Những thay đổi mới trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được kỳ vọng sẽ đáp ứng các nhu cầu mới của thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như bảo đảm thi hành các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

Đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu là một trong những vấn đề đang được quan tâm. Ảnh: skhcn.bacgiang.gov.vn
Đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu là một trong những vấn đề đang được quan tâm. Ảnh: skhcn.bacgiang.gov.vn

Tồn tại nhiều bất cập


Dù xảy ra cách đây đã hơn một thập kỷ, tuy nhiên đến nay không ít người vẫn còn nhớ đến vụ việc 18 loại sữa và sản phẩm từ sữa bị nhiễm melamine - chất độc có thể gây ung thư - và bị tiêu hủy tại thị trường Việt Nam. Trong những vụ việc về chất lượng hàng hóa như vậy, người tiêu dùng có lẽ sẽ khó được bảo vệ quyền lợi hợp pháp nếu như không có sự ra đời của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào năm 2007. Kể từ khi ra đời, các quy định của luật này đã trở thành cơ sở để xử lý người bán, người sản xuất, nhập khẩu cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng trong các vụ vi phạm có phạm vi ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng như vụ sữa melamine cho trẻ em nói trên; vụ gian lận trong đo lường và kinh doanh sản phẩm xăng dầu; hay vụ mũ bảo hiểm không đảm bảo an toàn chất lượng... từ đó giúp cho sản phẩm, hàng hóa lưu thông tại Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ hơn từ khâu sản xuất cho đến khi đưa ra thị trường.

Theo đánh giá của báo cáo tổng kết thi hành Luật Chất lượng, Sản phẩm hàng hóa của Bộ KH&CN, luật này là một dấu mốc quan trọng, “đã thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống các văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta, chuyển từ hệ thống các văn bản pháp luật đơn hành, với quy định còn thiếu tính thống nhất và đồng bộ thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến quản lý và thực thi quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta”.

Nhờ đó, chất lượng, sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện, các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành; hoạt động kiểm tra của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá và hoạt động đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được phân định (cơ quan kiểm tra không thực hiện hoạt động dịch vụ kỹ thuật - đánh giá sự phù hợp; còn tổ chức đánh giá sự phù hợp chỉ đơn thuần là đơn vị kỹ thuật thực hiện đánh giá sự phù hợp, không thực hiện thay công việc của cơ quan kiểm tra). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có cơ sở để tạo lòng tin và uy tín đối với thương hiệu của mình thông qua việc thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa như công bố tiêu chuẩn áp dụng, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) đối với sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn,...

Tuy nhiên, qua hơn 15 năm triển khai pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống pháp luật này “đã phát sinh một số vấn đề chưa phù hợp với thực tế”, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng, Bộ KH&CN) cho biết nguyên nhân của đợt sửa đổi luật lần này. “Mặt khác, hiện Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế, do đó nhu cầu bức thiết là phải thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết này, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP… để tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng, và đánh giá sự phù hợp của Việt Nam”.

Người dân mua mũ bảo hiểm trên đường. Ảnh: baogiaothong.vn
Người dân mua mũ bảo hiểm trên đường. Ảnh: baogiaothong.vn

Theo đó, những bất cập trong Luật Chất lượng, Sản phẩm hàng hóa đã xuất hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ việc xác định các sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cho đến việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên ứng dụng mã số, mã vạch; hoạt động đánh giá sự phù hợp,... Chẳng hạn, đối với việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (gọi tắt là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bất cập nằm ở chỗ: có Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 nhưng chưa có QCVN để quản lý, hoặc ban hành danh mục có tên nhóm hàng hóa nhưng chưa có đầy đủ chi tiết mặt hàng và mã số HS (HS Code), hoặc ban hành danh mục bao trùm cả đối tượng hàng hóa phải kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến những vướng mắc đối với tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo luật định.

Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được giao cho nhiều ngành, lĩnh vực quản lý, có những sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều Bộ, ngành, phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra chuyên ngành dẫn đến còn có sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra. “Ví dụ như có những mặt hàng vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu do Bộ công thương quản lý, vừa phải kiểm tra chất lượng do bộ, ngành khác quản lý như quạt điện, tủ lạnh, tủ kết đông, bóng đèn huỳnh quang…”, báo cáo chỉ ra.

Hay một bất cập khác là theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chỉ cần đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Luật An toàn thực phẩm, các mặt hàng này phải vừa đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam và phải vừa phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan. “Điều này đã dẫn đến sự mâu thuẫn và chồng chéo giữa các pháp luật về quản lý sản phẩm, hàng hóa”, báo cáo cho biết.

Bảy chính sách mới


Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa lần này tập trung vào bảy chính sách lớn, bao gồm: 1. Sửa đổi quy định về xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chuyên ngành; 2. Bổ sung nội dung về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên ứng dụng mã số, mã vạch; 3. Sửa đổi, bổ sung nội dung về hoạt động đánh giá sự phù hợp; 4. Sửa đổi, bổ sung nội dung về kiểm soát viên chất lượng; 5. Thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP; 6. Bổ sung nội dung quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); và 7. Sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan khác tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và thông lệ quốc tế như Giải thưởng chất lượng quốc gia hay phí và lệ phí xử lý vi phạm.

Một trong những điểm nổi bật trong dự thảo là Luật sửa đổi sẽ hướng đến mục tiêu quy định cụ thể hơn nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa. Những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm). Bên cạnh đó, các bộ, ngành sẽ đẩy mạnh việc thực hiện các cơ chế thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý của Việt Nam và nước xuất khẩu (cơ chế G to G), thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định trong nước và các tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước ngoài (cơ chế T to T) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu không phải lấy mẫu thử nghiệm, chứng nhận hợp quy cho các lô hàng nhóm 2 nhập khẩu vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc bổ sung các quy định về ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong Luật sửa đổi cũng sẽ hỗ trợ cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ; từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng…) có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển.

Và để bảo đảm tương thích với thông lệ quốc tế, dự thảo Luật sẽ thay đổi cách thức quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp, theo đó tổ chức đánh giá sự phù hợp tự công bố năng lực phù hợp với điều kiện do cơ quan quản lý nhà nước quy định trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tổ chức đánh giá sự phù hợp cũng sẽ chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với các kê khai của mình, cơ quan quản lý sẽ công bố danh sách các tổ chức đã công bố năng lực phù hợp với điều kiện quy định. “Việc quy định ‘đăng ký’ này sẽ giúp cho tổ chức đánh giá sự phù hợp nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp do mình thực hiện, trong khi đó cơ quan quản lý vẫn có đủ cơ sở, thông tin để thực hiện công tác hậu kiểm”, báo cáo đánh giá tác động chính sách sửa Luật chỉ ra.

Đồng thời, dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng nghiên cứu, bổ sung quy định về Hợp pháp hóa lãnh sự; khái niệm Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau; khái niệm kiểm tra/xác minh; quy định về phí thực hiện đánh giá sự phù hợp; quy định về giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp,... nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết.