Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh và Creative HQ, cơ quan thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo của New Zealand, vừa ký kết Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực phát triển sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp, theo đó hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ việc phát triển khung pháp lý nhằm khuyến khích các mô hình công-tư trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo.

Ảnh: PV
Ảnh: PV

Creative HQ sẽ chia sẻ các mô hình kinh nghiệm thành công của New Zealand – quốc gia hiện đang đứng ở vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất để khởi nghiệp của Ngân hàng Thế giới – để hỗ trợ việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của TP Hồ Chí Minh. Các cán bộ và các chuyên gia về khởi nghiệp sáng tạo của TP Hồ Chí Minh cũng sẽ được tham gia các chương trình nâng cao năng lực về các phương pháp đổi mới sáng tạo mới nhất, cách thức thiết kế dịch vụ và ứng dụng trong việc nâng cao chất lượng của các dịch vụ và quy trình công.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của việc hợp tác, là sự chuyển giao các mô hình hoạt động mà New Zealand đã tạo ra và thử nghiệm thành công. Đó là mô hình hợp tác công tư (PPP) trong hỗ trợ khởi nghiệp cũng như thương mại hoá các công trình nghiên cứu từ trường đại học và cơ sở nghiên cứu. Đây cũng là hai trọng tâm mà ngành khoa học công nghệ TP.HCM đang hướng tới khi thực hiện Trung tâm Đổi mới Sáng tạo TP.HCM.

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Bà Wendy Matthews khẳng định sẽ tăng cường hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp và sáng tạo: “Người dân New Zealand có truyền thống kết hợp những sáng kiến đổi mới sáng tạo cùng các giải pháp mang tính thực tiễn. Tôi rất hài lòng khi các sản phẩm và dịch vụ về đổi mới sáng tạo và công nghệ cao cũng đang đóng vai trò xây dựng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương giữa New Zealand và Việt Nam”.

Kinh nghiệm hợp tác công tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo của New Zealand

Tinh thần khởi nghiệp từ nhiều thập kỷ qua đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế New Zealand, vốn được cấu thành chủ yếu bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 97% các doanh nghiệp của New Zealand có ít hơn 19 nhân viên. Chi phí kinh doanh tại New Zealand thật sự rẻ, không có nhiều chi phí “giao dịch.” Thủ tục thành lập doanh nghiệp khá dễ dàng, đồng thời đây là quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới. Chính phủ đánh thuế không quá cao, và đưa ra rất nhiều khoản tài trợ, khuyến khích lớn cho nghiên cứu, phát triển và nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều chính sách tiến bộ của Nhà nước song các doanh nghiệp nói riêng, cộng đồng xã hội ở New Zealand vẫn đứng trước những vấn đề khó khăn cần giải quyết. Điển hình như hạn chế về cơ sở hạ tầng khiến chi phí vận tải và logistic để đưa hàng ra quốc tế thật sự là một bài toán nan giải. Nhưng chính những thách thức đặt ra đó lại là cơ hội cho sự hợp tác công – tư để mang lại những đột phá mới.

Một trong những ví dụ mang lại đột phá thành công của New Zealand là chương trình Lightning Lab của Creative HQ. Bắt đầu từ năm 2013, chương trình giúp khu vực công và tư cùng nhau hợp tác tạo ra những giải pháp mới để vượt qua các thách thức.

Chương trình đã tập hợp những chuyên gia huấn luyện, mentors, và doanh nhân hàng đầu trên thế giới để cung cấp kinh nghiệm, mạng lưới, các hỗ trợ cần thiết để phát triển, hiện thực hóa các ý tưởng thành những thành quả đổi mới sáng tạo mang tính bền vững và mang lại ảnh hưởng sâu sắc trong cộng đồng.

