Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 vào 12 - 13/7 vừa qua, ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đã nêu ba thách thức lớn mà Việt Nam phải vượt qua để chuẩn bị cho cuộc cách mạng này, đó là công nghệ, thể chế và nhân lực.

Hãy nhìn vào chiếc điện thoại thông minh mà chúng ta vẫn sử dụng hằng ngày: không chỉ để gọi hay nhắn tin, chúng ta có thể dùng chúng để ghi chép, sắp xếp lịch hẹn, để thuyết trình, đặt hàng hay điều khiển các thiết bị tại nhà.

Chỉ một đại diện đó của công nghệ cũng đủ làm chúng ta kinh ngạc về CMCN 4: nó đang vươn đến mọi khía cạnh của kinh tế cũng như đời sống con người và cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể lường hết được về sự mở rộng khả năng của nó trong tương lai; đồng thời những công nghệ mới từ trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ sinh học hay blockchain… đang thay đổi phương thức hoạt động của xã hội thể hiện ở hai khía cạnh tiêu biểu: sự hình thành ngày càng nhiều công việc chưa từng có trước đây; trong khi máy móc sẽ dần thay thế lao động thủ công ở các nước đang phát triển.

Đó là hiện thực với các nước như Việt Nam, và từ năm 2016, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã dự báo khoảng 56% việc làm ở các nước ASEAN sẽ có nguy cơ bị máy móc thay thế trong 10 hay 20 năm tới.

Vậy trước làn sóng CMCN 4, liệu Việt Nam có thể vượt qua các thách thức và vươn lên giành được ưu thế? Tôi cho rằng để tiếp tục phát triểnvà nắm bắt cơ hội mới, Việt Nam không nên tập trung vào phát triển từng công nghệ riêng lẻ, mà phải đề ra chính sách giải quyết được hai nhân tố lớn là nguồn nhân lực và khả năng hấp thụ công nghệ thông qua ba hình thức kết nối - giao dịch: giữa chính phủ với chính phủ (G2G); chính phủ với doanh nghiệp (G2B); và chính phủ với công dân (G2C).

Ông Ousmane Dione- giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.
Nguồn: diendankinhtevietnam.vn
Thực trạng của Việt Nam

Việt Nam đang có những đầu tư khá tốt về nguồn nhân lực. Dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt và có khả năng thích ứng với thay đổi. Hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng được cải thiện, hiện đứng thứ 7 trong số các nước tăng trưởng cao nhất về điểm số bao phủ y tế toàn cầu. Nhưng ngược lại, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, khi số lượng người trên 65 tuổi dự đoán sẽ tăng từ 6,5% đến 21% dân số trong năm 2017-2050. Những yêu cầu phải nâng cao trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động trẻ, đặc biệt về kiến thức số, đang là nhu cầu cấp bách.

Về tiến độ hấp thụ công nghệ, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu: Chỉ số Chấp nhận Công nghệ toàn cầu (Digital Adoption Index - DAI) xếp Việt Nam ở thang điểm 4.6/10, cao hơn trung bình thế giới. Số liệu của Statista chỉ ra tỷ lệ sử dụng internet Việt Nam hiện nằm trong top 13 thế giới, với độ phủ sóng của Internet hiện đạt 54% và tỷ lệ sử dụng mạng xã hội đạt 40% dân số. Tuy nhiên, một số chỉ số khác liên quan đến công nghệ như vốn, nhân lực hay tổ chức cộng đồng số của Việt Nam lại thấp so với các nước trong khu vực.

Đối với hoạt động của chính phủ, CMCN 4 cũng nêu lên các yêu cầu để Việt Nam phải nhanh chóng nâng cấp cơ chế và phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đó là các kỳ vọng phải số hóa và công khai hóa quy trình quản lý – nhưng không thể bằng hành động nâng cấp bề ngoài như đầu tư tiền của mua công nghệ mới hay trang bị vật chất hiện đại cho các cơ quan chính phủ. Ngược lại, bắt kịp công nghệ nhất thiết phải bao gồm đổi mới tư duy, quy trình và nhân sự dựa vào quá trình số hóa theo chiều sâu. Chính phủ sẽ không thể trở thành đối tác của CMCN 4 nếu vẫn còn mắc kẹt trong Quan liêu 1.0.

Cần những chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. (Ảnh: Ông Lý Ngọc Minh - người sáng lập công ty TNHH Minh Long 1, một doanh nghiệp nhiều đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Nguồn: Holcim Wiki VietNam)

Ba nhóm giải pháp đổi mới

Để gặt hái thành công từ CMCN 4, Chính phủ Việt Nam không nên bị động trước những thay đổi mà cần thiết phải nhanh chóng bắt kịp và thậm chí đi trước trong đổi mới công nghệ - và điều này là hoàn toàn khả thi. Do đó, Việt Nam cần tập trung thực hiện ba giải pháp về Công nghệ, Thể chế và Nhân lực.

