Nhiều quy định mới, khắt khe về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong EVFTA, không chỉ đặt các cơ quan quản lý trước yêu cầu phải rà soát hệ thống quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ mà còn đặt doanh nghiệp trước tình thế phải chuẩn bị để tránh lúng túng, mặt khác chủ động nắm lấy những lợi ích mà “tấm giấy thông hành vào thị trường EU mang lại”.

Các nhà quản lý trả lời hỏi đáp một số thông tin về các cam kết sở hữu trí tuệ trong EVFTA. Cả ông Lê Ngọc Lâm và bà Nguyễn Thị Thu Trang đều cho biết, đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo về sở hữu trí tuệ nói chung và các quy định mới trong CPTPP và EVFTA nhưng không nhiều doanh nghiệp quan tâm, hầu như doanh nghiệp chỉ hỏi khi “gặp sự cố”. Ảnh: Bảo Như.
Các nhà quản lý trả lời hỏi đáp một số thông tin về các cam kết sở hữu trí tuệ trong EVFTA. Cả ông Lê Ngọc Lâm và bà Nguyễn Thị Thu Trang đều cho biết, đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo về sở hữu trí tuệ nói chung và các quy định mới trong CPTPP và EVFTA nhưng không nhiều doanh nghiệp quan tâm, hầu như doanh nghiệp chỉ hỏi khi “gặp sự cố”. Ảnh: Bảo Như.

Nhà quản lý thị trường cũng còn bỡ ngỡ

Hiện nay ở Việt Nam, tên gọi rượu “Champagne” vẫn thường được sử dụng như một tên gọi chung của loại rượu sâm – panh (vang sủi bọt), dẫn đến việc ngay cả nhà sản xuất trong nước cũng hầu như không chú ý mà sử dụng tên này cho loại rượu mình bán ra. Nhưng thực chất, cái tên “Champagne” là một chỉ dẫn địa lý ở Pháp, được EU bảo hộ từ lâu. Và theo các điều khoản về sở hữu trí tuệ đã được ký kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ được phép dùng tên gọi này (kể cả phiên âm) trong vòng 10 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực. Sau đó, chúng ta phải sử dụng tên khác cho sản phẩm vang sủi bọt mà lâu nay vẫn được gọi là sâm – panh trên thị trường Việt Nam.

Thông tin trên do ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đưa ra trong Hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - Các cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý” do Bộ KH&CN và Bộ Công thương đồng tổ chức ngày 27/8 đã khiến ngay cả những người đang giám sát việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ như ngành quản lý thị trường “cũng rất bất ngờ”. “Hôm nay đến đây nghe anh Lâm nói, tôi mới biết là 10 năm nữa không được dùng từ sâm-panh. Rồi làm sao để hàng nghìn cán bộ quản lý thị trường nắm được, rồi các hộ kinh doanh rượu biết rõ quy định này và tuân thủ nữa”, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương nói.

Câu chuyện về rượu Champagne trên cho thấy, để hiểu hết và thực thi được các cam kết về sở hữu trí tuệ không hề đơn giản, như ông Trần Hữu Linh cũng phải thừa nhận “chúng tôi cũng lo, vì [quy định mới về sở hữu trí tuệ trong EVFTA] bao la bát ngát như vậy”. Nhìn chung, các cam kết sở hữu trí tuệ vừa mang lại cơ hội như giúp doanh nghiệp hưởng mức bảo hộ cao hơn với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo (chẳng hạn 39 chỉ dẫn địa lý nông sản Việt Nam đương nhiên được hưởng bảo hộ tại EU sau đàm phán). Tuy nhiên, các cơ chế thực thi rất nghiêm khắc buộc các cơ quan quản lý phải rà soát chính sách kỹ lưỡng, các doanh nghiệp/ tổ chức ở Việt Nam phải tìm hiểu rõ, nếu không thì sẽ chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là có thể vướng vào tranh chấp, kiện tụng.

Hiện nay kết quả rà soát cho thấy, pháp luật Việt Nam đã khá tương thích với đa số các quy định trong EVFTA về sở hữu trí tuệ trong tất cả các nhóm cam kết, từ cam kết chung về quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ tới các tiêu chuẩn bảo hộ, cũng như các yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới. Tuy nhiên, vẫn còn 4 cam kết mà Việt Nam chưa tuân thủ, bao gồm: Quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; Quy trình và cách thức bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU; Cam kết bù đắp thời hạn bảo hộ sáng chế dược phẩm cho những người chậm trễ trong cấp phép lưu hành; và Nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trên tác phẩm. Đây là các vấn đề pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận mà tới đây sẽ phải được thảo luận và đưa ra lộ trình sửa đổi quy định hiện này, cũng như đưa ra các quy định chi tiết. Tới đây, Cục Sở hữu trí tuệ cũng sẽ in các ấn phẩm diễn giải chi tiết về cam kết sở hữu trí tuệ trong EVFTA để các doanh nghiệp, hiệp hội và người dân nắm được.

