Như đã phân tích ở bài trước, số lượng vụ việc và mức độ thiệt hại của các vụ việc vi phạm bản quyền trên môi trường số chắc chắn sẽ gia tăng. Cơ chế hành chính, như đã trình bày có những hạn chế. Nhưng tòa án, một giải pháp được sử dụng chủ yếu ở các nước phát triển, cũng khó có thể là ‘chỗ dựa’ để giải quyết vấn đề ở Việt Nam.

Hạn chế xử lý qua Tòa án

Giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nói chung chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong giải quyết tranh chấp dân sự tại Việt Nam. Việt Nam cũng chưa có bất kì một vụ việc truy cứu trách nhiệm hình sự nào đối với hành vi vi phạm quyền tác giả. Nguyên nhân là do thủ tục phức tạp, chậm trễ, thiếu các biện pháp khẩn cấp tạm thời và không chắc chắn về kết quả đối với cả kiện dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 hiện nay, tổng thời hạn để giải quyết một vụ án về sở hữu trí tuệ, tính từ thời điểm nộp đơn khởi kiện đến khi có bản án sơ thẩm ít nhất là 6 tháng, nếu trong quá trình giải quyết cần gia hạn, tạm ngừng, hoãn phiên tòa hoặc nếu tiếp tục kháng cáo phúc thẩm thì thời hạn còn kéo dài hơn. Trong thời gian giải quyết cũng không có biện pháp nào để khắc phục hậu quả vi phạm.

Như vậy, áp dụng phương thức khởi kiện dân sự nếu có tranh chấp về quyền tác giả trên Internet không đem lại hiệu quả cần thiết. Đặc biệt, khả năng giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng của các thẩm phán không cao. Chính phủ Hoa Kỳ từng làm việc với Tòa án nhân dân tối cao về việc xây dựng sổ tay sở hữu trí tuệ cho các thẩm phán nhưng dự án này đã bị trì hoãn.


Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, sửa đổi quy định liên quan đến quy mô thương mại của tội phạm từng là rào cản trong việc thực thi pháp luật của Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi 2009.

Quy định mới được các tổ chức quốc tế về sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đánh giá cao, hi vọng sẽ tạo ra cơ sở tốt hơn cho các tòa án truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, kể cả khi có quy định rồi, ‘trái bóng’ vẫn còn nằm trong chân cơ quan hành chính, cụ thể là các cơ quan điều tra thuộc ngành Công an, thêm vào đó là sự hỗ trợ từ các cơ quan tố tụng khác (Viện Kiểm sát và Tòa án). Hiệu quả thực thi, do đó vẫn sẽ còn phải chờ đợi.

Giải pháp từ các khu vực tư nhân

Do những khó khăn từ các cơ quan thi hành pháp luật như trên, dựa vào hệ thống nhà nước có thể không phải là câu trả lời hiệu quả nhất cho việc thực thi bản quyền trên môi trường số trong ngắn hạn. Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân có những giải pháp tốt để tự bảo vệ mình. Các nước phương tây cũng bắt đầu khuyến thực hiện biện pháp ngăn chặn mang tính kỹ thuật, (tuy vậy, ở một số nước thực hiện việc này phải có lệnh của Tòa án).

Luật bản quyển 2015 của Úc cho phép chủ sở hữu bản quyền đề nghị Tòa án liên bang yêu cầu ISP ngăn chặn truy cập đến các trang trực tuyến bên ngoài Úc vi phạm bản quyền. Luật bản quyền 1994 sửa đổi 2011 của New Zealand cho phép cơ chế phát hiện, yêu cầu ISP cảnh báo website vi phạm bản quyền.

Sau 3 lần cảnh báo trong 9 tháng có thể yêu cầu Tòa án xử lý. Luật bản quyền 2014 của Indonesia cho phép chặn website vi phạm bản quyền, có cơ chế cho cộng đồng phát hiện và báo cáo về vi phạm bản quyền. Các website bị chặn từ 8 đến 12 ngày, sau đó cần báo cáo tòa trong vòng 14 ngày. Luật bản quyền Anh 2014 cho phép Tòa án yêu cầu ISP chặn website. Các đơn vị cảnh sát sở hữu trí tuệ triển khai các biện pháp làm giảm nguồn thu của các website vi phạm bản quyền. Các bên không hợp tác với cảnh sát sẽ bị chặn.

Tại Việt Nam hiện nay, vẫn chưa đủ các quy định pháp lý cụ thể cho việc chặn các IP vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, xét về điều kiện thực tế để thực thi, việc này là không quá khó. Các nhà cung cấp dịch vụ IPS ở Việt Nam chỉ tập trung vào một nhóm doanh nghiệp lớn (VNPN, Viettel, FPT). Bộ Thông tin và Truyền thông có sự phối hợp và quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp này. Do đó, nếu có căn cứ pháp lý và quy trình phù hợp, việc chế tài (chặn, cắt dịch vụ) các doanh nghiệp vi phạm hoàn toàn có thể xử lý nhanh thông qua sự phối hợp giữa các nhà mạng và cơ quan quản lý.

Giải pháp này đồng thời có thể kết hợp với các biện pháp kỹ thuật khác bao gồm: Cắt dòng thu nhập từ ăn cắp bản quyền ( dịch vụ quảng cáo, thanh toán trực tuyến); Loại bỏ chương trình ăn cắp và trang web ăn cắp khỏi Internet; Lập báo cáo và quy trình xử lý người có lỗi nhiều lần để xác định hiện trạng vi phạm của người sử dụng; Chặn website ăn cắp từ nước ngoài. Các giải pháp đồng bộ như vậy có thể giúp xử lý nhanh chóng các đơn vị vi phạm.

Như vậy, khu vực tư – từ các nhà mạng (cung cấp ISP); các đơn vị cung cấp platform nội dung ( như Youtube, Clip.vn; Zing ..) các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo (Ad agency) .. đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình thực thi này. Nếu có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị tư và các cơ quan thực thi pháp luật, hiệu quả bảo vệ bản quyền chắc chắn sẽ có sự cải thiện trong tương lai gần, từ đó giúp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số và kinh tế số ở Việt Nam.

Các trang web vi phạm quyền tác giả nổi bật tại Việt Nam

Một trang web vi phạm bản quyền lớn trên toàn cầu, 123movieshub.to, đang hoạt động tại Việt Nam. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu Việt Nam kiểm tra hoạt động của trang web trong Báo cáo “Những thị trường có tiếng xấu 2017”.

Chiasenhac.com là trang nhạc vi phạm bản quyền phổ biến nhất. Nó cho phép người dùng stream không có giấy phép nhạc Việt Nam và quốc tế, thu hút 84% lưu lượng truy cập tại Việt Nam và 16% từ Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản.

Các trang web khác cung cấp âm nhạc và nội dung video âm nhạc không có giấy phép để tải xuống và phát trực tuyến bao gồm nhac.pro.vn (nhacpro.net), tainhacmp3.vn, tainhacvemay.mobi và nghenhacvui.com (mới).

Ngày 14/9/2017, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã đăng công khai trên trang web của Cục danh sách 83 trang web có dấu hiệu vi phạm bản quyền nội dung chương trình truyền hình, trong đó có: bilutv.com, hayhaytv.com, hdviet.com, phimmoi.net, hdonline.vn, phimbathu.com.