Những chương trình đào tạo đại học 'không phù hợp' với định hướng phát triển quốc gia của Trung Quốc sẽ bị loại bỏ.

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch tái cấu trúc các ngành và chuyên ngành trong hệ thống giáo dục đại học nhằm tăng tỷ lệ các chương trình đào tạo về công nghệ mới, phục vụ hiệu quả cho các ngành mũi nhọn. Theo đó, khoảng 10.000 chương trình đào tạo mới sẽ được bổ sung. Đồng thời, khoảng 12.000 chương trình đào tạo trong các ngành và chuyên ngành 'không ai cần đến' có thể bị buộc phải đóng cửa.

Cụ thể, tỷ lệ các chương trình chuyên đào tạo về khoa học cơ bản và y học sẽ được tăng lên để “phục vụ sự phát triển của đất nước”, theo kế hoạch do Bộ Giáo dục và bốn cơ quan khác – gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Tài chính, và Bộ Nhân lực và An sinh xã hội – vừa công bố vào đầu tháng này.

Trong hai năm tới, khoảng 10.000 chương trình và 300 trung tâm đào tạo - đặc biệt là về các môn khoa học cơ bản như toán học, vật lý, hóa học, sinh học và các ngành “có ảnh hưởng quốc tế” - sẽ được bổ sung vào hệ thống giáo dục đại học. Đây là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm khắc phục điểm yếu về nghiên cứu khoa học cơ bản khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Bên cạnh đó, các trường y tế công cộng mới sẽ được mở tại các trường đại học hiện có.

Kế hoạch đặc biệt tập trung vào kỹ thuật, công nghệ và mối liên kết với doanh nghiệp. Dự kiến sẽ có 30 trường công nghệ, và 300 trường kỹ thuật “xuất sắc” và “trường công nghiệp hiện đại” được xây thêm.

Trọng tâm của kế hoạch tái cấu trúc được đặt vào các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm đào tạo chuyên về vật liệu bán dẫn, phần mềm máy tính, an ninh mạng, mật mã, năng lượng, công nghệ lưu trữ năng lượng, và nông nghiệp 'thông minh'. Trong đó, đẩy mạnh số lượng chương trình đào tạo về vật liệu bán dẫn được coi là cấp thiết nhất.

Bộ Giáo dục kỳ vọng, đến năm 2035, cấu trúc của các ngành và chuyên ngành trong hệ thống giáo dục đại học sẽ được tổ chức hợp lý hơn, giữa các khóa đào tạo có sự khác biệt rõ rệt hơn - mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện khả năng có việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Kế hoạch tái cấu trúc được đưa ra vào thời điểm một số dự án xây dựng trường đại học mới đã bị chính quyền cấp tỉnh tiết giảm do tình hình kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng có thể hồi sinh các dự án này bằng cách điều chỉnh mục tiêu của chúng theo các định hướng được nêu ra trong bản kế hoạch mới, ưu tiên những dự án tạo ra mối liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp cao cấp.

Theo Bộ Giáo dục, các trường đại học Trung Quốc cấp bằng ở 66.000 chuyên ngành. Kể từ năm 2012, đã có khoảng 17.000 chuyên ngành mới được mở và khoảng 10.000 chuyên ngành khác bị loại bỏ hoặc đình chỉ.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng kế hoạch mới là một cuộc tái cấu trúc trên phạm vi rộng hơn, có thể dẫn đến sự biến mất hoặc sáp nhập của khoảng 12.000 chuyên ngành trong vòng hai năm tới.

Sàng lọc và loại bỏ

Theo bản kế hoạch, các cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh sẽ tiến hành thanh tra và loại bỏ gần 20% số chương trình đào tạo được coi là “không phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội”. Những chuyên ngành được coi là có chất lượng đào tạo thấp hoặc sinh viên tốt nghiệp có tỷ lệ việc làm thấp sẽ phải tạm dừng tuyển sinh.

Bản kế hoạch đề nghị các cơ quan chức năng nên đánh giá liệu các chuyên ngành đại học thuộc phạm vi quyền hạn quản lý của họ có phù hợp với sự phát triển của khu vực hay không và nên công bố danh sách các chuyên ngành có mức độ ưu tiên cao và thấp.

Các cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh cũng sẽ phải theo dõi chất lượng giảng viên và sự hài lòng của học sinh đối với các ngành học hiện có. Tuy nhiên, bản kế hoạch không đề cập những thông tin này sẽ được thu thập như thế nào.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc kiểm tra hoạt động của máy tính lượng tử tại phòng thí nghiệm ở Thượng Hải. Ảnh: Tân Hoa xã
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc kiểm tra hoạt động của máy tính lượng tử tại phòng thí nghiệm ở Thượng Hải. Ảnh: Tân Hoa xã

Việc sàng lọc các chương trình đào tạo đại học không phải là mới và đã được tiến hành suốt thập kỷ qua như một biện pháp hạn chế các chương trình có chất lượng thấp và có tỷ lệ việc làm thấp sinh sôi nảy nở trong thời kỳ mở rộng đại học nhanh chóng.

