Trong bối cảnh có khả năng tái tranh cử vào năm tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu ra các ưu tiên tài trợ công nhằm đổi mới khoa học và công nghệ, với mục tiêu cạnh tranh với Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á.

Kế hoạch ngân sách của ông Biden chưa đầy đủ chi tiết, nhưng có thể thấy ông đang ưu tiên một số đơn vị như Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) - nơi tài trợ cho khoảng một phần tư nghiên cứu học thuật của Mỹ - được cam kết tăng ngân sách gần 19%. Theo đó, NSF sẽ nhận được 11,3 tỷ USD - gồm 2 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và điện toán lượng tử; 1,8 tỷ USD cho các chương trình nhằm mở rộng và đa dạng hóa lực lượng lao động khoa học; và 1,2 tỷ USD để giúp đưa những đổi mới từ phòng thí nghiệm ra thị trường.

Dù vậy, số tiền thực tế được chuyển đến các cơ quan liên bang trong năm tài chính 2024, bắt đầu vào ngày 1/10 năm nay, vẫn sẽ do Quốc hội Mỹ quyết định.

Kế hoạch tăng ngân sách cho khoa học của ông Biden có thể gặp khó khăn do Mỹ phải đối mặt với nguy cơ cắt giảm tài trợ, không chỉ cho nghiên cứu và phát triển mà còn cho ngân sách nói chung trong những tháng tới.

Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một đề xuất ngân sách vào ngày 9/3, mà theo ông là “vạch ra các khoản đầu tư quan trọng để cạnh tranh với Trung Quốc trên toàn cầu”

Nhiều yêu cầu ngân sách của ông Biden cho thấy chính quyền của ông mong muốn đảm bảo Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, nước đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển, và các quốc gia công nghệ cao khác.

Một lĩnh vực khác mà Mỹ đang cố gắng đi trước Trung Quốc là thám hiểm không gian. NASA sẽ nhận được 8,1 tỷ USD cho chương trình Artemis, chương trình đang phát triển một loạt tên lửa và tàu vũ trụ để đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt trăng. Nếu được chấp thuận, ngân sách cơ quan này sẽ được tăng 500 triệu USD, tương đương tăng 6,6% so với năm ngoái. NASA đặt mục tiêu đưa người lên Mặt trăng sớm nhất là vào năm 2025.

Ngoài tập trung vào đảm bảo khả năng cạnh tranh của Mỹ, đề xuất ngân sách của Biden cũng dựa trên các bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 để đầu tư vào khả năng phòng vệ trước những đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), từng tuyên bố sẽ cải tổ cấu trúc và quy trình hoạt động, được ông Biden yêu cầu tăng 2,3 tỷ USD tài trợ, tương đương tăng 26%.

Kế hoạch ngân sách cũng kêu gọi dành 20 tỷ USD trong 5 năm để chuẩn bị cho đại dịch. Hơn một nửa số tiền này sẽ được chuyển đến Cơ quan Quản lý Chuẩn bị và Ứng phó Chiến lược, vốn chịu trách nhiệm giải quyết các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và duy trì kho dự trữ vaccine và phương pháp điều trị của Mỹ.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) có thể nhận được 2,7 tỷ USD trong khoản này. Nhưng nhà tài trợ lớn nhất thế giới cho nghiên cứu y sinh này sẽ chỉ được tăng ngân sách khoảng 1,9% theo yêu cầu của Biden. Giới khoa học tỏ ra khá thất vọng về mức tăng dành cho NIH bởi họ cho rằng số tiền này không đủ để NIH đầu tư vào nghiên cứu cơ bản.

Ông Biden có kế hoạch đầu tư khoảng 16,5 tỷ USD cho khoa học khí hậu và đổi mới năng lượng, dành cho nhiều cơ quan.

4 tỷ USD khác sẽ dành cho các công nghệ “đột phá” có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực xây dựng, hàng không, sản xuất và năng lượng nhiệt hạch. Phần lớn số tiền này sẽ đi về Văn phòng Khoa học của Bộ Năng lượng Mỹ. Cơ quan này được tăng gần 9% ngân sách theo kế hoạch mới.

Ngoài ra, ông Biden yêu cầu cung cấp 24 tỷ USD để giúp các cộng đồng trong nước Mỹ chuẩn bị cho các tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và 7 tỷ USD khác để giúp các cộng đồng phụ thuộc vào khai thác dầu, khí đốt và than đá chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ được đề xuất tăng gần 19% ngân sách, lên 12,1 tỷ USD.

Nhìn chung, ngân sách đề xuất của ông Biden được giới khoa học đánh giá là phản ánh các ưu tiên của Đảng Dân chủ và nhấn mạnh khoa học ứng dụng trong việc giải quyết các thách thức quốc gia và toàn cầu.

Nguồn: