Vị trí của khoa học và công nghệ trong chương trình nghị sự quốc gia vừa được nhấn mạnh một lần nữa tại hai cuộc họp quan trọng của Trung Quốc.

Tại hai cuộc họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, kết thúc vào ngày 13/3, thông điệp khoa học và công nghệ là động lực để đạt được sự phát triển tự chủ và chất lượng cao đã được đưa ra. Cùng với đó là việc công bố thành lập Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung ương để giám sát các nỗ lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Tại hai cuộc họp, tân thủ tướng Lý Cường cũng lưu ý tầm quan trọng của đổi mới khoa học, công nghệ và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố ủng hộ khoa học khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thứ ba vào tháng 10/2022.

Trung Quốc muốn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực nghiên cứu đòi hỏi đầu tư lớn và phối hợp giữa nhiều tổ chức, nguyên nhân do căng thẳng địa chính trị với Mỹ. Tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các quy tắc hạn chế Trung Quốc mua chip máy tính tiên tiến và sản xuất chất bán dẫn. Các công nghệ then chốt được tập trung phát triển bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn - những công nghệ có mục đích sử dụng kép cho cả dân sự và quân sự.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Cải tổ cơ quan quản lý

Vẫn chưa rõ ai sẽ ngồi trong Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung ương, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng có thể sẽ là các quan chức cấp cao, thậm chí có thể là Chủ tịch Tập Cận Bình. Một ủy ban do các quan chức cấp cao nhất điều hành không phải hiếm - trong quá khứ, từng có những ủy ban như vậy ở một số lĩnh vực quan trọng như công nghệ di động 3G.

Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung ương sẽ giao nhiệm vụ cho Bộ Khoa học và Công nghệ.

Một số nhiệm vụ hành chính hiện tại của Bộ Khoa học và Công nghệ - chẳng hạn như phân bổ ngân sách cho nông nghiệp, sinh thái và bảo vệ môi trường, và y tế công cộng - sẽ được giao cho các bộ khác. Điều này có thể giúp tiết kiệm chi phí và tránh nghiên cứu trùng lặp. Công tác thu hút nhân tài từ nước ngoài cũng sẽ được chuyển sang Bộ Nhân sự và An sinh xã hội.

Ông Lý Cường tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Trung Quốc ngày 11/3/2023.

Tăng ngân sách

Tài trợ khoa học và công nghệ cũng được dự đoán tiếp tục tăng. Theo dự thảo báo cáo ngân sách, chi tiêu của chính phủ cho nghiên cứu và phát triển dự kiến đạt 328 tỷ nhân dân tệ (48 tỷ USD) vào năm 2023 - tăng 2% so với năm 2022. Nhìn chung, chi tiêu của Trung Quốc cho R&D đã tăng từ 2,1% lên hơn 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm qua. Tại họp báo ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Vương Chí Cương nhấn mạnh rằng cần tăng đầu tư vào nghiên cứu cơ bản.

Các nhà nghiên cứu dự đoán các khoản tăng tài trợ này chủ yếu sẽ chảy vào các lĩnh vực mà Trung Quốc phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ và các nước phương Tây, bao gồm AI, dữ liệu lớn, lưu trữ năng lượng, chất bán dẫn, công nghệ sinh học và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Thành phần đại biểu tham dự hai cuộc họp đã thể hiện sự quan tâm của Trung Quốc vào những công nghệ này. Những người đứng đầu công ty thương mại điện tử Alibaba và nền tảng công nghệ Tencent từng tham dự các cuộc họp trước đây. Nhưng hai cuộc họp năm nay chứng kiến sự xuất hiện của lãnh đạo công ty phần mềm trí tuệ nhân tạo SenseTime, nhà sản xuất chất bán dẫn Hua Hong Semiconductor và nhiều đại diện của các công ty thiết kế chip, ô tô và pin. Điều này phản ánh sự thay đổi rõ ràng về trọng tâm chính sách đổi mới của Trung Quốc, theo giới quan sát.

Mặt trái của công nghệ "nhà làm"

Việc Trung Quốc chú trọng vào công nghệ "nhà làm" đặt ra câu hỏi liệu họ có còn cởi mở với hợp tác quốc tế hay không. Một số nhà nghiên cứu cho biết không quốc gia nào có thể đạt được sự tự lực trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. “Thật không thực tế khi mong đợi các quốc gia có thể phát triển các nền tảng công nghệ hoàn toàn độc lập", Scott Moore, nhà khoa học chính trị tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, nói.

Việc Trung Quốc ngày càng nhấn mạnh tính tự chủ được cho là sẽ hạn chế hợp tác nghiên cứu quốc tế trong một số lĩnh vực nhất định. Mặc dù Trung Quốc tập trung vào an ninh và cạnh tranh trong những năm gần đây, cộng đồng học thuật Trung Quốc cho đến nay vẫn tiếp tục hoan nghênh hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, có thể các học giả không phải người Trung Quốc tham gia vào các hoạt động hợp tác sẽ bị hạn chế quyền tiếp cận so với trước đây, đặc biệt là đối với các công nghệ được coi là nhạy cảm.

Nguồn: