng góp cá nhân vụ đấy”. Nhận thức được rằng đây không phải là hướng hoạt động lâu dài, các thành viên trong nhóm đã nghĩ đến việc liên kết với các cơ quan, hội nhóm khác để có tư cách pháp nhân, từ đó xin kinh phí từ các tổ chức để chi trả cho những khoản cần thiết, đồng thời hỗ trợ cho các dự án khôi phục di sản như phục dựng các chiếu chèo tại sân đình, những canh hát cửa đình phục vụ cộng đồng

Nhưng điều mà nhóm Đình làng Việt, cũng như cá nhân ông Nguyễn Đức Bình trăn trở nhiều nhất, vẫn là làm sao để tiếng nói của mình được chính quyền, ban quản lý di tích chú ý và lắng nghe nhiều hơn. Ông Bình cũng khẳng định rằng dù là một nhóm hoạt động Facebook trên tinh thần tự nguyện, nhưng Đình làng Việt không hề xa rời các cơ quan quản lý, và cả nhóm luôn sẵn sàng hỗ trợ khi cần.

“Chỗ nào có vấn đề, bọn mình sẽ lập tức báo cáo với các sở văn hóa, nhưng nhiều khi họ không lắng nghe, lúc đấy thì mình phải nhờ báo chí, truyền thông vào cuộc. Đôi khi phải tác động rất nhiều, thậm chí là đưa truyền hình đến tận nơi để làm phỏng vấn” – ông Nguyễn Đức Bình cho biết, “Thật ra mình cũng không muốn làm thế đâu, nhưng đành chịu, làm gì cũng phải có minh chứng rõ ràng thì người ta mới tin, chứ đâu nói suông được.”

Và với ông, mỗi một sai phạm về tu bổ di tích xảy ra, là lại thêm nhiều câu hỏi được đặt ra mà không nhận được câu trả lời. Vụ việc lần này ở đình Trùng Hạ (Ninh Bình) lại khiến ông và các thành viên trong nhóm thêm trăn trở về sự bất cập trong công tác quản lý hiện nay.

Khi được hỏi về dự định sắp tới, ông Bình cho biết nhóm sẽ cùng nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng xuất bản sách “Đình làng Việt” viết về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc, mỹ thuật của đình làng trong năm nay, “Có nhiều việc để làm lắm, nhưng làm sao làm hết được, phải có sự hỗ trợ của chính quyền cũng như tất cả mọi người. Thật ra, khi làm công việc này thì mình bị nhiều người ghét, nhưng cũng đành chịu vì mình không làm sai. Mình sẵn sàng chịu thiệt về bản thân, vì với mình, cái gì đúng thì nó phải đúng, vì đây là di sản, là văn hóa, chứ không phải là chuyện đơn giản để có thể cho qua được.”