Sau 4 thập kỷ mở rộng rầm rộ, nhiều thành phố ở Trung Quốc có diện tích xây dựng quá lớn, trong khi diện tích thoát nước quá nhỏ, không thể ứng phó với những trận mưa lớn xảy ra ngày càng thường xuyên hơn do ấm lên toàn cầu.

Một đợt mưa lớn vào tháng 7 năm nay ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, trút xuống lượng mưa bằng cả năm chỉ trong ba ngày. Xe ô tô bị cuốn trôi hoặc mắc kẹt trong đường hầm ngập nước, nơi 6 người lái xe máy thiệt mạng. 14 người khác chết đuối trong hệ thống tàu điện ngầm. Tổng cộng, gần 300 người đã thiệt mạng. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, thiệt hại trung bình hằng năm do lũ lụt ở nước này đã tăng gấp đôi từ khoảng 100 tỷ nhân dân tệ (15,6 tỷ USD) trong thập kỷ sau năm 2000 lên hơn 200 tỷ nhân dân tệ vào đầu những năm 2010.

Khoảng 1/10 dân số Trung Quốc sống ở các thành phố vào năm 1950. Giờ đây, tỉ lệ này là 6/10. Và khoảng 70% các thành phố nằm trong vùng ngập lụt.

Các thành phố từ lâu đã cố gắng ngăn chặn lũ lụt bằng các kỹ thuật cứng, sử dụng “cơ sở hạ tầng xám” gồm các đập, đê và rào chắn. Tuy nhiên, các bề mặt đô thị gồm đường nhựa và bê tông lại dẫn đường cho nước mưa tràn vào hệ thống thoát nước - thường không đáp ứng được lưu lượng nước lớn.

“Chúng tôi đã xây dựng quá mức và đã xây dựng một cách sai lầm," Yu Kongjian, kiến ​​trúc sư cảnh quan tại Đại học Bắc Kinh, cho biết. Yu là một trong những người đầu tiên thúc giục các khu vực đô thị trở thành “thành phố bọt biển”, nghĩa là chúng phải có khả năng hấp thụ nước mưa bằng các biện pháp như tạo các vùng đất ngập nước nhân tạo, trồng cây bụi ven đường và sử dụng vật liệu thấm hút để xây dựng vỉa hè và quảng trường. Yu ước tính đô thị hóa đã khiến một phần ba số ao của nông dân và một nửa số đất ngập nước biến mất.

Chính phủ đã chấp nhận ý tưởng này và sử dụng thuật ngữ "thành phố bọt biển". Năm 2015, Trung Quốc phát hành một loạt các hướng dẫn để xây dựng các thành phố như vậy. Mục tiêu là đến năm 2030, 80% các thành phố có khả năng thu gom và tái chế 70% lượng nước mưa. Các chuyên gia tính toán, việc thực hiện các nguyên tắc về thành phố bọt biển của chính phủ sẽ tiêu tốn ít nhất 1 nghìn tỉ USD trên toàn Trung Quốc. Các khoản trợ cấp hào phóng đã được chuyển về các địa phương.

Dựa trên các hướng dẫn, các chính quyền địa phương đặt ra các mục tiêu riêng. Năm 2018, chính quyền thành phố Trịnh Châu cũng đã công bố kế hoạch “xốp hóa”. Do đó, trận lụt ở Trịnh Châu làm dấy lên câu hỏi: liệu các thành phố bọt biển công dụng hay không.

Bức ảnh chụp ngày 26/7/2021 này cho thấy lực lượng cứu hộ đang sơ tán người dân bằng một chiếc xe tải tại một khu vực ngập lụt ở thành phố Tân Hương, thuộc tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Ảnh: USAToday.

Trên thực tế, đã có các bằng chứng về công dụng của bọt biển hóa. Giống như Trịnh Châu, thành phố Vũ Hán, bên bờ Dương Tử, được chọn làm thành phố bọt biển thí điểm vào năm 2015. Từ ngày 5 đến ngày 6/7/2020, một trận mây mù gây ra lượng mưa kỷ lục trên toàn thành phố. Tuy nhiên, nước lũ bắt đầu rút đi trong vòng vài giờ. Những ngày tiếp theo, các trung tâm tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc vẫn có thể mở cửa bất chấp mưa lớn.

Các chuyên gia đồng ý rằng chương trình thành phố bọt biển của Trịnh Châu, được cho là đã tiêu tốn 55 tỷ nhân dân tệ, không phải vô nghĩa. Chính phủ yêu cầu các dự án bọt biển chỉ bao phủ 20% diện tích đô thị của thành phố vào năm 2020. Vì vậy, phải đến năm 2030 mới có thể đánh giá những nỗ lực bọt biển hóa của thành phố này. Và ngay trong trận lũ tháng 7 ở Trịnh Châu, mực nước giảm nhanh hơn so với trước đây.

Các quan chức Trịnh Châu khẳng định trận mưa hồi tháng 7 là sự kiện “chỉ có một lần trong thiên niên kỷ” mà ngay cả thành phố bọt biển được xây dựng tốt nhất cũng không thể ứng phó hoàn toàn.


Nguồn: