Tuy nhiên, quá trình xây dựng danh sách này lại đang gây nhiều tranh cãi, và một số nhà nghiên cứu cho rằng chính sách này sẽ không giúp cải thiện nhiều về chất lượng nghiên cứu.
Mới đây, Chính phủ Trung Quôc đưa ra một dự thảo về việc xây dựng một danh sách đen các tạp chí khoa học, đã làm dấy lênnhiều tranh luận trong giới học thuật nước này. Cho đến giờ, đã năm tháng trôi qua kể từ khi kế hoạch lập danh sách đen được công bố, các nhà khoa học vẫn đang chờ ngày danh sách này chính thức ra mắt.
Việc chuẩn bị danh sách đang diễn ra trong bí mật. Chính phủ nói rằng danh sách sẽ bao gồm các tạp chí mà họ coi là chất lượng kém hoặc chạy theo lợi nhuận thái quá. Tuy nhiên chính phủ Trung Quốc lại không công bố các tiêu chí lựa chọn của họ, cũng như không nói khi nào chính sách sẽ có hiệu lực.
Trước đây, đã có một vài danh sách đen các tạp chí khoa học, do một số tổ chức, cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc tự lập và họ yêu cầu các nhà nghiên cứu phải tránh, nhưng danh sách do các cơ quan chính phủ xây dựng là rất hiếm. Còn Chính phủ Trung Quốc thì hy vọng rằng một chính sách quốc gia lần này sẽ cải thiện tính liêm chính học thuậtbằng cách giảm các bài viết có chất lượng thấp hoặc sự gian lận của các tác giả Trung Quốc. Các học giả sẽ được khuyến khích tránh gửi nghiên cứu cho các ấn phẩm trong danh sách đen và sẽ nhận cảnh cáo nếu vẫn lựa chọn những nơi này để xuất bản.
Bộ Khoa học được giao nhiệm vụ lập danh sách đen vào tháng 5, khi Hội đồng Nhà nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc, ra tuyên bố sẽ có chính sách trừng phạt thẳng tay đối với các hành vi sai trái trong khoa học sau nhiều vụ bình duyệt giả, sử dụng dữ liệu giả và đạo văn. Vào thời điểm đó, chính phủ nói rằng danh sách đen này sẽ có cả các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, các ấn phẩm xuất bản trong các tạp chí thuộc danh này sẽ không còn được tính vào hồ sơ khi xét duyệt tài trợ hoặc bổ nhiệm.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo
Tờ Nature đã khảo sát một số danh sách các tạp chí kém chất lượng do các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc soạn thảo. Ví dụ, Trung tâm Nhãn khoa Trung Sơn tại Đại học Tôn Trung Sơn, Quảng Châu đã lưu hành một tài liệu vào tháng 1, cảnh báo các nhà nghiên cứu nếu xuất bản trong một danh sách các tạp chí được dán nhãn "gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học" vì các tờ nàyđã nhiều lần rút bài xuốngbài báo. Bệnh viện sản phụ khoa của Đại học Phúc Đán biên soạn một danh sách khác. Một đại diện từ bệnh viện nói rằng việc xuất bản trêncác tạp chí trong danh sách này không bị cấm, nhưng các nhà nghiên cứu không thể sử dụng tiền được tài trợ nghiên cứu để trả khoản lệ phí xuất bản trên các tờ đó.
Danh sách đầu tiên gồm hai trong số các tạp chí lớn nhất thế giới PLOS ONE và Scientific Reports. Joerg Heber, Tổng biên tập PLOS ONE, cho biết ông không hiểutại sao một số trường đại học Trung Quốc ngăn cản các nhà nghiên cứu của họ gửi bài vì chỉ một phần nhỏ (119) trong số gần 200.000 bài báo trên tờ này đã bị rút xuống.
Một phát ngôn viên của tờ Scientific Reports cho biết họ không thể bình luận về bất kỳ quyết định cá nhân nào, nhưng hy vọng rằng các tổ chức sẽ tiếp tục nhận ra giá trị của tạp chí.
Một danh sách cho tất cả?
Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc đang có những ý kiến khá khác nhau về vấn đề này.
Hay Shi Xiaolei, một nhà sử học tại Viện Lịch sử Khoa học Tự nhiên ở Bắc Kinh, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) cũng tin rằng một danh sách đen cấp quốc gia và những danh sách tạp chí được chấp nhận tại các tổ chức nghiên cứu gần đây "sẽ có tác động tích cực đến môi trường học thuật của Trung Quốc”.
