Tháng trước, Stephen Turban – chàng thạc sỹ quản trị của Harvard đã ra một quyết định thay đổi cuộc đời mình: bỏ công việc tại McKinsey, một công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ, và chuyển đến Việt Nam.
Anh chọn cho mình cái tên Việt Nam là “Vũ” khi tham gia xây dựng một trung tâm về đổi mới sáng tạo ở Đại học Fulbright. Khoa học và Phát triển trích đăng tâm sự của anh về hành trình đặc biệt này.
Giáo sư Datar và tôi ngồi trong văn phòng, ổng cười ha hả. Giọng cười vang lên theo nhịp từ trong lồng ngực - nghe vừa như điệu cười của cướp biển trên phim và vừa của ông già Noel.
Tiếng cười chỉ từ từ ngớt dần khi cuối cùng, giáo sư Datar quay sang: “Thôi, đùa đủ rồi. Để tôi nghĩ về câu hỏi của cậu”. Ông ngắt giọng, vuốt ve bộ ria mép đáng-ghen-tị. “Stephen có nên học lên tiến sĩ luôn sau năm cuối không à?” - Vị giáo sư tự hỏi chính mình thật to.
Đó là mùa thu năm cuối cấp của tôi, và tôi đang nói chuyện với giáo sư Srikant Datar, một người tôi rất hâm mộ ở trường kinh doanh Harvard và được giới thiệu bởi cố vấn của tôi, David Garvin. Tôi đang băn khoăn liệu có nên nộp hồ sơ xin học tiếp tiến sĩ vào một trường kinh tế luôn không. Vậy nên tôi mới đến gặp Srikant xin vài lời khuyên.
Và lời khuyên của ông đã thay đổi hoàn toàn 3 năm tới của tôi và chính là lý do mà tôi rời công việc của mình ở McKinsey. “Nếu cậu muốn trở thành kiểu giáo sư trả lời những câu hỏi lý thuyết,” ông bắt đầu nói, “thì cậu nên học thẳng lên tiến sĩ.” Ông ngừng một lúc lâu như thể đang cố gắng lục lọi trong đầu mình đúng từ để nói tiếp. “Nhưng, nếu cậu muốn trở thành một giáo sư trả lời những câu hỏi lớn, mà doanh nghiệp, người ta quan tâm, thì tôi nghĩ cậu nên đi làm, để thử sức trước.”
Lời khuyên rất đơn giản. Nếu tôi muốn nghiên cứu các tổ chức, thì tôi nên đi làm một vài năm để thấy được những câu hỏi thật sự mà các doanh nghiệp đang hằng ngày đối mặt.
Sau cuộc trò chuyện với Datar, tôi quay trở lại thư viện để suy nghĩ. Đây là nơi mà tôi bắt đầu lên kế hoạch cho đời mình sau tốt nghiệp. Tất nhiên, những ý tưởng đó không đến cùng một lúc, nhưng kế hoạch của tôi mỗi lúc một rõ ràng hơn sau này.
Tôi quyết định tạo ra một “khóa học thực tế” cho bản thân trước khi đăng ký học tiến sĩ: 2 kỳ học trong khoảng từ 3 đến 4 năm. Mỗi kỳ sẽ tầm 1.5 đến 2 năm và sẽ tập trung vào một loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Trong kỳ học đầu tiên này, tôi quyết định sẽ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, toàn cầu. Càng lớn, càng nhiều quốc gia, càng tốt! Đây cũng là một trong những lý do chính mà tôi chọn McKinsey.
Vào kỳ hai, tôi sẽ tìm và làm việc trong các tổ chức nhỏ hoặc startup. Lý tưởng nhất là ở những nơi ít nguồn lực - như một nước đang phát triển nào đó chẳng hạn. Tôi hi vọng mình sẽ học được nhiều điều thú vị - những câu hỏi chỉ xuất hiện với những tổ chức to hoặc nhỏ.
Mấy tháng trước, tôi nhận ra học kỳ đầu tiên cũng gần kết thúc. Tôi đã làm việc gần 2 năm với McKinsey ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và mặc dù tôi thật sự yêu công việc của mình tại McKinsey, nhưng tôi biết rằng ngoài kia có hàng vạn câu hỏi mà tôi sẽ không tài nào trả lời được tại một công ty quá lớn và uy tín như vậy.