Dưới đây xin điểm qua một số dự án đang được triển khai của chương trình Lightning Lab:

Unlocked – dự án của Hội đồng Nhà ở Tp Wellington

Trong bối cảnh dân cư thành thị gia tăng, nhu cầu nhà ở cũng tăng theo, tuy nhiên, diện tích đất ở lại giới hạn. Các mảnh đất trống nhỏ lẻ đang nằm rải rác khắp thành phố, có mảnh bị khuất sau những công trình hiện có. Dự án Unlocked nhằm mục đích mang lại cơ hội nhà ở cho người dân ở Wellington và các thành phố khác, bằng những hành động trực quan, đơn giản hóa tiến trình, và kết nối đúng người. Unlocked nâng cao nhận thức của các chủ đất về tiềm năng phát triển cho khu đất của họ theo quy hoạch hiện hành, đồng thời tập trung các thông tin về một đầu mối đơn giản.

Dự án kết nối cộng đồng của Bộ Giáo dục

Nhiều địa phương ở New Zealand chưa được tiếp cận đầy đủ với chi phí thấp đối với mạng internet, điều này khiến các cộng đồng bị giảm đi cơ hội tiếp cận các cơ hội khác về giáo dục, sức khỏe, nhà ở, cùng các dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy, dự án Tiếp cận Trực tuyến Công bằng (Equitable Digital Access) được triển khai, tận dụng thành quả từ một số dự án giáo dục pilot và quy trình của Lightning Lab để kết nối các cộng đồng với các nhà tài trợ. Bằng cách tập trung thông tin về các cộng đồng, dữ liệu của chính quyền và khu vực tư nhân, dự án giúp gia tăng quyền tiếp cận của người dân và giảm sự chênh lệch cơ hội cho những thế hệ trong tương lai. Bộ Giáo dục New Zealand đánh giá đây là một dự án thành công vượt bậc, và đang tiếp tục tìm kiếm đối tác là các NGO và các nhóm cộng đồng, nhằm đảm bảo các lợi ích tiềm năng tiếp tục được chia sẻ lan tỏa tại các địa phương.

Mārama – Dự án của Hội đồng vùng Greater Wellington

Hàng năm có hàng trăm triệu dollar được chi bởi Hội đồng vùng Greater Wellington Regional cho các dự án và công trình quan trọng, tuy nhiên người dân cảm thấy sự tham gia của mình vào quá trình hình thành các quyết sách của vùng thường là quá muộn; ngay cả khi được tham gia, người dân vẫn cảm thấy sự tương tác với chính quyền diễn ra kém hiệu quả và không biết ý kiến của mình có được lắng nghe hay không. Trong bối cảnh đó, dự án Mārama được triển khai nhằm giúp người dân nắm bắt kịp thời và nâng cao khả năng đóng góp cho quá trình hình thành các quyết sách. Đây là một nền tảng dễ dàng sử dụng, giúp người dân nhanh chóng nắm được vì sao và khi nào các dự án được tiến hành, tiếp cận những góc nhìn rộng rãi hơn dưới lăng kính của cộng đồng, và theo dõi việc xử lý những ý kiến phản hồi của mình, và tháu hiểu toàn bộ tiến trình dẫn tới quyết định đưa ra cuối cùng.

Pāmu Ora – Dự án của Bộ Môi trường

Chất lượng nước ngọt đảo Aotearoa đang bị đe dọa sau nhiều năm tăng trưởng dân số và biến động trong cách sử dụng đất. Nhiều song, hồ đã không còn an toàn cho bơi lội, 75% cá bản địa có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, việc quản lý chat lượng nước ngọt là một vấn đề phức tạp. Dự án Pāmu Ora tạo ra một nền tảng quản lý giúp cải thiện tiến trình đưa ra các quyết định và hợp tác về dẫn nước và quy mô trang trại nhằm cải thiện chất lượng nước ngọt. Dự án này tổng hợp các dữ liệu khoa học và văn hóa, dữ liệu từ cảm biến và góc chụp từ trên cao, đồng thời cung cấp những lựa chọn can thiệp, công cụ lập kế hoạch để dẫn tới những thay đổi kịp thời.

Một số thông tin tham khảo: https://llgovtech.co.nz/wp-content/uploads/2019/02/LLGT_programmereport_web.pdf