Nguồn lực nhìn thấy từ trong trường Đại học Bách khoa Hà Nội vô cùng lớn, nhưng để nói về khởi nghiệp hoặc chuyển giao công nghệ, thì đây vẫn là câu chuyện tháp đáy tù mà đỉnh quá nhọn.
Theo kinh nghiệm quốc tế, trường đại học có thể đóng vai trò quan trọng ươm mầm cho các dự án công nghệ mới, và việc tạo ra doanh nghiệp dựa trên cơ sở nghiên cứu từ trường đại học đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách đổi mới sáng tạo của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, khi kể đến mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, người ta hay nhắc đến cái tên BK Holdings. Đây là mô hình doanh nghiệp đầu tiên được phép thành lập tại một trường ĐH công lập Việt Nam cách đây hơn 10 năm, trực thuộc trường ĐH Bách khoa Hà Nội - ngôi trường nổi tiếng đào tạo khối ngành kỹ thuật, khoa học, công nghệ và là một trong những trung tâm nghiên cứu dẫn đầu cả nước.
Vườn ươm BK Holdings Incubator là một trong 3 lĩnh vực chính thuộc hệ thống của BK Holdings, phụ trách các vấn đề về ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhằm tìm hiểu thêm hoạt động của vườn ươm công lập, phóng viên Báo Khoa học và Phát triển đã có buổi trao đổi với anh Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc vườn ươm BK Holdings, trong khuôn khổ chương trình “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” của Đề án 844 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ươm tạo doanh nghiệp đến nay vẫn là điều mới mẻ với nhiều trường đại học ở Việt Nam. Anh có thể cho biết lý do tại sao có một vườn ươm ngay trong trường Đại học Bách khoa?
Về cơ bản, những trường đại học lớn như Bách khoa có các nguồn lực và tài nguyên dồi dào. Hàng năm, trường thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu, đề tài hợp tác với doanh nghiệp bên ngoài, nghiên cứu khoa học của sinh viên, và hàng chục sản phẩm mẫu (prototype) thuộc nhiều lĩnh vực. Chúng tôi cũng có đội ngũ hàng nghìn giảng viên và sinh viên, từ đó nảy sinh ra rất nhiều ý tưởng tốt có khả năng giải quyết các vấn đề xã hội. Nhưng từ mẫu vật ở phòng thí nghiệm đến việc chuyển giao sang sản xuất ở quy mô công nghiệp đòi hỏi nhiều năm tháng, công sức, tiền bạc, hợp tác với doanh nghiệm mà vẫn chưa chắc liệu thị trường có chấp nhận và hấp thụ không. Chính bởi vậy, chúng tôi phải tạo nên một môi trường ươm tạo phù hợp để giúp đỡ các nhóm thương mại hoá công nghệ.
Trong 5 năm đầu tiên hoạt động, việc hỗ trợ của BK Holdings vẫn chủ yếu theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Nhưng từ 5 năm trở lại đây, chúng tôi xây dựng được những chương trình ươm tạo bài bản và chuyên nghiệp hơn, một phần nhờ việc tham gia thực hiện Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Dịch vụ của vườn ươm vừa dành cho các hoạt động sáng tạo công nghệ trong phạm vi trường ĐH Bách khoa, vừa mở ra hỗ trợ cho khởi nghiệp bên ngoài trường. Ở Hà Nội cũng đã có khá nhiều trường triển khai mô hình vườn ươm của mình như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Nông nghiệp, ĐH Kinh tế quốc dân…Chưa kể đến các trường ở khu vực Hồ Chí Minh hoặc một số tỉnh khác.
Được biết hầu hết các vườn ươm hiện có là công lập, còn các tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp khác thường đa số của tư nhân. Anh thấy có những lợi thế và khác biệt gì giữa hai bên?
Tư nhân rất nhanh nhạy, họ sẽ đến những nơi tiềm năng nhất để tham gia. Các vườn ươm tư nhân hoặc tổ chức thúc đẩy kinh doanh tư nhân có thể chọn những nhóm bộc lộ tiềm năng sớm, có thể gọi vốn sớm để hỗ trợ. Nhưng số lượng các nhóm xuất sắc như vậy rất ít.
