Muốn có óc tưởng tượng và trí sáng tạo, không gì hay hơn là học các môn học khai phóng.

Giáo dục khai phóng là một lĩnh vực rộng, bao gồm những môn học không phải thuần kỹ thuật, hay khoa học chuyên môn, mà liên quan đến nghệ thuật, âm nhạc, lịch sử, triết học, văn học, ngôn ngữ, v.v., tức mang tính nhân văn.

Giáo dục của các đại học châu Âu tiên khởi thời Trung cổ bắt đầu bằng bảy môn học nhân văn: văn phạm, hùng biện, biện chứng hay logic (gọi chung: Trivium), và âm nhạc, số học, hình học, thiên văn (gọi chung: Quadrium), cho chứng chỉ cử nhân (Bachelor of Arts) và kéo dài 4-5 năm. Chứng chỉ thạc sĩ (Master of Arts) ở bậc cao hơn, kéo dài thêm 3-4 năm cho có các môn chuyên ngành thần học, y khoa và luật khoa, để hành nghề sau này.

Đại học Fulbright Việt Nam (TPHCM) đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng của Mỹ.
Ảnh: fulbright.edu.vn

Anh quốc nổi tiếng có nền giáo dục nhân văn truyền thống, ở hai đại học lớn Cambridge và Oxford, để đào tạo những “gentlemen” của giai cấp quý tộc. Nhà thần học John Henry Newman, với tác phẩm nổi tiếng The Idea of a University (Ý niệm của một Đại học), xuất bản lần đầu năm 1852, đã đề cao tri thức nhân văn, coi nó là cứu cánh tự thân, hơn là tri thức hữu dụng, là phương tiện đi đến mục đích. Ông chủ trương bản chất của đại học là giảng dạy nhân văn, là “truyền bá và mở rộng tri thức hơn là phát triển nó”.

Khuynh hướng chỉ truyền bá kiến thức nhân văn của Newman gặp phải trào lưu ngược dòng nhằm mở rộng tri thức khoa học đang lên. Đại học Humboldt (thành lập năm 1810) hướng đến nghiên cứu khoa học và học thuật, Wissenschaft, vun xới con người theo chiều rộng lẫn chiều sâu bằng khái niệm Bildung, rèn luyện và tự rèn luyện con người toàn diện,(1) mở rộng chân trời hiểu biết đến những biên giới tri thức mới qua nghiên cứu và xem xét lại sự vật, hướng dẫn sinh viên cùng tiến đến những biên giới mới của học thuật. Người thầy giỏi phải là người nghiên cứu giỏi. Hình thức đại học mới, để có khám phá, cần phải có tự do học thuật nhất định.

Ảnh hưởng của Đại học Humboldt là rất lớn. Nghiên cứu để khám phá trở thành một trào lưu mới của đại học, ngay cả trong những ngành nhân văn, và phát triển mạnh mẽ sang Mỹ vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XIX. Nước Anh, pháo đài của giáo dục nhân văn, cũng bị “tiêm nhiễm”.

Sự xuất hiện Nguồn gốc các loài của Darwin thúc đẩy các đại học Anh rời bỏ giáo dục nhân văn cổ điển để chuyển sang đại học nghiên cứu như Đức. Thomas Huxley quan niệm “giáo dục nhân văn” cần được hướng đến việc nâng cao tri thức con người và được “xây dựng trên niềm tin vững chắc rằng, việc sử dụng tự do lý tính, theo phương pháp khoa học, là phương pháp duy nhất để đạt đến chân lý.”

Thế kỷ XVIII, David Hume, nhà khai sáng lớn của Anh, người có ảnh hưởng lên thuyết tương đối hẹp của Einstein, cũng như nhiều học giả khai sáng khác, cũng biện hộ cho Khoa học Mới (New Science), rằng sự học Khoa học Mới cũng có ý nghĩa nhân văn như học tiếng Hy Lạp hay tiếng Latin. Hume lý luận rằng sự học khoa học “làm tính khí khoan hòa và nhân ái, nâng niu những cảm xúc tinh tế, những thứ tạo nên đức hạnh và danh dự.” Cái học đó cũng “không ít cao cả và tinh tế hơn”.(2)

Cuộc cách mạng tri thức, bắt đầu từ thế kỷ XVII trở đi và phát triển mạnh mẽ sau cuộc hồi sinh của đại học từ mô hình Đại học Humboldt, đã làm cho những tiêu chuẩn khoa học về chân lý và tri thức ngày càng tạo được ảnh hưởng lớn, có tác động sâu sắc lên mọi ngành học, kể cả những ngành nhân văn, những thứ trước đây ngự trị như trung tâm của giáo dục đại học. Giáo dục nhân văn không còn đơn giản chỉ dựa vào sách vở xưa cũ. Những sách giáo khoa cũ có thể chứa đựng những nguồn tri thức quan trọng về văn hóa, nhưng chúng cũng cần phải được xem xét một cách phê phán. Quan điểm hiện đại nhìn giáo dục nhân văn như một phương cách giúp ta giải phóng tinh thần khỏi những quan điểm và giả định nông cạn để suy nghĩ độc lập và suy xét có phê phán, giúp ta biết chất vấn những quy ước và tín điều, những điều được số đông coi là hiển nhiên, có thái độ phê phán trước giáo điều, và có thái độ cởi mở trước mọi vấn đề. Những ý tưởng này dần dần định hình các phương hướng của giáo dục khai phóng trong các viện đại học và đại học phân khoa (college)(3).

