Các giống lúa thơm như đỏ 06, đỏ 11, đỏ 156 đã được lai tạo thành công nhờ sử dụng tia phóng xạ gamma Co60 với ưu điểm hạt gạo dài, thon, cơm mềm và độ thơm đậm. Đặc biệt, các giống lúa này có hàm lượng sắt khả dụng sinh học cao.

Theo TS Hồ Quang Cua - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, tác giả của những giống lúa trên, muốn tăng sản lượng xuất khẩu gạo thơm thì phải nâng cao chất lượng, trong đó giống lúa đóng vai trò quan trọng.

Tiến sỹ Hồ Quang Cua giới thiệu loại gạo thơm có hạt tím, mùi thơm đậm tại Techmart 2015. Ảnh: PN

Hiện thế giới có nhiều giống lúa thơm, nhưng chỉ vài giống được ưa chuộng như Basmati 370 của Ấn Độ và Pakistan, Khao Dawk Mali 195 của Thái Lan. Ở Việt Nam, các giống nàng thơm Chợ Đào, dé An Cựu và lúa tám đều thơm, ngon nhưng lại có thời gian sinh trưởng dài, cây cao, thân rạ yếu nên dễ đổ, năng suất thấp…

“Từ vật liệu là các giống lúa thơm quý này, chúng tôi tạo giống lúa thơm mới khắc phục các nhược điểm trên. Hạt giống được ngâm nước trong 48 giờ và xử lý đột biến bằng Co60, sau đó kết hợp với phương pháp lai giống bố mẹ và các thế hệ chọn lọc, lai liên tục để chọn cá thể thơm đậm cho đến khi thu được dòng lúa thuần” - TS Cua nói.

Trong hơn 20 giống lúa thơm do TS Hồ Quang Cua và cộng sự lai tạo thành công bằng kỹ thuật đột biến phóng xạ, đã có 4 giống được công nhận là giống lúa quốc gia. Các giống lúa thơm này đã mang lại lợi nhuận cao hơn lúa thường 6-8 triệu đồng/ha, trong hàng chục năm qua đã đem lại thêm cho nông dân hàng ngàn tỷ đồng.