Đối với vùng Bắc Trung Bộ, nhiều tỉnh có điều kiện giống nhau có thể phát triển cây lương thực, cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây thuốc, thủy sản… Với mỗi ưu thế, cần bàn để hình thành nhiệm vụ chung của cả vùng hoặc vài tỉnh trong vùng.

Trước hội nghị giao ban vùng Bắc Trung Bộ diễn ra ngày 16/9 tại Thanh Hóa, TS Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN - có cuộc trao đổi nhanh với Khoa học và Phát triển về sự kiện này.

TS Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN.

Xin ông cho biết thông điệp chính mà lãnh đạo bộ muốn truyền tải tại hội nghị giao ban lần này?

Hội nghị giao ban vùng được tổ chức 2 năm một lần để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy hoạt động KH&CN… Các giải pháp về cơ chế chính sách, hình thành nhiệm vụ KH&CN liên vùng sẽ được chú trọng thảo luận.

Bắc Trung Bộ là vùng có đặc thù về khí hậu, địa hình và kinh tế - xã hội. Mỗi tỉnh đều có đặc thù riêng nên việc bàn bạc tìm giải pháp mang tính liên vùng sẽ có những khó khăn nhất định.

Đặc biệt, gần đây sự cố môi trường do Formosa xả thải đã thành mối quan tâm chung lớn không chỉ của vùng mà còn của cả nước. Câu hỏi đặt ra là làm sao khắc phục nhanh nhất có thể, đưa KH&CN tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Đây sẽ là những vấn đề quan trọng trong hội nghị này.

Giải bài toán liên vùng để xây dựng, phát triển sản phẩm chủ lực địa phương là vấn đề được lãnh đạo bộ đề cập trên nhiều diễn đàn. Vậy vấn đề này sẽ được đặt ra như thế nào, thưa ông?

Tôi rất thống nhất rằng KH&CN ở các địa phương phải tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực. Nhưng làm sao để hỗ trợ hiệu quả là bài toán lớn mà chúng ta đang tích cực giải quyết.

Đối với vùng Bắc Trung Bộ, nhiều tỉnh có điều kiện giống nhau có thể phát triển cây lương thực, cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây thuốc, thủy sản… Với mỗi ưu thế, cần bàn để hình thành nhiệm vụ chung của cả vùng hoặc vài tỉnh trong vùng.

Ví dụ, có thể không chỉ Nghệ An mà Hà Tĩnh và một số tỉnh cũng quan tâm đến cây cam thì cần phát triển ra sao, quy mô nào? Những cây thuốc có thể phát triển trên một số địa bàn có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nhưng quy mô và đầu ra thế nào cũng cần được thảo luận để có các nhiệm vụ KH&CN phù hợp.

Ông đánh giá thế nào về việc giải quyết những vấn đề đặt ra tại các hội nghị trước đây?

Hội nghị giao ban vùng là dịp quan trọng để kiểm điểm những vấn đề đã bàn tại các hội nghị trước và kết quả làm việc của lãnh đạo bộ với các tỉnh trước đây cũng như định hướng cho thời gian tới.

Đối với vùng Bắc Trung Bộ, nhiều vấn đề đã được Bộ KH&CN và các tỉnh triển khai tích cực. Tuy nhiên, để triệt để đáp ứng kế hoạch đã trao đổi thì có nhiều khó khăn, cụ thể là vấn đề nguồn lực (kể cả nhân lực KH&CN và tài chính).

Vì vậy, nhiều vấn đề dù đã có sự thống nhất của các tỉnh và lãnh đạo bộ nhưng khi thực hiện thì nguồn lực không đáp ứng được. Trong hội nghị này, tôi mong các bên sẽ cùng nhau nhìn lại để chỉ rõ những vướng mắc và tìm giải pháp tháo gỡ, định hướng trong giai đoạn tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!