Theo quy định lâu nay, các chương trình đào tạo sẽ bị loại bỏ nếu dưới 60% sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm trong hai năm liên tiếp. Khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên thành thị trong độ tuổi từ 16 đến 24 đạt mức kỷ lục 19,9% vào tháng 7/2022 và số sinh viên mới tốt nghiệp đại học đạt mức cao nhất mọi thời đại - hơn 10,75 triệu - vào năm ngoái, chính quyền các tỉnh đã đình chỉ thêm nhiều ngành đào tạo.

Tuy nhiên, xu hướng sàng lọc chương trình cũ hoặc mở thêm chương trình mới dựa trên các kế hoạch phát triển kinh tế của chính phủ, trong đó lấy KH&CN làm động lực, hoặc các kế hoạch phát triển công nghiệp của địa phương thì mới xuất hiện gần đây.

“Một trong những vấn đề mà Trung Quốc đã giải quyết trong một thời gian dài là mối quan hệ giữa nghiên cứu và sản xuất, hay mối quan hệ giữa nghiên cứu và ứng dụng,” Denis Simon - chuyên gia về chính sách KH&CN Trung Quốc tại Trường Kinh doanh Kenan-Flagler thuộc Đại học Bắc Carolina, cựu phó hiệu trưởng điều hành của Đại học Duke Côn Sơn ở Trung Quốc - cho biết. “Trung Quốc muốn thu hẹp khoảng cách đó.”

Cải thiện mối liên kết đại học – doanh nghiệp

Cải thiện mối liên kết đại học – doanh nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia, được vạch ra trong các phiên họp chung giữa Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và cơ quan cố vấn của nó là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào đầu tháng trước.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng phần lớn kết quả nghiên cứu có giá trị của đất nước hiện chưa được chuyển thành các ứng dụng hoặc sản phẩm thực tế, đặc biệt là đối với các công nghệ mới nổi và trí tuệ nhân tạo.

Sở hữu công nghệ nguồn của riêng mình và biến nghiên cứu thành sản phẩm là quan điểm chủ chốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm tránh phụ thuộc vào Mỹ về thương mại và công nghệ.
Trung Quốc cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực trong các công nghệ then chốt vì vậy nước này đang trải qua một số cải cách giáo dục mạnh mẽ để đưa, chẳng hạn, việc đào tạo về vật liệu bán dẫn trở thành một ưu tiên hàng đầu - theo Simon.

“Trung Quốc đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực có trình độ cao trong ngành công nghiệp bán dẫn,” ông nói, ám chỉ việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc, khiến việc phát triển nhân lực trình độ cao cho ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trở thành ưu tiên lớn của nước này.

Tuy nhiên, theo Simon, trong số hơn 100 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến vật liệu bán dẫn ở Trung Quốc, chỉ có 42 trường thực sự đủ điều kiện đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Ông lưu ý, ở phần lớn các cơ sở giáo dục đại học, giảng viên không có sự thâm nhập sâu rộng vào ngành này để hiểu nhu cầu của các công ty chủ chốt.

Kế hoạch mới của Bộ Giáo dục có tham vọng giải quyết những điểm bất cập nêu trên.

Ví dụ, để bằng cấp phù hợp hơn với sự phát triển của các ngành công nghệ then chốt hoặc mới nổi, các cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh được yêu cầu thường xuyên lập danh sách “các ngành và chuyên ngành cấp bách” và xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu nhân lực trình độ cao của các ngành.

Khối công nghiệp được khuyến khích tham gia vào việc điều chỉnh và triển khai các chương trình đào tạo đại học, bản kế hoạch cho biết.

Simon, người gần đây đã cung cấp thông tin về công tác giáo dục và đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực bán dẫn ở Trung Quốc cho Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ, cho biết trong lời chứng của mình rằng gánh nặng giải quyết thách thức trong các lĩnh vực mà Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh trong các kế hoạch KH&CN mới, chẳng hạn như trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn, “được đặt thẳng lên vai hệ thống giáo dục trong nước”.

Simon lưu ý đã có nhiều cải thiện rõ rệt cả về chương trình giảng dạy và mối liên kết đại học - doanh nghiệp. Nhưng chừng đó chưa đủ, bởi vậy đổi mới giáo dục đại học vẫn là sự nghiệp quan trọng của Trung Quốc về lâu dài.

Nguồn: