Đó là một trong những băn khoăn của TS Lê Huy Hàm - Viện Di truyền nông nghiệp - trong việc ứng dụng năng lượng bức xạ vào chọn tạo giống cây trồng ở Việt Nam.
Tạo giống lúa khoẻ, năng suất cao
Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp thời gian qua chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: Chọn tạo giống cây trồng và vi sinh vật; nghiên cứu sinh lý, dinh dưỡng cây trồng và vật nuôi; sử dụng đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu bảo vệ tài nguyên đất, môi trường; chiếu xạ tiệt sinh côn trùng trong bảo vệ thực vật; chiếu xạ nông sản, thực phẩm trong bảo quản, chế biến.
Các hạt đậu tương màu vàng của Viện Di truyền nông nghiệp sau khi chiếu xạ và chọn lọc giống sẽ thu được hạt giống tốt nhất màu đen (bên phải). Ảnh: Loan Lê
TS Lê Huy Hàm cho biết, tại Viện Di truyền nông nghiệp, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) trong chọn tạo giống cây trồng được thực hiện từ những năm1980. Đến năm 2015, Việt Nam đã công nhận và đưa ra sản xuất 61 giống cây trồng đột biến, bao gồm 41 giống lúa, 9 giống đậu tương, 4 giống hoa, 2 giống ngô, 2 giống táo, 2 giống lạc, 1 giống bạc hà.
DT10 - giống lúa ra đời từ kỹ thuật này - được tạo ra từ việc xử lý hạt khô giống C46-3 bằng tia gamma nguồn cobalt 60 (Co60). Ưu điểm của nó là cứng cây, chịu lạnh tốt, năng suất cao 5,5-6 tấn/ha, so với 3,3 tấn/ha ở các giống cùng thời điểm 1990. DT10 được công nhận là giống lúa quốc gia năm 1990 và hiện vẫn được sử dụng tại một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh.
Giống lúa khang dân đột biến cũng ra đời từ việc xử lý hạt giống khang dân 18 bằng Co60, với ưu điểm là cơm mềm, chống đổ tốt. Khang dân đột biến được công nhận là giống cây trồng quốc gia vào năm 2007. Tính đến năm 2014, diện tích trồng giống này ước đạt 1,2 triệu hécta, giúp tăng thu nhập 11,4% cho 1,5 triệu lượt nông dân/năm.
Ứng dụng NLNT trong nông nghiệp còn hẹp
Tuy đạt thành tựu đáng kể, nhưng nông nghiệp Việt Nam mới chỉ ứng dụng NLNT cho việc chọn tạo giống và chiếu xạ nông sản phục vụ kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu. Ngay cả trong lĩnh vực tạo giống, TS Lê Huy Hàm cho rằng vẫn chưa có sự đầu tư thích đáng và đánh giá hết tiềm năng.
“Việc chọn tạo giống đột biến còn mang tính tự phát, chưa có sự định hướng quan tâm rõ rệt, đặc biệt về nhân lực và trang thiết bị. Cả nước chưa có trung tâm chiếu xạ phục vụ chọn tạo giống. Hiện các viện nghiên cứu, nhà khoa học phải đưa vật liệu nghiên cứu đi nhờ xử lý chiếu xạ tại các bệnh viện, các trung tâm chiếu xạ công nghiệp nên thiếu tính chủ động và thiếu cơ sở khoa học chính xác” - ông Hàm nói.
TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục NLNT - cũng cho rằng, việc ứng dụng NLNT trong nông nghiệp ở Việt Nam còn rất hạn chế, tự phát, mới có một số kết quả bước đầu trong chọn tạo giống đột biến, chiếu xạ nông sản cho kiểm dịch thực vật.
TS Hàm cho rằng, cần nhanh chóng lập các trung tâm nghiên cứu về ứng dụng NLNT trong chọn tạo giống với cơ sở hạ tầng, thiết bị chiếu xạ và công nghệ sinh học nhằm phục vụ riêng cho nông nghiệp.
“Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra một số nhiệm vụ nghiên cứu về lĩnh vực này thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học để từng bước phát triển một cách bài bản hệ thống nghiên cứu ứng dụng NLNT trong chọn giống cây trồng nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung” - TS Hàm kiến nghị.