Trồng cây trong nhà kính có thể giúp cây sinh trưởng rất nhanh, đạt năng suất cao nhưng đằng sau đó cũng có những hệ quả đáng phải suy ngẫm.
Nhà kính về cơ bản có thể hiểu là một mô hình mà ở trong đó, cây cối có thể sinh trưởng và phát triển với điều kiện lý tưởng nhất. Kết cấu của nhà kính đơn giản nhất gồm một bộ khung nền với tấm nilon phủ lên trên và các máy móc ở trong đó. Con người sẽ tác động lên gần như tất cả các mặt trong sự sinh trưởng của cây như ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ... và loại rất nhiều yếu tố tự nhiên. Ở trong nhà kính, cây cối có thể phát triển rất tốt do có điều kiện lý tưởng. Đồng thời, mô hình này cũng giúp giảm đi gần như tối đa các rủi ro của tự nhiên mang lại cho cây trồng. Chính vì những điều đó mà nhiều loại thực phẩm phát triển trong nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, hơn hẳn trồng cây ngoài trời. Tuy nhiên, việc trồng cây trong nhà kính không hoàn hảo như nhiều người nghĩ mà cũng để lại những hậu quả khó lường.
Chất lượng thực phẩm bị ảnh hưởng
Theo các nhà khoa học, nhà kính, nhà màng bọc, nhà lưới... sinh ra để hạn chế sự thay đổi bất thường của khí hậu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì điều này, ở những vùng đất có khí hậu tốt, thổ nhưỡng lý tưởng, thích hợp để làm nông nghiệp thì không cần trồng rau, hoa... trong nhà kính. Việc trồng cây trong nhà kính tại những vùng như vậy sẽ làm giảm chất lượng của thực phẩm. Tại những vùng đất tốt cho sự phát triển, cây sẽ được chăm sóc bởi thiên nhiên, tiếp nhận ánh sáng đầy đủ nên sẽ cho ra thực phẩm chất lượng tốt hơn là trồng trong nhà kính.
Tuy nhiên, tại những vùng như vậy nhiều người vẫn trồng cây trong nhà kính (như tại Đà Lạt) bởi nó sẽ cho năng suất cao hơn rất nhiều so với để ngoài tự nhiên. Điều này về lâu về dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn thực phẩm, nếu xét về tính vĩ mô còn có thể ảnh hưởng đến thương hiệu thực phẩm của một vùng.
Nhiều người nghĩ rằng trồng cây trong nhà kính thì sẽ hoàn toàn loại bỏ được sâu bệnh, cỏ dại bởi đã cách ly với môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, điều này không đúng bởi nhà kính vẫn sẽ phải cho không khí bên ngoài đi vào, bởi nếu không lưu thông gió thì cây cối sẽ rất dễ bị nhiễm nấm. Việc này sẽ dẫn đến sâu bệnh và cỏ dại vẫn có ở trong nhà kính và bởi vì nhiệt độ lý tưởng nên chúng phát triển rất nhanh, trứng sâu nở với tốc độ 'thần tốc' còn cỏ dại thì 'um tùm' nếu không được xử lý. Điều đặc biệt là ở trong nhà kính sâu bệnh không có thiên địch, không có mối lo sợ nào từ thiên nhiên. Chính vì thế tốc độ phát triển và hoành hành của chúng là rất nhanh. Điều này sẽ khiến những người trồng thực phẩm trong nhà kính phải tính tới phương án của các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Ảnh hưởng đến môi trường
Đà Lạt dù ở một vùng cao tới hơn 1.500m so với mực nước biển nhưng trong những năm gần đây rất hay ngập lụt, điều này gây lạ lẫm cho nhiều người. Người dân ở đây kể lại rằng: 'Mấy năm gần đây, cứ mưa liên tục khoảng 2h là có khu vực lại ngập lụt'. Các chuyên gia cho rằng có hiện tượng này là do sự phát triển quá ồ ạt của việc trồng cây trong nhà kính ở Đà Lạt. Khi nhà kính dày đặc, những cơn mưa đổ xuống sẽ không thể trải đều trên mặt đất. Bởi vậy nên nước sẽ đọng lại, trút vào các rảnh, mương, suốt tạo nên các dòng chảy ồ ạt về vùng trũng. Hậu quả để lại là ngập lụt rất nhiều.
Được biết diện tích trồng cây trong nhà kính tại Đà Lạt chiếm tới hơn 1/2 diện tích đất dành cho sản xuất đất nông nghiệp tại đây. Định hướng những năm tới của thành phố này là sẽ tăng diện tích đất canh tác và tăng cả việc trồng cây trong nhà kính, ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, tình trạng ngập lụt nhiều khả năng vẫn sẽ tái diễn.
Trồng cây trong nhà kính phát triển ồ ạt ở Đà Lạt
Không chỉ gây ngập lụt, việc trồng cây trong nhà kính một cách dày đặc sẽ còn khiến khí hậu xung quanh nóng lên một cách rõ rệt. Các nhà kính dựng lên san sát nhau tạo nên những thung lũng nhà kính. Điều này khiến cho việc những khoảng trống dành cho bay hơi, thoát nhiệt là không còn. Khi nhiệt môi trường nóng lên, các nhà kính sẽ đồng loạt làm mát không khí, lúc đó hơi nóng từ nhà kính sẽ lan tỏa ra xung quanh, theo các hành lang thung lũng bao trùm lên một vùng không gian rộng lớn. Và cứ như vậy, nơi nào nhiều nhà kính san sát nhau thì nhiệt độ sẽ tăng cao hơn so với các vùng trồng cây tự nhiên.
Ngập lụt nhiều khi trời mưa, nóng hơn khi mùa hè sẽ gây nên biến đổi khí hậu tại các vùng mà việc trồng cây trong nhà kính phát triển mạnh. Ở đó, đất đai xói mòn, khí hậu chắc chắn không còn được như trước. Không chỉ vậy, cảnh quan tại những vùng này cũng sẽ bị ảnh hưởng khi mà hàng ngàn ha nhà kính xuất hiện sẽ thay thế từng đó ha cây xanh ngoài tự nhiên.
Theo các chuyên gia, tại các nước phát triển họ chỉ áp dụng việc trồng cây trong nhà kính tại những nơi khí hậu phức tạp và việc bảo tồn cảnh quan không phải là vấn đề quan trọng. Suy cho cùng, nhà kính thực chất là phương pháp canh tác cuối cùng được áp dụng tại những nơi mà môi trường quá khắc nghiệt.