“Ưu điểm lớn nhất của thị trường tự do là nó không quan tâm đến màu da hay tôn giáo của bạn; nó chỉ quan tâm đến khả năng sản xuất ra những gì mà bạn muốn mua.

Singapore đã thay thế Hong Kong trở thành nền kinh tế tự do nhất thế giới trong bốn năm liên tiếp.
Singapore đã thay thế Hong Kong trở thành nền kinh tế tự do nhất thế giới trong bốn năm liên tiếp.

Đó là hệ thống hiệu quả nhất mà chúng ta đã khám phá ra, cho phép các cá nhân dù không ưa nhau nhưng vẫn có thể cùng giao dịch và hỗ trợ nhau” – Milton Friedman (1912 – 2006, Nobel Kinh tế 1976).

Tổ chức The Heritage Foundation, một think-tank nổi tiếng ở Washington (Hoa Kỳ) vừa công bố báo cáo Xếp hạng chỉ số Tự do kinh tế toàn cầu (Index of Economic Freedom) năm 2023. Với 61,8 điểm (tăng 1,2 điểm so với năm 2022), Việt Nam được xếp hạng 72 trên tổng số 184 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc nhóm những nền kinh tế tương đối tự do (moderately free). Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, vị trí của Việt Nam cũng khá ấn tượng khi đứng thứ 14/39, xếp trên Thái Lan (hạng 80), Philippines (hạng 89), Ấn Độ (hạng 131), Trung Quốc (hạng 154),…

Khái niệm tự do kinh tế (economic freedom) được Milton Friedman và Michael Walker đề xuất lần đầu tại một loạt hội thảo trong giai đoạn 1986 – 1994. Sau này, The Heritage Foundation và Wall Street Journal đã phát triển nó thành một chỉ số hoàn chỉnh và công bố xếp hạng hằng năm kể từ 1995. Có thể định nghĩa tự do kinh tế là “quyền cơ bản của các cá nhân trong việc sử dụng sức lao động và tài sản của chính họ”. Trong những nền kinh tế tự do, các cá nhân có quyền làm việc, sản xuất, tiêu dùng và đầu tư theo cách mà họ muốn; ngược lại, chính phủ cũng cho phép hàng hóa, lao động và vốn được tự do lưu thông thay vì giới hạn, cấm đoán hoặc chèn ép, ngoại trừ việc áp dụng những can thiệp tối thiểu cần thiết để bảo vệ và duy trì sự tự do đó (VD: xây dựng quân đội, mua sắm vũ khí để bảo vệ lãnh thổ; xây dựng cơ sở hạ tầng; cung cấp dịch vụ an sinh xã hội,…) Năm 1776, Adam Smith đã viết trong An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (Tạm dịch: Truy tìm bản chất và nguồn gốc sự thịnh vượng của các quốc gia hay Quốc phú luận) rằng: “về cơ bản, những thiết chế ra đời để bảo vệ quyền tự do của các cá nhân khi theo đuổi lợi ích kinh tế riêng sẽ mang lại thịnh vượng cho cả xã hội”.

Bảng xếp hạng tự do kinh tế được The Heritage Foundation xây dựng dựa trên 12 tiêu chí, chia thành bốn nhóm, với dữ liệu thu thập từ World Bank, IMF, Economist Intelligence Unit (UIU), Transparency International (TI),... Bốn nhóm này bao gồm:

• Pháp trị (rule of law): quyền sở hữu tài sản, hiệu quả tư pháp, chính quyền liêm chính.

• Quy mô chính quyền (size of government): gánh nặng thuế, sức khỏe tài chính, chi tiêu chính phủ.

• Hiệu quả điều tiết (regulatory efficiency): tự do lao động, tự do tiền tệ, tự do kinh doanh.

• Thị trường mở (open market): tự do tài chính, tự do thương mại, tự do đầu tư.

Trên thang 0 – 100, các nền kinh tế đạt tổng điểm từ 80 trở lên sẽ được xếp vào nhóm hoàn toàn tự do (completely free); 70 – 79,9: rất tự do (mostly free); 60 – 69,9: tương đối tự do (moderately free); 50 – 59,9: kém tự do (mostly unfree); 0 – 49,9: không tự do hoặc bị kìm hãm (repressed).

Vị trí của Việt Nam khá cao tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Vị trí của Việt Nam khá cao tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Đây là lần thứ tư liên tiếp Singapore đứng đầu bảng xếp hạng (soán ngôi Hong Kong)1 với 83,9 điểm. Một đại diện khác của châu Á là Đài Loan cũng đạt được vị trí hết sức ấn tượng (thứ 4) với 80,7 điểm. Những cái tên khác nằm trong top 10 là: Thụy Sĩ, Ireland, New Zealand, Estonia, Luxembourg, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển. Tuy nhiên, chỉ có Singapore, Thụy Sĩ, Ireland và Đài Loan là bốn nền kinh tế duy nhất đạt trên 80 điểm. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng được xếp hạng rất cao (thứ 15) với 73,7 điểm; Mỹ thứ 25 (70,6 điểm); Nhật Bản thứ 31 (69,3 điểm); Malaysia thứ 42 (67,3 điểm); Indonesia thứ 60 (63,5 điểm),...

Mặc dù không thật sự hoàn hảo, chẳng hạn chưa thể thể hiện mối tương quan giữa tốc độ tăng trưởng GDP và tự do kinh tế (theo lập luận của Jeffrey Sachs)2,... nhưng bảng xếp hạng này đã phản ánh khá chính xác một thực tế: những quốc gia và vùng lãnh thổ thịnh vượng nhất thế giới cũng thường đạt được mức độ tự do kinh tế rất cao – điều ngược lại đối với các khu vực nghèo đói.

Trong phần về Việt Nam, The Heritage Foundation nhận định đây là nền kinh tế đang rất tích cực hội nhập sâu vào hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu, với một thị trường ngày càng phát triển theo hướng mở. Đồng thời, Việt Nam cũng đã rất nỗ lực thực hiện một số cải cách như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kiện toàn quy tắc thương mại, tăng cường công nhận quyền sở hữu tài sản,... Mặc dù vậy, vẫn còn đó nhiều thiếu sót và điểm nghẽn thể chế có thể sẽ kìm hãm triển vọng bứt phá của Việt Nam trong dài hạn, vì thế đất nước này cần tiếp tục thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ hơn nữa để sớm gia nhập hàng ngũ những quốc gia thinh vượng nhất thế giới.

------

Chú thích
1. Hong Kong trước đây luôn được xếp hạng là nền kinh tế tự do nhất thế giới trong suốt 25 năm. Nhưng kể từ năm 2021, Heritage Foundation đã không còn liệt Hong Kong là một nền kinh tế độc lập nữa, mà tính chung vào chỉ số xếp hạng của Trung Quốc.
2. Trong cuốn The End of Poverty: Economic Possibilities for Our Time (Tạm dịch: Chấm dứt đói nghèo: Khả năng của thời đại chúng ta), nhà kinh tế Jeffrey Sachs tại Đại học Columbia đã vẽ đồ thị so sánh tương quan giữa chỉ số tự do kinh tế với mức tăng trưởng GDP đầu người của các quốc gia trong giai đoạn 1995 – 2003, và kết luận đó là một mối liên hệ hết sức mờ nhạt. Ngoài ra, ông còn lấy ví dụ: Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ,... trong một thập kỷ đã đạt hiệu suất tăng trưởng tốt hơn nhiều so với những nền kinh tế rất tự do như Thụy Sĩ và Uruguay.