Những quốc gia có thu nhập trung bình ở châu Á đã trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế đáng kể và đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn thiếu khả năng tạo ra sự đổi mới cần thiết để thúc đẩy năng suất, phát triển kinh tế và tính bền vững – đó đều là những yếu tố cần thiết cho sự thịnh vượng về lâu dài.

Tụt lại phía sau

Các quốc gia châu Á, đặc biệt là các quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương, là quê hương của một số nhà tiên phong nổi tiếng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, theo báo cáo “Tăng cường Đổi mới sáng tạo là Chìa khóa Thúc đẩy Phục hồi Kinh tế bền vững ở Đông Á – Thái Bình Dương” của World Bank (WB), chỉ có Trung Quốc vượt lên, lọt vào top đầu bảng xếp hạng toàn cầu khi so sánh thứ hạng GDP bình quân đầu người và chi tiêu cho đổi mới sáng tạo.

Tích hợp đổi mới sáng tạo vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, sẽ giúp các nước thúc đẩy quá trình đổi mới, vươn tới trở thành một quốc gia công nghệ cao. Ảnh: Các sinh viên trong Fablab USTH giới thiệu về máy nung cao tần với GS. Jean Marc Lavest - Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (AUF) – tại buổi ra mắt FabLab vào năm 2020. Nguồn: USTH.

Các tác giả của báo cáo nhận xét rằng hầu hết doanh nghiệp ở các nước này đang ở mức độ đổi mới sáng tạo thấp hơn so với kỳ vọng dành cho các quốc gia có mức thu nhập bình quân tương tự. “Do đó, cần phải có một mô hình đổi mới trên diện rộng – một mô hình hỗ trợ các công ty trong việc áp dụng những công nghệ mới, đồng thời cho phép những công ty công nghệ cao thực hiện các dự án tiên tiến; đồng thời Chính phủ các nước trong khu vực cần hỗ trợ đổi mới trong ngành dịch vụ, vì nó đóng vai trò ngày càng lớn trong các nền kinh tế - không đơn thuần chỉ giúp tăng chất lượng trong ngành dịch vụ mà còn là yếu tố đầu vào chính của các ngành chế tạo sản xuất” Xavier Cicera, tác giả chính của báo cáo, cho biết.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần tăng cường các yếu tố bổ trợ cho đổi mới sáng tạo, bao gồm kỹ năng của người lao động và các công cụ tài chính để tài trợ cho các dự án đổi mới. Xây dựng mối liên kết mạnh hơn giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp cũng sẽ là nhiệm vụ cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo trong khu vực.

“Thật vậy, các nước láng giềng có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đều đã sử dụng đổi mới sáng tạo như một phương tiện để cải thiện hiệu quả làm việc và gia tăng thu nhập”, báo cáo cho hay.

Thúc đẩy nghiên cứu

WB đã tiến hành khảo sát các nhà nghiên cứu ở Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam; họ nhận thấy chính phủ các nước đã tăng cường năng lực nghiên cứu quốc gia, nhưng nhìn chung tác động vẫn chưa rõ rệt.

GS. Asma Ismail, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Malaysia, cho biết cần phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo nếu muốn nâng cao năng suất quốc gia. “Chúng tôi cần tạo ra một sự thay đổi có hệ thống trong bối cảnh đổi mới ở Malaysia. Khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) là con đường phải đi nếu muốn nâng cao năng suất”, bà nói trong buổi ra mắt trực tuyến báo cáo.
Chính sách STI quốc gia của Malaysia giai đoạn 2021-2030 đã có hiệu lực, nhằm đảm bảo rằng nước này sẽ trở thành một quốc gia công nghệ cao vào năm 2030. Điều này đòi hỏi một khuôn khổ kinh tế quốc gia dựa trên các sáng kiến chiến lược để hình thành nên ngành công nghiệp dựa trên công nghệ.

Tuy nhiên, cần thu hẹp khoảng cách giữa phát triển khoa học công nghệ của nhà nước với hoạt động của doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, tổ chức Technology Innovation Accelerator đã ra đời, hoạt động tương tự như Innovate UK và *Star Singapore – hai cơ quan đã được chứng minh là tạo ra tác động kinh tế và xã hội.

Theo GS. Ismail, tích hợp đổi mới sáng tạo vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, sẽ giúp thúc đẩy kế hoạch này. “Cái bắt tay giữa các nhà hoạch định chính sách, viện nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp công nghệ, sẽ giúp một quốc gia thành công trong việc liên kết STI với phát triển kinh tế xã hội”.

GS. Ismail cho biết những nỗ lực này đã được đền đáp, khi thứ hạng đổi mới sáng tạo của Malaysia đã tăng mạnh, từ 130 trong số 137 quốc gia vào năm 2018 lên vị trí 64 vào năm 2019.

Để đảm bảo thành công, các nhà hoạch định chính sách cần tạo ra một mạng lưới rộng khắp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng, dịch vụ tài chính, văn hóa – nghệ thuật và du lịch; công nghệ thông minh, kỹ thuật và sản xuất; thành phố thông minh và giao thông; nước và thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp, giáo dục, môi trường và đa dạng sinh học. Tất cả đều có tiềm năng hình thành những doanh nghiệp STI giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Đức Kiên – trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, và đã thực hiện một số sáng kiến nghiên cứu chiến lược dẫn đến những kết quả tích cực.

Ông thừa nhận, Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức lớn, đó là tìm cách cân bằng giữa sản xuất thâm dụng lao động (cần nhiều lao động) với nhu cầu của nền kinh tế xanh. Việc thiếu kỹ năng và năng lực trong ngành công nghiệp công nghệ cao đã hạn chế cơ hội của Việt Nam trong việc tăng tốc để đạt được các mục tiêu kinh tế xanh.

Nước ta cần chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, bắt đầu từ cải cách giáo dục tổng thể để phát triển những kỹ năng cần thiết trong thời đại ngày nay. Việc này cần nhiều thời gian và đòi hỏi một lượng lớn đầu tư. Ngoài ra, theo ông Kiên, cần phát triển cơ sở hạ tầng và thị trường vốn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông cũng nhận định rằng các khuyến nghị về mặt chính sách trong báo cáo của WB là hợp lý, đồng thời nói thêm rằng Việt Nam sẽ xem xét đâu là khía cạnh cần ưu tiên. Cuối cùng, mục tiêu của Việt Nam là trở thành một quốc gia công nghệ cao trong thập kỷ tới, tương tự như mục tiêu mà Malaysia đã tự đặt ra.

Paco Sandejas, đại diện Quỹ đầu tư mạo hiểm Narra Venture Capital, cho biết dữ liệu trong báo cáo của WB đã cung cấp cho các cơ quan phát triển cơ sở để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hành động. “Cần phải đào tạo thêm về kinh doanh và công nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở tất cả các cấp, không chỉ là các cơ sở giáo dục, mà còn là các doanh nghiệp và cơ quan quản lý”.

Theo Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SCG, tập đoàn công nghiệp lớn nhất Thái Lan, Chính phủ Thái Lan nên đọc báo cáo này. Ông chia sẻ với Asia Focus rằng báo cáo phản ánh rõ ràng thực tế là các chính sách liên quan đến tích hợp đổi mới sáng tạo trong mọi khía cạnh của nền kinh tế ở nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan, vẫn còn nhiều bất cập.

(Theo báo cáo “The Innovation Imperative for Developing East Asia” của WB và Bangkokpost)