Sau hơn một năm triển khai thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ban hành ngày 22/4/2015, nhiều nhà khoa học cho rằng, cần nghiên cứu thêm về quy định này để các nhà khoa học đầu ngành, uy tín không cảm thấy thiệt thòi.

Theo Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Phan Văn Tân - Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, thông tư 27/2015-TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đã rất tiến bộ khi đề cập vấn đề khoán đến sản phẩm cuối cùng; nhưng sau đó thông tư 55 lại quy định chấm ngày công và các nhà khoa học đang rất khổ vì điều này.

“Có những vấn đề nghiên cứu mà công việc không thể đếm bằng ngày công. Lập trình viên ở Mỹ viết một chương trình sẽ tính mỗi dòng lệnh - chứ không phải một ngày công - bao nhiêu tiền. Giá ngày công của ta chênh lệch nhau không nhiều, trong khi sản phẩm lại khác nhau. Theo tôi, sẽ hợp lý hơn nếu khoán đến sản phẩm cuối cùng, không quan tâm đến việc tính ngày công mà chỉ quan tâm sản phẩm cuối cùng như thế nào” - GS-TS Phan Văn Tân kiến nghị.

Kiểm tra kết quả vaccine tại Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1.
Ảnh: Minh Tuấn

Cùng chung quan điểm này, TS Trịnh Văn Giáp - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - cũng đề cập tới những khó khăn trong việc tính ngày công để lập dự toán. Theo ông, thông tư 55 đã có những điểm tiến bộ, tháo gỡ nhiều khó khăn cho công tác tài chính trong nghiên cứu khoa học.

“Tuy nhiên, quy định chấm công hiện đang khiến anh em cảm thấy rất khó khăn. Cán bộ khoa học không làm việc theo giờ hành chính nên không thể tính công cho họ theo 8 giờ hành chính; nhưng thông tư này đi sâu vào phương thức chấm công để tính kinh phí. Như vậy là đánh giá thấp công sức của nhà khoa học. Tôi cho rằng cần nghiên cứu tháo gỡ và thảo luận thêm để tìm giải pháp” - TS Giáp nói.

Thông tư 55 quy định các yếu tố đầu vào cấu thành dự toán nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN; các hoạt động phục vụ công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN của cơ quan có thẩm quyền; quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN; quy định chi công bố kết quả nghiên cứu và chi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan quản lý nhiệm vụ KH&CN, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác liên quan.