Không chỉ tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, việc sửa đổi Nghị định số 40/2014/NĐ-CP và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP sẽ tạo thêm cơ hội để Việt Nam có thể thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực trong và ngoài nước.

Giáo sư Trần Thanh Vân trao đổi cùng giáo sư Tsuyoshi Nakaya - Trưởng nhóm nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino Việt Nam và TS Nguyễn Thị Hồng Vân (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). Ảnh: Báo Bình Định
Giáo sư Trần Thanh Vân trao đổi cùng giáo sư Tsuyoshi Nakaya - Trưởng nhóm nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino Việt Nam và TS Nguyễn Thị Hồng Vân (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). Ảnh: Báo Bình Định

Sau năm năm ra đời của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN (Nghị định 40) và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP quy định về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam (Nghị định 87) đã mở ra một cách thức mới để các nhà quản lý Việt Nam có thể tuyển chọn, trọng dụng các nhà khoa học tài năng, điều mà họ chưa thể thực hiện ngay với những cơ chế cũ. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng, các nhà quản lý đã gặp phải một số vướng mắc, khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả lan tỏa của hai nghị định này. Vì vậy, hội thảo góp ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40 và Nghị định 87, để hai nghị định có tính khả thi hơn do Bộ KH&CN tổ chức vào ngày 10/9/2019 đã thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, ĐHQGHN…

Trọng dụng nhà khoa học tài năng

Là sự tiếp nối, gắn kết với các chính sách đầu tư về nhân lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghiên cứu, mở rộng hợp tác quốc tế…, Nghị định 40 và Nghị định 87 đã góp phần quy tụ và điều kiện cho nguồn nhân lực khoa học Việt Nam, những người đang sống và làm việc trong nước, cũng như những người đang sống và làm việc tại nước ngoài về nước làm việc, những điều kiện làm việc tương xứng với khả năng và sức đóng góp.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn được hưởng nhiều chế độ ưu đãi khác. Đối với nhà khoa học ở Việt Nam, các ưu đãi là đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, công nghệ cao hơn mà không phải thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác; nâng lương vượt bậc với người có kết quả nghiên cứu tốt; kéo dài thời gian công tác... Đối với nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là các vấn đề về tuyển dụng, lương bổng, nhà ở, tiếp cận thông tin…

Một nét đặc biệt của Nghị định 40 là đặt ra vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và trọng dụng nhà khoa học trẻ thông qua các hình thức đào tạo theo nhóm nghiên cứu, đào tạo theo lĩnh vực KH&CN ưu tiên, đào tạo, thực tập ở nước ngoài, được giao chủ trì các đề tài KH&CN quốc gia…

Với những cái nhìn cởi mở đó từ hai nghị định, nhiều đổi mới trong quản lý khoa học đã lan tỏa và mang lại nhiều kết quả trên thực tế…, Ví dụ phần lớn các nhà khoa học được trao giải Tạ Quang Bửu hằng năm đều là nhà khoa học ở nước ngoài trở về, họ cũng là những trưởng nhóm nghiên cứu mạnh của đơn vị nơi họ làm việc; hay việc ĐHQGHN có điều kiện thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm của trường với cơ chế đồng quản lý của nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài; Quỹ NAFOSTED trong nhiều năm qua đã hỗ trợ các nhà khoa học tham dự/tổ chức hội thảo quốc tế và sắp tới là hỗ trợ các nhà nghiên cứu làm postdoc... Hiệu quả của hai nghị định cũng là gợi ý để UBND TPHCM xây dựng và ban hành chính sách thu hút phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2022 vào tháng 8/2019.

Cần bổ sung những điều kiện mới

Một trong những vướng mắc lớn của các nhà quản lý khoa học trong việc triển khai Nghị định 40 và 87 là việc tuyển chọn và điều động công việc. Ví dụ một số nội dung ưu đãi nhà khoa học, tuyển dụng đặc cách và bổ nhiệm chức danh khoa học, công nghệ đã “vênh” với một số nội dung trong Nghị định 161/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạn viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Do đó, đại diện của nhiều tổ chức cho rằng cần sửa đổi một số nội dung xét tuyển đặc cách trong xét công nhận, bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ (điều 5, Nghị định 40) thành tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận không qua thi tuyển với những trường hợp nhà khoa học có thành tích trong hoạt động KH&CN, bổ sung Điều 5a về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận không qua thi tuyển và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; bổ sung trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác (điều 6a, Nghị định 40); bổ sung quy định tiêu chuẩn chung, điều kiện thành tích, kết quả hoạt động KH&CN để xem xét, lựa chọn nhà khoa học đầu ngành, quy định về tiêu chuẩn thành tích, kết quả hoạt động KH&CN phù hợp với từng lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và khoa học xã hội nhân văn… (điều 15, Nghị định 40). Để xác định đúng nhà khoa học đầu ngành, cần có thêm điều kiện là nhà khoa học đó phải hướng đến phát triển được một hướng nghiên cứu mới, hoặc giải quyết được một vấn đề KH&CN của đất nước, hoặc kết quả đầu ra được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội… khi tham gia chủ trì, xây dựng đề án định hướng phát triển một lĩnh vực khoa học.

Với Nghị định 87, các đại biểu cũng đề xuất cần gắn chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài ở Việt Nam với yêu cầu chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN quan trọng, có ảnh hưởng tầm quốc gia hoặc đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoặc một địa phương hay sự phát triển của chuyên ngành, lĩnh vực KH&CN (Khoản 1 Điều 3), bổ sung quy định nhà khoa học về nước để chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN trên cơ sở thỏa thuận với tổ chức trong nước (điều 5); bổ sung quy định nhà khoa học được hưởng mức lương theo thỏa thuận, không thấp hơn mức lương của chuyên gia làm việc tại các vị trí tương tự trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (điều 6); sửa đổi, bổ sung việc hỗ trợ để có thể tham gia các trao đổi học thuật tại hội nghị quốc tế có nội dung gắn với nhiệm vụ KH&CN đang triển khai tại Việt Nam, bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai, thúc đẩy công việc của các nhà khoa học… (điều 10).

Với những đề xuất chỉnh sửa, bổ sung này, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40 và Nghị định 87 được kỳ vọng sẽ có được những nội dung phù hợp với tình hình mới và tạo điều kiện để các nhà quản lý có thể vận dụng một cách linh hoạt vào thực tế, góp phần đem lại một môi trường hấp dẫn, minh bạch và hiệu quả cho khoa học Việt Nam có thêm nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Từ khi Nghị định số 40 được ban hành đến nay, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nâng lương vượt bậc đối với 743 nhà khoa học; đặc cách bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác đối với 1.228 nhà khoa học; thực hiện kéo dài thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu đối với gần 300 nhà khoa học.