Nhiều vụ án nghiêm trọng được phá nhanh gọn, nhiều bộ kit chẩn đoán nhanh bệnh nguy hiểm và nhiều giống cây trồng, vật nuôi rất kinh tế… được tạo ra nhờ ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi tổng kết 10 năm triển khai Chỉ thị 50-CT/TW về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Chỉ thị 50).
Ứng dụng cực kỳ đa dạng
TS Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN - đánh giá, 10 năm qua, công nghệ sinh học (CNSH) đã được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Sản phẩm tiêu biểu là que thử ma túy, bảng màu, quy trình truy nguyên… góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống buôn bán và sản xuất ma túy trong nước cũng như trong khu vực. Việc sử dụng các loại que thử, phân tích truy nguyên ma túy đã giúp cho các cơ quan chức năng như công an, biên phòng, hải quan, viện kiểm sát… có đủ cơ sở pháp lý trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy. Ví dụ điển hình là vụ điều chế methamphetamine tại TP. Hồ Chí Minh, việc áp dụng quy trình truy nguyên giúp xác định mối liên quan của hai băng vận chuyển lớn mang heroin vào Việt Nam cùng một số nguồn sản xuất ở nước ngoài.
Cũng với việc ứng dụng CNSH, bộ kit DNA đa locus (16 gene) được sản xuất và sử dụng trong giám định hình sự, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở giám định gene để phá các vụ án. Công nghệ gene và các CNSH khác ứng dụng trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng còn giúp tạo ra các bộ kit xác định cá thể người, góp phần xác định nhân thân của các liệt sĩ vô danh.
Trong lĩnh vực y tế, ứng dụng nổi bật của CNSH là các bộ kit chẩn đoán bệnh lạ, ung thư, chẩn đoán trước sinh… bằng công nghệ gene. Chúng không chỉ có khả năng chẩn đoán nhanh, chính xác mà còn phát hiện mầm mống bệnh từ rất sớm, từ đó tăng hiệu quả của các khâu phòng và điều trị. CNSH cũng được ứng dụng trong sản xuất vắcxin phục vụ tiêm chủng mở rộng, giúp giảm số lần tiêm trong vòng 18 tháng đầu đời của trẻ em từ 20 mũi xuống còn dưới 10 mũi.
Nông nghiệp là lĩnh vực mà CNSH được ứng dụng nhiều nhất, tập trung chủ yếu vào việc phục tráng giống, tạo và nhân các giống cây sạch bệnh, sản xuất phân bón, tạo và nhân giống các vật nuôi…
Tại Hải Dương, nhiều hộ dân làm giàu nhờ việc nuôi cá rô phi đơn tính, lãi tăng 25-30%, thậm chí nếu nuôi ghép, lãi có thể tăng 35%. Chính vì vậy, diện tích nuôi cá rô phi đơn tính trên địa bàn tỉnh này đã đạt trên 4.000ha, chiếm trên 40% sản lượng cá của cả tỉnh.
TS Nguyễn Thị Thanh Thủy - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, ngành thủy sản đã làm chủ được công nghệ bảo quản đông lạnh tinh một số loài như cá giò, hàu Thái Bình Dương, ngao và cá hồi vân… để phục vụ sản xuất giống.
Cần có chính sách đa dạng hóa nguồn đầu tư
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 50, dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, song lĩnh vực mà các đề tài, dự án triển khai còn dàn trải trên nhiều đối tượng, chưa tập trung vào giải quyết một số vấn đề cấp bách trên đối tượng cây trồng hay giống thủy sản chủ lực mà chỉ công nghệ cao, CNSH mới giải quyết được. TS Thủy kiến nghị trong thời gian tới, Nhà nước cần đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu.
Còn TS Nguyễn Văn Liễu thì cho rằng, cần có chính sách thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho nghiên cứu các sản phẩm CNSH thiết yếu, gắn kết hoạt động KH&CN với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, phổ biến chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNSH vào sản xuất và đời sống.
“Cần có chính sách ưu tiên, đầu tư hỗ trợ không thu hồi hoặc tỉ lệ thu hồi thấp với các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm thuộc các lĩnh vực CNSH phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất của các ngành, địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 100 doanh nghiệp công nghiệp CNSH hoạt động hiệu quả, thay thế 50-70% các sản phẩm nhập khẩu tương tự” - TS Liễu kiến nghị.
Bộ KH&CN cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp và đề xuất với Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ có hiệu quả sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.