Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài và đã ghi nhận những kết quả tích cực về nhiều mặt, nhưng có một mục tiêu quan trọng chưa đạt được, đó là việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sang cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó, 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 180,7 tỷ USD bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách. Khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, tiếp cận chuyển giao công nghệ qua mua công nghệ hay hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, từng bước nâng cao trình độ công nghệ sản xuất trong nước. Một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến của thế giới và có những tiến bộ rõ rệt như: bưu chính - viễn thông, dầu khí, xây dựng, cầu đường, khách sạn cao cấp, căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê...

Điển hình như trong lĩnh lực dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN đã tiếp thu có hiệu quả công nghệ dầu khí từ doanh nghiệp liên doanh Vietsovpetro và các nguồn công nghệ khác, xây dựng viện nghiên cứu và làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại và phức tạp trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa nước ta.

Công nhân đang làm việc trong dây chuyền sản xuất loa, tai nghe tại Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh, khu công nghiệp VSIP. Nguồn ảnh: skhdt.bacninh.gov.vn

Tuy nhiên, khi nhìn một cách tổng thể thì các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam không cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác nhận: mục tiêu chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là chưa đạt được, chưa thiết lập được mối liên kết nước ngoài với doanh nghiệp trong nước1.

Chưa thấy có tổng kết và đánh giá định lượng nào về chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta cũng chưa thấy có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm cho thiếu sót này.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được ưu đãi “trải thảm” về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp họ có lợi thế hơn hẳn so với doanh nghiệp trong nước - một số tỉnh còn tự ý ưu đãi vượt khung luật pháp để thu hút đầu tư nước ngoài về tỉnh mình - nhưng các chính sách ưu đãi đó không hề kèm theo bất kỳ trách nhiệm chuyển giao công nghệ nào. Vì vậy, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động như một khối doanh nghiệp riêng biệt, ít hoặc không có liên kết với doanh nghiệp trong nước, và không có động lực kinh tế đủ mạnh để họ liên kết và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đơn cử như Tập đoàn Samsung đã có danh sách hơn 100 linh kiện đề nghị các doanh nghiệp đối tác Việt Nam cung ứng, 1200 doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký, một Hội đồng tuyển chọn đã xem xét các doanh nghiệp này và cuối cùng chỉ lựa chọn được 12 doanh nghiệp với điều kiện họ phải đầu tư, nâng cao trình độ công nghệ.

Ví dụ trên cho thấy, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế và không bỏ lỡ cuộc chơi ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp trong nước đừng nên trông chờ vào thiện chí từ các doanh nghiệp FDI, mà chủ yếu phải tự chủ động tìm kiếm cơ hội nâng cao năng lực công nghệ của bản thân doanh nghiệp mình.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là doanh nghiệp trong nước không cần sự hợp tác chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI. Hiện nay chúng ta đã có một số doanh nghiệp trong nước chủ động tự tìm kiếm và mua công nghệ mà không cần chờ đến doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển giao, như gốm sứ Minh Long 1, hay đình đám gần đây là ô tô Vinfast. Nhưng một vài trường hợp đơn lẻ như vậy không thể thay đổi được thực tế là phần lớn doanh nghiệp trong nước quy mô còn quá nhỏ bé, chưa sẵn sàng tự lực tiếp thu công nghệ mới.

Do đó, chúng ta vẫn cần thúc đẩy và thậm chí đặt ra các yêu cầu ràng buộc cụ thể về chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điều đó cần đến nỗ lực toàn diện, từ những cải cách môi trường kinh doanh, bổ sung khung pháp luật, đến xây dựng các “vườn ươm khoa học-công nghệ”, kết nối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước như thành phố Hồ Chí Minh đã làm và đem lại những kết quả bước đầu.

Mặt khác, để tiếp nhận được những công nghệ mang lại hiệu quả đích thực và bảo vệ lợi ích chính đáng của bên tiếp nhận công nghệ thì không thể thiếu những chuyên gia am hiểu thị trường công nghệ quốc tế. Như GS TSKH Nguyễn Mại từng khẳng định: “Hiện tượng phổ biến trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI là giá cả cao hơn nhiều so với mua công nghệ của các nước phát triển.”2

(1) https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/thu-hut-fdi-nhieu-nhung-chuyen-giao-cong-nghe-khong-duoc-bao-nhieu-779098.vov

(2) https://nhadautu.vn/fdi-voi-chuyen-giao-cong-nghe-d313.html