Thực tế, từ thế kỷ XVII (Cách mạng khoa học) và thế kỷ XVIII (Khai sáng), có một loại lý tưởng mới trong giáo dục nhân văn được gọi là lý tưởng khai phóng-tự do (liberal-free ideal) (Kimball). Lý tưởng này tuy cũng dựa trên giáo dục khai phóng cổ điển, và những tư tưởng của Hy Lạp và La Mã, nhưng qua cảm hứng từ cách mạng khoa học và khai sáng, chứa đựng thêm triết lý của Socrates, phê phán (criticism), hay xa hơn, hoài nghi phê phán (critical scepticism). Bởi vì “sự tin chắc (certainty) chính là bà mẹ của sự không khoan dung”, nên khoan dung (tolerance) là một trong những đặc trưng của lý tưởng khai phóng-tự do.(4) Lịch sử văn minh phương Tây là lịch sử của phê phán, tự vấn, tranh luận, lý luận, đối thoại giữa những tiếng nói khác nhau, của sự tái diễn giải, tu chỉnh và khám phá bất tận. Đó cũng là văn hóa của đại học, với tư cách là “đỉnh cao – nơi hội tụ tất cả những hoạt động thể hiện nền văn hóa quốc gia” (Humboldt).

Thế giới cổ điển là thế giới của “trật tự”, trong khi thế giới của khoa học hiện đại là “hỗn loạn”, vì nó vượt khỏi khuôn khổ thế giới cổ điển, không ngừng thay đổi và tự cách mạng. Nhưng chính “vùng cửa sông nơi mà trật tự cứng nhắc và sự hỗn loạn gặp nhau” mới là nơi màu mỡ để tạo ra một loại giáo dục nhân văn mới “tinh xảo và sáng tạo”, mượn cách nói trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp.

Những năm sau Thế chiến II, nghiên cứu khoa học được mùa lớn, khoa học và công nghệ phát triển dữ dội,(5) người ta tập trung vào nghiên cứu mà xao lãng giáo dục nhân văn.

Phát triển công nghệ có thật là không cần đến giáo dục nhân văn hay không? Hãy nghe Steve Jobs nói về nhu cầu giáo dục nhân văn khi cho ra mắt sản phẩm iPad 2 năm 2011:

“Một mình công nghệ thôi không đủ để tạo thành DNA của Apple. Công nghệ phải kết hợp với nghệ thuật nhân văn mới cho chúng ta những sản phẩm có thể làm trái tim reo vui và hạnh phúc, và không ở đâu điều đó đúng hơn là ở các thiết bị thời đại hậu PC này.”

Vì thế con người cần phải được giáo dục toàn diện. Chỉ có nền giáo dục mang tính nhân văn cao mới đáp ứng được những thách thức mà Thomas Friedman và Michael Mandelbaum đã tóm tắt như sau: lấy óc tưởng tượng làm chỉ số của sự phát triển, một tính chất mà Einstein từng cho là vô cùng quan trọng trong nghiên cứu khoa học.

Tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo được hỗ trợ bằng nhiều nhân tố, một số trong đó hoàn toàn nằm ngoài những lĩnh vực kiểm tra và kỹ năng. Hãy lắng nghe vị cựu bộ trưởng Bộ giáo dục quốc gia Singapore Shanmugaratnam, từng chia sẻ rằng: “Có một số tính chất của trí tuệ mà chúng ta không thể đo lường chính xác, như tính sáng tạo, óc tò mò, trí phiêu lưu, lòng tham vọng.”

Giáo dục nhân văn tạo nên sự thức tỉnh trong con người, đánh thức cảm xúc làm người, giúp hình thành một thế giới nhân văn bên trong, và tạo tầm nhìn xa, mơ ước lớn. Nó đánh thức các khả năng và cảm xúc thầm kín bên trong, mở khóa kho tàng các năng lực và cảm xúc nội tâm sâu thẳm, cho phép sự sáng tạo ngày càng nảy nở như những hạt giống nảy mầm từ miếng đất nhân văn được khai phá và chăm bón.

Giáo dục cho bạn một kỹ năng, còn giáo dục khai phóng cho bạn phẩm giá.

Ellen Key

Giáo dục khai phóng cho thế kỷ XXI là “lối học giúp cho các cá nhân có năng lực mạnh mẽ, và chuẩn bị cho họ khả năng xử lý tính phức tạp, sự đa dạng và thay đổi. Nó cung cấp cho sinh viên tri thức của một thế giới rộng lớn hơn (chẳng hạn khoa học, văn hóa, và xã hội) cũng như chiều sâu trong một lĩnh vực quan tâm đặc biệt. Một nền giáo dục khai phóng giúp sinh viên phát triển một ý thức trách nhiệm xã hội, cũng như các kỹ năng tư duy và thực hành hiệu quả như: kỹ năng phân tích và giải quyết bài toán, và một năng lực đã được chứng minh bằng cách áp dụng tri thức và kỹ năng trong những hoàn cảnh của thế giới thật.(6)

Định nghĩa của Hiệp hội Các đại học và đại học phân khoa Mỹ

(Trích từ "Tại sao giáo dục khai phóng" của tác giả)

(1) Nguyễn Xuân Xanh, Đại học: Lịch sử một ý tưởng trong Đại học Humboldt 200 năm.

(2) Bruce A. Kimball, Orators and Philosophers. A History of the Idea of Liberal Education. Teachers College Press, Columbia University, 1986.

(3) Hanna Holborn Gray, Searching for Utopia. Universities and Their Histories. University of California Press, 2012, tr. 43.

(4) George Fallis, Mutiversities, Ideas, and Democracy. University of Toronto Press, 2007, tr. 35.

(5) Xem Clark Kerr, Các công dụng của Đại học.

(6) H. I. Marrou, A History of Education in Antiquity. University of Wisconsin Press, 1956.