Về công nghệ, cần có cách tiếp cận tổng hợp và nên bắt đầu từ các giải pháp cơ bản nhất:

Đầu tiên là việc xây dựng các cơ sở hạ tầng tương hợp (interoperability infrastructure) làm nền tảng tăng cường các quan hệ G2G, G2B, G2C. Các quốc gia như Estonia, Singapore, Hàn Quốc hay Ấn Độ đều đã và đang thực hiện quá trình này và gặt hái nhiều thành tựu trong tăng trưởng kinh tế. Việc công khai hóa dữ liệu công của các cơ quan nhà nước với đại chúng cũng là một tác nhân quan trọng. Khai thác hạ tầng dữ liệu mở không chỉ đem lại sự minh bạch và công khai lớn hơn của chính quyền với người dân và doanh nghiệp mà còn đem đến gia tăng việc làm, thu nhập, và nền tảng để phát triển vạn vật kết nối (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Các nghiên cứu quốc tế đã đưa ra kết luận là việc công khai dữ liệu công sẽ đem lại 1% tăng trưởng cho GDP quốc gia. Các nước Mỹ, Anh, Australia, hay Liên minh Châu Âu (EU) đang có hàng trăm công ty và hàng nghìn việc làm được kiến tạo nhờ vào dữ liệu công mở.

Trong giải quyết quan hệ G2B và G2C, công nghệ tài chính có thể đóng vai trò bản lề. Người dân Việt Nam cần được khuyến khích tham gia nhiều hơn vào công nghệ tài chính và thương mại điện tử (như qua việc thanh toán qua mạng), cho phép vừa nâng cao chất lượng dịch vụ vừa thu hẹp khoảng cách địa lý về tiếp cận dịch vụ tài chính giữa nông thôn và thành thị. Thêm vào đó, công nghệ blockchain đang tạo nên các biến đổi trong thương mại dịch vụ, mà Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng.

Về thể chế, Chính phủ cần phải thúc đẩy vận động và tổ chức hợp lý hoá các quy trình dành cho doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong đó, tương hợp số [digital interoperability] tạo ra những cơ chế và tiêu chuẩn cho việc thu thập, quản lý và chia sẻ dữ liệu nhà nước và công cộng.

Một trong những ví dụ là việc đăng ký thẻ căn cước số [digital identities] không thể thực hiện một cách nhanh chóng nếu chỉ nhờ vào công nghệ mà phải dựa vào các cơ chế tổ chức bộ máy chính quyền để có thể được thực thi hiệu quả. Ngoài ra, thiết lập cơ chế nâng cao bảo mật dữ liệu cũng là một yếu tố quan trọng để Việt Nam đảm bảo thành công quá trình này.

Về phát triển nguồn nhân lực, nhân lực có tri thức số đặc biệt cần thiết trong kỷ nguyên CMCN 4 cần phải có hiểu biết về công nghệ. Hiện nay, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học của Việt Nam còn tương đối thấp, cụ thể chỉ 8% người trong tuổi lao động có trình độ đại học, thấp hơn các quốc gia ASEAN khác như Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, trong khi tỷ lệ lao động trình độ thấp lại cao hơn cả Philippines, Campuchia hay Myanmar. Do đó, giáo dục - đặc biệt là giáo dục tri thức số - nên được phổ cập rộng rãi dưới nhiều hình thức cho lực lượng lao động tương lai.

Ngoài ra, yêu cầu đầu tư vào R&D là một yếu tố quyết định để Việt Nam có thể dẫn đầu đổi mới công nghệ trong CMCN 4. Đối với tình hình hiện tại, việc đổi mới tư duy và hành động của công chức nhà nước cũng rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ số. Các cơ quan nhà nước cần thay đổi cách nghĩ và vượt ra khỏi vùng an toàn để đón nhận các ý tưởng sáng tạo và cải tiến công nghệ. Cơ quan cần phải thúc đẩy viên chức liên tục cập nhật và học hỏi, nhược bằng sẽ không thắng được sức ì của cơ chế cũ. Một trong những biện pháp thúc đẩy là cho phép sự tham gia của tư nhân và tăng cường sự tham gia đóng góp sáng tạo của người dân qua công khai minh bạch thông tin.

Lựa chọn của Việt Nam

Việt Nam có thể đứng ngoài cuộc chơi được hay không? Câu trả lời là Không - CMCN 4 là một thực tế Việt Nam phải đối mặt, không phải một gợi ý để cân nhắc lựa chọn. Câu hỏi giờ đây phải là Việt Nam sẽ lựa chọn đường đi nào - tiếp tục dậm chân tại chỗ hay đổi mới để không bỏ lỡ tốc độ đổi mới.

Để vượt lên trong CMCN 4, chính phủ phải nâng cấp năng lực và độ nhạy bén của mình. Yêu cầu cấp thiết hiện tại là phải chuyển đổi các kế hoạch thành hành động thực tiễn; trong hành động cũng phải vừa hướng đến mục tiêu phía trước nhưng cũng vừa phải chăm lo xây dựng nền tảng – là ổn định vĩ mô và khả năng phục hồi kinh tế; cũng như, phải tận dụng tốt các thành tựu cơ bản của Công nghiệp 3.0 trong việc nâng cao hiệu quả và mở đường cho đối mới sáng tạo trong cộng đồng.

Nhắc lại ví dụ ban đầu của tôi về chiếc điện thoại thông minh, liệu trong tương lai Việt Nam có thể phát triển các ứng dụng điện thoại để hỗ trợ các quan hệ G2G, G2B, G2C không? Tôi tin rằng Việt Nam có thể. Để làm được như vậy, chính các yếu tố Công nghệ, Thể chế và Nhân lực sẽ đóng vai trò bước ngoặt và cần phải được chú trọng và đầu tư nuôi dưỡng thích đáng.