Còn các chương trình của nhà nước sẽ thúc đẩy mang tính đồng đều hơn, hướng tới tất cả các nhóm, từ giai đoạn ý tưởng, hạt giống, chưa có gì cả. Những việc ban đầu như xây dựng nền tảng nhận thức, nâng cao văn hoá xã hội về khởi nghiệp, xây dựng năng lực cho các nhà cố vấn, nhà đầu tư,… rất hiếm khi tư nhân muốn làm vì khó thu được lợi nhuận trong ngắn hạn, do đó nhà nước phải xắn tay vào hỗ trợ.
Các vườn ươm trường đại học giống như chạy marathon đường dài. Không chỉ hỗ trợ để có thể hình thành những nhóm khởi nghiệp từ giai đoạn sơ khai mà còn thực hiện cả việc nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và văn hoá khởi nghiệp trong trường đại học.
Vườn ươm của BK Holdings có hai đối tượng, một là các cán bộ nghiên cứu, hai là sinh viên. Với nhóm thứ nhất, mục đích là cố gắng tối đa để thương mại hóa các kết quả tạo thành. Còn với nhóm thứ hai, khó có thể lấy số lượng ý tưởng hay công ty khởi nghiệp để đánh giá, bởi hầu hết sinh viên đều cần bổ sung các yếu tố cơ bản để khởi nghiệp như vốn tài chính, vốn xã hội, vốn lãnh đạo… Thứ các bạn dồi dào là sự nhiệt tình và sáng tạo. Vai trò lớn của vườn ươm đối với các em sinh viên là giúp nâng cao nhận thức, văn hóa khởi nghiệp và kiến thức cơ bản. Sẽ có những người sau này đi làm, tham gia vào môi trường doanh nghiệp, tích lũy được nguồn lực và có thể quay lại khởi nghiệp, tạo ra được những công ty có giá trị. Đôi khi, câu chuyện ươm tạo ở các trường đại học không hẳn là ươm tạo doanh nghiệp mà là ươm tạo những người sáng lập doanh nghiệp.
Hiện nay tinh thần đổi mới sáng tạo trong sinh viên hiện nay khá sôi động, đặc biệt những cuộc thi như sáng tạo trẻ của Bách khoa. Đây hẳn là nguồn đầu vào dồi dào cho vườn ươm?
Trường ĐH Bách khoa đã tổ chức những cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên từ khoảng 7 năm (từ 2013), ban đầu chỉ là cuộc thi đơn thuần, diễn ra trong thời gian ngắn, xem ai viết hay, thuyết trình tốt. Từ 4 năm gần đây, các cuộc thi đã mang dáng dấp ươm tạo, thường kéo dài vài tháng, có đào tạo, tập huấn, có người cố vấn (mentor), có cơ hội tiếp xúc doanh nghiệp công nghệ, nhà đầu tư và một chút vốn mồi. Các cuộc thi đem đến những ý tưởng và cả sản phẩm tương đối tốt, ví dụ hệ thống quét 3D cho vật khích thước nhỏ; hoặc đề án in mô xương dùng trong y tế; hay đề án khử màu cho nước thải công nghiệp dùng ánh sáng mặt trời; hay phần mềm nhận diện khuôn mặt thử nghiệm trên chuỗi siêu thị…
Tuy nhiên, từ ý tưởng tham dự cuộc thi cho đến khi trở thành công ty có thể thương mại hóa được là một chặng đường rất nan giải. Ở Bách khoa, tỷ lệ ươm tạo thành công đối với sinh viên chỉ là phần nghìn. Hình dung, một năm trường có 6000 - 7000 sinh viên mới góp vào tổng số khoảng 35.000 sinh viên, cuộc thi Sáng tạo trẻ thu hút được gần 100 nhóm tham dự, chọn ra 10 nhóm vào chung kết, các nhóm sẽ được tài trợ vốn mồi khoảng 20 triệu để biến ý tưởng thành sản phẩm mẫu hoặc nâng cấp sản phẩm mẫu. Sau cuộc thi chỉ còn một tỷ lệ nhỏ khoảng 5 nhóm đeo đuổi tiếp ý tưởng. Các nhóm sẽ được hỗ trợ gặp gỡ các doanh nghiệp, cố vấn, nhà đầu tư liên quan. Nhưng để có được nhà đầu tư hay doanh nghiệp đồng hành thì chỉ còn 2 nhóm, còn để thành công ty thì phải vượt qua nhiều khó khăn nữa.