Hay Omid Mahian, một kỹ sư nhiệt tại Đại học Giao thông Tây An cũng cho rằng, có một chính sách quốc gia áp dụng cho tất cả các nhà nghiên cứu sẽ tốt hơn so với việc các tổ chức tự xây dựng danh sách các tạp chí uy tín hoặc tạp chí đen của riêng mình.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác lại cho rằng danh sách đen cấp quốc gia sẽ không khắc phục vấn đề chất lượng nghiên cứu và sẽ khó quản lý. Danh sách các ấn phẩm tốt được xác nhận là một công cụ tốt hơn để cải thiện chất lượng nghiên cứu.Nhà nghiên cứu y học Ren Chuanli tại Bệnh viện Nhân dân Bắc Giang đồng ý rằng, “một danh sách đen cấp quốc gia có thể giúp giảm các hành vi sai trái trong khoa học bởi vì nó sẽ trừng phạt một số tạp chí các bản thảo chất lượng kém”. "Nhưng vấn đề thực sự không phải ở các tạp chí, mà là ở người gửi bài", Ren nói. Ông nói rằng một số tạp chí chất lượng cao cũng có xuất bản các bài báo chất lượng thấp và một số tạp chí được coi là chất lượng thấp có khi xuất bản bài viết có chất lượng cao, thường xuyên được trích dẫn. Đồng tình với ông, Mu-ming Poo, nhà thần kinh học tại Viện Thần kinh học thuộc CAS, cũng cho rằng, các bài báo ngụy tạo đã từng xuất hiện trên tất cả các loại tạp chí, cho nên việc chỉ có một danh sách đen đánh giá chất lượng chung của tạp chí chưa chắc đã ngăn chặn được những bài báo ngụy tạo này.
Danh sách đen này cũng khó theo dõi được hết vì có nhiều tạp chí mới được thành lập, theo Lars Bjørnshauge, giám đốc quản lý Danh mục các tạp chí truy cập mở (DOAJ) - một danh sách các tạp chí truy cập mở đã được kiểm tra để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. Bjørnshauge cũng băn khoăn về việc liệu Trung Quốc có thể sử dụng danh sách đen như một cách để nâng cao vị thế các tạp chí Trung Quốc hay không.
Yu Liping, người nghiên cứu đánh giá học thuật tại Đại học Gongshang Chiết Giang ở Hàng Châu nghi ngờ rằng danh sách này sẽ không toàn diện và không bao gồm tất cả các tạp chí Trung Quốc có vấn đề liên quan đến hành vi sai trái khoa học – bởi vì đây là những vấn đề mà chính phủ Trung Quốc đã từng cố giải quyết nhưng thất bại. "Việc đánh giá những tạp chí này có thể có một tác động lớn không thể đoán trước," Yu nói.
Không chỉ là thống kê các bài tạp chí
Với mục tiêu cải thiện các tiêu chuẩn nghiên cứu, thì việc xây dựng một danh sách các tạp chí được đủ điều kiệnđáp ứng các tiêu chuẩn nhất định là một công cụ tốt hơn so với việc tạo ra một danh sách đen, Yu nói.
Nhưng Tang Li, một nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói rằng rất khó để đạt được một sự đồng thuận về các tiêu chuẩn phân loại tạp chí, dù là theo danh sách nào. Trung Quốc đã cố gắng để tạo ra một danh sách được phê duyệt cấp quốc gia trong năm 2016, nhưng Bộ giáo dục đã từ bỏ ý tưởng khi các nhà khoa học không thể đồng ý về các tiêu chí lựa chọn của danh sách, Tang nói.
Hầu hết các nhà nghiên cứu đồng ý rằng điều Trung Quốc cần là một hệ thống toàn diện để đánh giá chất lượng nghiên cứu - một điều mà chính phủ cũng đã hứa vào tháng 5, hơn là danh sách tạp chí tốt hay danh sách tạp chí đen. Bjørnshauge nói: “Điều quan trọng là những người đánh giá nghiên cứu thực sự đánh giá nghiên cứu, chứ không chỉ thống kê các bài báo đăng tạp chí ‘quốc tế’ được liệt kê trên CV của nhà nghiên cứu mà họ đánh giá”.
Hoàng Nam dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-07025-5