Thờ ơ sẽ chịu thiệt

Nội dung về sở hữu trí tuệ là khó đàm phán nhất (và cũng có dung lượng lớn nhất) trong EVFTA, bởi EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm sở hữu trí tuệ hàng đầu thế giới và có nhu cầu tăng cường bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, trong khi Việt Nam – với đặc thù nước đang phát triển chỉ sở hữu một lượng rất ít các sản phẩm sở hữu trí tuệ so với EU và lại rất cần không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận với các công nghệ, sản phẩm sở hữu trí tuệ với chi phí thấp nhất có thể. Chính vì thế, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nhận định: “Khác với cam kết mở cửa thị trường - có thể khẳng định ngay tác động tốt, thì sở hữu trí tuệ là nhóm cam kết hiếm hoi mà không thể nói ngay tác động là tốt hay không tốt tới doanh nghiệp và người dân”.

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, trong khi nhóm chủ thể quyền rất có lợi, vì tất cả các cam kết đều tăng mức độ bảo hộ quyền, còn nhóm doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng sản phẩm (ở Việt Nam chủ yếu là nhóm này) được bảo hộ về sở hữu trí tuệ không được hưởng lợi mà lại chịu tác động lớn: tăng chi phí mua sản phẩm, giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ (nếu tăng cường bảo hộ thì thời gian hết hạn bảo hộ lâu hơn), rủi ro vi phạm tăng lên. Thậm chí, với bộ luật hình sự mới, không chỉ các cá nhân, mà các pháp nhân cũng có thể bị xử lý hình sự nếu vi phạm các nội dung được bảo hộ này.

Trong khi đó, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, “văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn rất yếu”, theo ông Lê Ngọc Lâm. Minh chứng cho điều đó, ông Trần Hữu Linh đưa ra con số 30.000 vụ xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ một năm, “nhưng đó mới chỉ là phần nổi, tính sơ sơ thôi, chứ nếu làm gắt gao hơn thì còn nhiều nữa”. Trong các chợ, cửa hàng, hàng nhái hàng giả các thương hiệu nổi tiếng của EU vẫn bày bán công khai, hàng nghìn balo Northface bán đầy bờ hồ Hoàn Kiếm. Việc sử dụng các phần mềm không có bản quyền vẫn phổ biến trong cả nước, thậm chí nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn không nghĩ đó là vi phạm bản quyền.

Không chỉ doanh nghiệp/ cá nhân sử dụng tài sản trí tuệ “thờ ơ” với các quy định cả cũ của Việt Nam từ trước tới nay cũng như EVFTA mới đây, mà ngay cả các đơn vị được bảo hộ quyền cũng chưa có ý thức rõ ràng về quyền của mình và tìm cách “tận dụng” các quy định có lợi trong EVFTA. Chẳng hạn, nông sản Việt Nam có thuận lợi rất lớn, khi được cấp tấm “giấy thông hành vào EU” - là 39 chỉ dẫn địa lý nông sản “nghiễm nhiên” được bảo hộ ở EU sau đàm phán EVFTA, mà theo bà Nguyễn Thị Thu Trang và ông Lê Ngọc Lâm là “vui mừng không hết”, vì thông thường đàm phán để được công nhận chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài rất phức tạp và mất thời gian. “Nhưng tuần vừa rồi tôi đi khảo sát ở một số tỉnh Tây Bắc thì thấy người dân chưa quan tâm, họ nói ‘chúng tôi chưa bán hàng sang EU’”, bà Thu Trang nói.

Mặt khác, bà Thu Trang lưu ý, đối với các chỉ dẫn địa lý nông sản, thì chủ thể quyền là cộng đồng, phần lớn là cư dân nông thôn – đa phần không có đủ kỹ năng, nguồn lực và sự quan tâm để xúc tiến thương mại sang thị trường EU hoặc quảng bá thương hiệu. Vì vậy, các chủ thể này cần được Hiệp hội có liên quan, các cơ quan quản lý tại các tỉnh, hệ thống các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài của Bộ Công thương hỗ trợ tiếp cận thị trường nước ngoài.