Sự quan tâm của sinh viên về khởi nghiệp đang được cải thiện, nhưng từ nhận thức thành hành động, từ hành động thành dự án, từ dự án thành công ty thì tỷ lệ vẫn đang thấp. Sau 10 năm chúng tôi mới chỉ ươm tạo được 9 doanh nghiệp từ trường ĐH Bách khoa (không tính đến các doanh nghiệp ươm tạo từ ngoài trường). Đó là con số cao so với các trường đại học khác, nhưng so với tiềm năng to lớn của ĐH Bách khoa thì vẫn cực kì ít ỏi, giống như một hình tháp đáy tù đỉnh nhọn vậy. Chúng tôi muốn chạm sâu hơn vào nguồn lực tiềm năng của trường.
Vậy còn các công ty spin-off? Hằng năm trường ĐH Bách khoa có hơn 300 đề tài nghiên cứu của các thầy cô và chắc hẳn trong số đó có thể hình thành nên một vài doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này có tham gia vườn ươm hay vào hệ thống của BK Holdings không?
Trường ĐH Bách khoa có nguồn chất xám khổng lồ nhưng mới chỉ thương mại hóa được một phần nhỏ bé. Có hai lý do nếu các nhóm hoặc doanh nghiệp – thường do các thầy cô lập nên - không đi qua vườn ươm. Thứ nhất vì năng lực của vườn ươm còn hạn chế. Ví dụ như truyền thông chưa tới nơi khiến họ không biết tới, hoặc nếu biết thì để họ lựa chọn, mình phải làm tốt hơn họ tự làm. Hiện nay vườn ươm đang cố gắng cải thiện một loạt dịch vụ của mình, từ đào tạo, hội thảo, kết nối thị trường, tư vấn thành lập doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, gọi vốn mạo hiểm, cung cấp không gian làm việc chung. Chúng tôi cũng có kế hoạch đầu tư thêm phòng thí nghiệm dạng fablab, Innovation Lab để thương mại hóa sản phẩm (khác với các phòng thí nghiệm để nghiên cứu). Trong tương lai sẽ hình thành thêm quỹ đầu tư mạo hiểm.
Thứ hai là việc quản lý, phát triển tài sản trí tuệ chưa thật hiệu quả, khiến cho một số người làm nghiên cứu trong trường phải chọn lối đi “tiểu ngạch” phải tự triển khai thương mại hoá bên ngoài trường. Họ có thể ngại những vấn đề như thủ tục hành chính, giảm chủ động, tự chủ, Việc lập công ty trong trường đại học công lập cũng đang chờ những văn bản hướng dẫn cụ thể (sau Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018).
Với việc ươm tạo từ giai đoạn đầu, số lượng doanh nghiệp ít, chưa có lợi nhuận, nhiều rủi ro thì liệu vườn ươm công lập như anh có đủ kinh phí để duy trì?
Nguồn thu của vườn ươm rất nhỏ, việc duy trì chủ yếu vẫn do nguồn lực khác của BK-Holdings và Trường Bách Khoa hỗ trợ, cộng thêm một phần hỗ trợ từ các chương trình của nhà nước như đề án 844, đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; sang năm còn có thể từ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố Hà Nội. Còn với vườn ươm mới được thành lập của các trường thì bản thân trường sẽ phải tự cân đối ngân sách, tham gia các đề án, vận động thêm từ các nguồn tài trợ, doanh nghiệp, cựu sinh viên…
Tôi cho rằng nhà nước nên dành nhiều nguồn lực (tiền bạc và cơ sở vật chất) hơn nữa cho trường đại học để phát triển các vườn ươm mạnh trong lĩnh vực ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp. Hỗ trợ vật chất của nhà nước rất quan trọng, nhất là ở giai đoạn đầu khi hệ sinh thái còn non trẻ, các mô hình tư nhân chưa đủ sức định hình xu hướng, dẫn dắt thị trường.
Bên cạnh đó, chính sách hiện nay tương đối cởi mở với khởi nghiệp, nhưng hi vọng Luật Giáo dục sửa đổi sớm có thêm văn bản hướng dẫn triển khai để các trường đại học công lập có thể chủ động hơn trong việc ươm tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!