Thời gian chờ kinh phí nghiên cứu sẽ được rút ngắn, việc phân bổ quỹ để thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ cũng sẽ dễ dàng hơn với việc sửa đổi những điểm chưa hợp lý của Nghị định 95/2014/NĐ-CP.
Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ, quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã góp phần đổi mới cơ chế chính sách phát triển KH&CN. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng vẫn cần tháo gỡ những điểm chưa hợp lý để nhà khoa học chủ động hơn trong nghiên cứu.
Cần cơ chế quỹ cho hoạt động KH&CN
Theo Vụ Tài chính - Bộ KH&CN, trong hơn 50 chương trình KH&CN cấp quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - một số chương trình do Bộ KH&CN chủ trì tổ chức thực hiện, một số được giao cho các bộ, ngành khác như: Chương trình Phát triển công nghiệp hóa - dược đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì; chương trình Công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì; chương trình KH&CN về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ tài nguyên môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì…
Nghị định 95 quy định, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN quốc gia được chuyển vào Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia - trực thuộc Bộ KH&CN, trong khi không có cơ chế để điều chuyển kinh phí từ quỹ này về bộ, ngành trực tiếp quản lý các chương trình được Chính phủ phân công. Điều này gây khó khăn cho các nhà khoa học và cơ quan chủ trì bởi sau khi nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt, cơ quan chủ trì phải ký hợp đồng trực tiếp với quỹ, trong khi nguồn lực của quỹ có hạn. Mặt khác, các bộ, ngành sẽ rất khó quản lý các nhiệm vụ trong quá trình thực hiện.
Từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, rất cần có quy định hợp lý hơn về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN - đặc biệt là cơ chế quỹ - để việc quản lý, phân bổ thuận tiện hơn, các nhà khoa học cũng bớt một khâu thủ tục. Do đó, sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 là việc cần làm.
Cụ thể, để thuận tiện cho việc quản lý và hoạt động của các nhà khoa học, ngân sách cho KH&CN nên để riêng từng bộ. Cần có sự ủng hộ của Bộ Tài chính trong việc phê duyệt đúng, kịp thời sau khi Chính phủ đã giao nhiệm vụ KH&CN.
Trên thực tế, nhiều địa phương đã vướng mắc điểm này và phải tháo gỡ bằng cách chuyển việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN từ sở KH&CN sang quỹ phát triển KH&CN, như tỉnh Bình Định bắt đầu thực hiện từ năm 2016.
Theo Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Bình Định Lê Công Nhường, cách này sẽ giúp cơ chế cấp phát tài chính cho các nhiệm vụ KH&CN khắc phục được tình trạng chậm “rót” kinh phí. Vì thế, việc mở rộng cơ chế tài chính của Quỹ Phát triển KH&CN cho việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN là điểm mấu chốt để giải quyết những bất cập nói trên.
Chuyển nguồn kinh phí để giảm thời gian chờ đợi
Chờ đợi là câu chuyện được bàn nhiều trong suốt thời gian qua về cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học. Cụ thể, nhà khoa học dự kiến triển khai đề tài, dự án nào sẽ phải lập kế hoạch, sau đó chờ cấp tiền. Khoảng thời gian chờ đợi này thường rất dài - có những trường hợp mất từ 1 đến 1,5 năm. Do đó khi kinh phí được cấp về, nhiều nội dung đã không còn phù hợp với thực tiễn, kinh phí không đủ đảm bảo cho công việc nghiên cứu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, điều này có thể thay đổi ngay với cơ chế quỹ - nghĩa là thay vì chờ phê duyệt nhiệm vụ xong mới bố trí kinh phí thì cứ cấp tiền để thực hiện rồi hoàn tất thủ tục sau. Thậm chí, nguồn kinh phí nằm trong hạng mức đã được phê duyệt trước đó nếu chưa được sử dụng hết thì có thể được tự động chuyển nguồn. Như vậy, từ những ngày đầu của năm sau, các nhà khoa học đã có thể bắt tay ngay vào nhiệm vụ thay vì phải đợi phê duyệt và cấp kinh phí mới.
“Nếu không được chuyển nguồn mà phải hoàn trả ngân sách, chờ Bộ Tài chính phê duyệt thì có lẽ phải đến tháng 3 hay tháng 4 năm sau, các nhà khoa học mới có tiền để hoạt động” - Bộ trưởng Nguyễn Quân e ngại.
Với việc tháo gỡ dần những vướng mắc trong Nghị định 95, vấn đề chờ kinh phí vốn dễ gây tâm lý nản cho một số nhà khoa học nhiều năm qua sẽ được cải thiện. Đây sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy sự sáng tạo trong khoa học.