Một tháng trước, dự án hiện tại của tôi với McKinsey cũng xong. Vậy nên tôi nghĩ có vẻ là đã đến lúc chuyển sang học kỳ tiếp theo. Sau khi suy nghĩ kĩ lưỡng, cân nhắc, và ít nhất có chuẩn bị một buổi nói chuyện ngắn tại một quán karaoke với bài “Call Me Maybe” (tạm dịch: Đôi khi gọi cho tôi nhé) làm nền, tôi quyết định nói với sếp suy nghĩ của mình.
Để kể sơ qua kỳ một nhé, với công việc chuyên viên phân tích cấp cơ sở, tôi chắc chắn là đạt được điểm C+. Nhưng nếu nói về học được gì trong một doanh nghiệp lớn, tôi nghĩ tôi đáng nhận được con A. Tôi học được ý nghĩa của việc truyền cảm hứng trong công việc của người quản lý, chán nản với chính trị nội bộ và cách các tổ chức đang chật vật cố gắng để không bị tụt hậu (stay relevant) khi ngoài kia đang thay đổi quá nhanh.
Bây giờ, học kỳ hai chỉ mới bắt đầu, còn tôi thì không thể nào phấn khích hơn. Đương nhiên, nếu tôi là bạn, tôi cũng sẽ hỏi: “Ủa, giờ sao Stephen?”
Câu trả lời là, có vài thứ khác nhau mà tôi sẽ làm.
Một, và quan trọng nhất, là tôi sẽ làm việc với Fulbright – một đại học tư thục, phi lợi nhuận với tinh thần khai phóng. Nó được sinh ra từ chương trình giảng dạy mà Harvard quản lý trong 20 năm tại Việt Nam, đặt tên theo vị Thượng nghị sĩ chống chiến tranh Fulbright, và được hỗ trợ bởi cả Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ngôi trường cũng là một startup. Công việc của tôi trong những năm tới sẽ giúp tạo nên một trung tâm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (giống như Harvard Innovation Labs) và gây quỹ để trường vận hành ổn định. Tôi cũng sẽ chuyển đến sống luôn tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của Việt Nam.
Thách thức mà chúng tôi đang đối mặt - làm sao để có thể xây dựng một trường đại học tầm cỡ quốc tế ở Việt Nam - thật sự khiến tôi phấn khích. Hai là tôi đang học tiếng Việt. Trước khi tham gia Fulbright, tôi dành ra 4 tiếng một ngày tại lớp học tiếng Việt một kèm một. Với tôi, ngôn ngữ như là công cụ để kết nối với nơi mình đang sống và để nói, bằng hành động của tôi, rằng tôi có quan tâm.
Sau kỳ học này tôi sẽ nộp hồ sơ xin học tiến sĩ. Việc này chẳng hấp dẫn tí nào. Nhưng, đó là điều tôi cần làm để trúng tuyển vào mùa thu 2020.
Phải thừa nhận là, chuyện này, chuyện tôi làm ở Việt Nam ấy, cảm giác như một bước ngoặt bất ngờ. Không phải tôi vừa chuyển đến Bắc Kinh sao? Tại sao tội lại bất thình lình muốn đến Việt Nam? Câu trả lời, đối với tôi là, đến Việt Nam như kiểu quyết định “ngay bây giờ hoặc không bao giờ.”
Về góc độ vĩ mô, Việt Nam giống như Trung Quốc đầu những năm 2000. Dần dần, đất nước này đang nổi lên như một ngôi sao kinh tế trong khu vực. Theo một số nguồn tin mà thôi tìm được, Việt Nam có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay. Bây giờ là thời điểm tốt để thấy được sự thay đổi ở quốc gia này. Nếu tôi không đến ngay bây giờ, thì thời điểm lịch sử như vậy sẽ không bao giờ lặp lại. (Khi tôi nói đến một số nguồn, thì thật ra tôi đang ám chỉ tới BCG – một công ty tư vấn đối thủ của McKinsey đó. Trời, thiệt là thoải mái khi được nói ra.)
Từ góc độ cá nhân, tôi cũng cảm thấy ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Nếu tôi không dành một vài năm tới ở Việt Nam, tôi không nghĩ là mình sẽ hiểu sâu hơn về đất nước này như cách mà tôi muốn. Tôi biết, con đường đến học viện là một chặng đường dài và quanh co. Sau khi tôi bắt đầu học tiến sĩ, chắc có lẽ phải mất tới 10 hay 15 năm trước khi tôi có thời gian để thở và nghĩ về thứ gì khác ngoài nghiên cứu.